Chương trình bình ổn thị trường 2021 - Tết Nhâm Dần 2022: 62 đơn vị chủ lực tham gia

|

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng vừa ký ban hành 2 quyết định số 1107 và 1108 về kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường (CT BOTT) năm 2021 và Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TPHCM; ứng phó khẩn cấp dịch Covid -19. \r\n

Theo quyết định, CTBOTT được triển khai từ 1-4-2021 đến hết ngày 31-3-2022, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, góp phần thực hiện tốt 

công tác an sinh xã hội, gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

100% sản phẩm bình ổn là hàng sản xuất trong nước

Theo các quyết định, năm 2021, TPHCM tiếp tục thực hiện 4 chương trình BOTT bao gồm, CT BOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; các mặt hàng sữa; các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022. CT BOTT năm nay tiếp tục thực hiện theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của TPHCM và cả nước.

Đối tượng tham gia gồm doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế; được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan; đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình. 

Hàng hóa trong chương trình là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp; có nguồn cung dồi dào, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của nhân dân TP, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

Chương trình kết nối DN với ngân hàng thương mại để vay vốn nhằm thực hiện nhiệm vụ BOTT; khuyến khích DN mở rộng đầu tư, hợp tác với đối tác phù hợp tại các tỉnh thành để phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân TP và mở rộng thị trường.

Chế biến chả giò tại Công ty Sagrifood. Ảnh: CAO THĂNG

Chương trình thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa BOTT được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven, huyện ngoại thành trên địa bàn TP và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa BOTT đến các bếp ăn tập thể.

Hàng bình ổn chiếm 25%-50% thị phần

Theo kế hoạch, đối với CT BOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, năm nay, TPHCM tiếp tục thực hiện bình ổn ở 10 nhóm hàng gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô...); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị. Lượng hàng bình ổn trong các tháng thường chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường; các tháng tết, lượng hàng bình ổn chiếm 30%-40% nhu cầu thị trường. Trong trường hợp ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh, TPHCM sẽ tăng sản lượng các mặt hàng lương thực, thực phẩm bình ổn chiếm từ 35%-50% nhu cầu thị trường. 

Năm 2021, TP tiếp tục đưa 2 nhóm mặt hàng là khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn vào danh mục BOTT. Cụ thể, khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) là 65,65 triệu cái/3 tháng và nước rửa tay sát khuẩn là 4,52 triệu lít/3 tháng nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ, giá bán ổn định phục vụ người dân phòng chống dịch Covid-19.

CT BOTT các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2021-2022, được bình ổn ở 3 nhóm hàng chính (giảm một nhóm là giày dép) gồm tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh. Lượng hàng bình ổn chiếm 35%-50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn TP. 

CT BOTT các mặt hàng sữa sẽ có 4 nhóm sản phẩm được bình ổn, gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường); sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống).

Tương tự, đối với CT BOTT các mặt hàng dược phẩm cũng sẽ duy trì các nhóm thuốc thiết yếu, có mức độ sử dụng phổ biến trong nhân dân. Tổng sản lượng thuốc bình ổn chiếm khoảng 50% thị phần thuốc trên địa bàn TPHCM, tương ứng khoảng 200 mặt hàng tân dược và được phân phối rộng khắp các bệnh viện trung ương trên địa bàn và các bệnh viện của TP. CT BOTT năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 có 62 đơn vị chủ lực tham gia bình ổn trên 500 sản phẩm. 

Giá bán thấp hơn thị trường 5%-15%

Quyết định của UBND TPHCM cũng quy định, các DN tham gia chương trình xây dựng và đăng ký giá bán BOTT với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá. 

Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất 5%-10% và giữ ổn định giá bán trong 2 tháng trước, trong, sau Tết Nhâm Dần 2022 (1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết).

Đối với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất 10%-15%. Đối với các mặt hàng sữa và dược phẩm, đảm bảo giá bán BOTT hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường.

Giá thị trường là giá do mạng lưới báo giá của Sở Tài chính và giá tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi (không phải là điểm bán BOTT), đồng thời có tham khảo giá của Cục Thống kê công bố tại thời điểm DN đăng ký giá hoặc thời điểm DN đề nghị điều chỉnh. Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5% trở lên hoặc giá bán trên thị trường biến động giảm làm cho giá bán của chương trình không đảm bảo tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5%, DN thực hiện điều chỉnh giá bán BOTT với Sở Tài chính nhưng giá bán hàng bình ổn vẫn hợp lý, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá gây khan hiếm giả tạo, DN tham gia chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa có khả năng điều tiết thị trường theo sự điều phối của Sở Công thương.

Các hệ thống phân phối khi tham gia CT BOTT tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong chương trình BOTT vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện việc chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá nhằm ổn định thị trường, giá cả.

Về phát triển mạng lưới phân phối hàng bình ổn, TP khuyến khích DN tham gia chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực vùng ven, ngoại thành trên địa bàn TP. Các DN tích cực thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa BOTT đến các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa BOTT. Các DN thực hiện nghiêm túc kế hoạch phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn đã đăng ký với Sở Công thương, nhằm đảm bảo đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng TP. 

Theo kế hoạch, Sở Công thương và Sở Y tế là cơ quan thường trực của CT BOTT, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan xác định danh mục các mặt hàng thiết yếu, lượng hàng phù hợp và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tham gia chương trình. Xây dựng, công khai thông tin về tiêu chí xét chọn đơn vị tham gia, hướng dẫn thủ tục, vận động tham gia, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tổ chức thẩm định chặt chẽ để xét chọn và phân bổ lượng hàng phù hợp giao các đơn vị đủ điều kiện tham gia chương trình.

11.346 tỷ đồng thực hiện CT BOTT năm 2021-2022
Theo Sở Công thương TPHCM, CT BOTT năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 có 6 ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia, cung ứng 11.346 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho các DN triển khai nguồn hàng, phục vụ chương trình. DN có nhu cầu vay vốn sẽ được kết nối với các tổ chức tín dụng, lãi suất dài hạn từ 6,5%-11,3%/năm và ngắn hạn 4,5%/năm để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển hệ thống phân phối, dự trữ nguồn hàng. Lịch trả nợ vay, hạn mức vay, lãi suất cụ thể sẽ do các tổ chức tín dụng và DN tham gia chương trình thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm trong hợp đồng vay vốn. 
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng khuyến khích các DN sử dụng nguồn vốn tự có, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN sản xuất cùng lĩnh vực, liên kết giữa DN sản xuất với nhà phân phối để thực hiện việc hỗ trợ, ứng vốn sản xuất, đảm bảo nguồn cung luôn dồi dào, phong phú, ổn định giá, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm bình ổn.