Phát triển nền nông nghiệp bền vững

|

Tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp trong 5 năm ước đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 190 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt hơn 41 tỷ USD. Để trở thành cường quốc xuất khẩu nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN-PTNT tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt nhằm thúc đẩy phát triển, cơ cấu lại ngành từ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất, tập trung phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.\r\n

Nhờ liên kết, đầu tư máy móc, nhiều công ty của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có thể sản xuất ra sản phẩm chế biến sâu từ cao su

Hao hụt, chất lượng kém do thiết bị lạc hậu

Theo Bộ NN-PTNT, nông nghiệp Việt Nam đạt nhiều thành công phát triển bền vững, nhưng chất lượng an toàn thực phẩm chưa cao, nên năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, áp lực cạnh tranh từ hội nhập quốc tế ngày càng cao; biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; nguồn lực cho tăng trưởng nông nghiệp ngày càng khan hiếm, đắt đỏ và phải cạnh tranh gay gắt với các lĩnh vực khác; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng, hàm chứa những thành tố phát triển chưa thực sự bền vững.

Thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, gần 45% sản lượng thu hoạch nông sản của thế giới bị hao hụt khi đến tay người tiêu dùng. Nguyên nhân chính là do sâu bệnh hoặc điều kiện bảo quản không tốt, khiến sản phẩm bị thối rữa hoặc hao hụt trọng lượng. Gần thập niên qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh, tuy vậy tồn tại lớn nhất vẫn là mức tổn thất sau thu hoạch còn cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp thấp và còn tiềm ẩn rủi ro về an toàn thực phẩm. Do vậy, định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông lâm thủy sản (NLTS) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu.

Hiện nay, cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến NLTS quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015; trong 5 năm 2016-2020, có 67 nhà máy/cơ sở chế biến lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) chế biến NLTS trong những ngành rau quả, mía đường, điều, cà phê… chỉ chiếm dưới 10% trong tổng số DN đầu tư. 

Còn theo thống kê của Viện Chính sách - Chiến lược nông nghiệp nông thôn, hầu hết công nghệ của các DN chuyên chế biến NLTS đã qua 3-4 thế hệ; 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; chỉ 1%-5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế; 8%-15% DN đăng ký chất lượng sản phẩm; 40% DN không có trình độ chuyên môn... Vai trò đầu tư, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm NLTS không thể thiếu được yếu tố DN. Tuy vậy, từ những số liệu thống kê trên cho thấy tỷ lệ DN đầu tư vào lĩnh vực NLTS còn rất thấp.

Nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” kinh tế

Bộ NN-PTNT thông tin, xuất khẩu NLTS của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20%-25%, khá cao so với các nước trong khu vực chỉ khoảng 10%-15%.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), phân tích nguyên nhân, theo đó kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp còn nhiều bất cập, năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế. Mặt khác, dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn nhưng quy mô nhỏ, chưa thể phục vụ cấp vùng. Trong khi tại nhiều nơi như ĐBSCL được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước thì dịch vụ này lại chậm phát triển.

“Xây dựng hệ thống cung ứng dựa trên nền tảng logistics hiện đại. Mỗi địa phương hoặc vùng kinh tế có nông nghiệp phát triển cần có trung tâm logistics nông nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Toản đề xuất.

PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phân tích, xu thế nông nghiệp trong tương lai sẽ phát triển thành các ngành công nghiệp công nghệ cao, được kết hợp với trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Những hệ thống được tích hợp đồng bộ các khâu của quá trình sản xuất, từ làm đất gieo hạt, canh tác, thu hoạch, quản lý trang trại, dự báo sản xuất đến bảo quản, chế biến kết nối chuỗi logistics toàn cầu. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ.

Quá trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị thông minh kết nối Internet để quản lý theo chuỗi từ người nông dân đến các DN sơ chế bảo quản, chế biến và phân phối sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Ví dụ như, kết quả nghiên cứu ứng dụng bằng công nghệ bao gói MAP kết hợp xử lý chế phẩm sinh học cho quả vải thiều Lục Ngạn kéo dài thời gian bảo quản 30-35 ngày ở điều kiện lạnh 4°C; quả nho Ninh Thuận có thời gian bảo quản đạt 55-60 ngày ở điều kiện 2-3°C; quả chanh leo có thời gian bảo quản đến 55-60 ngày, ở nhiệt độ 6-7°C.

Nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững. Theo Bộ KH-CN, đến năm 2030, sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong 5 nước hàng đầu thế giới.

Tốc độ tăng trưởng GDP NLTS bình quân từ 3%-3,2%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất NLTS 4%-4,3%; kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 60 tỷ USD. Để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, Bộ KH-CN sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT nghiên cứu chính sách khuyến khích DN chế biến rau quả đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Ngoài ra, bộ hỗ trợ DN trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, bí quyết kỹ thuật và giải pháp công nghệ, truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực chế biến, bảo quản.

PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: 
Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, phù hợp với đặc thù và lợi thế so sánh của các vùng miền, tạo môi trường thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống chuỗi logistics. Mặt khác, cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các DN lớn, DN FDI đầu tư vào các công nghệ nền trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản (NLTS) trở thành trung tâm kết nối các nhà sản xuất và phân phối theo chuỗi giá trị. Thêm vào đó, cần nghiên cứu đánh giá thực trạng trình độ ứng dụng công nghệ của loại hình HTX trong lĩnh vực bảo quản chế biến NLTS, làm cơ sở đề xuất chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực đổi mới và phát triển công nghệ. 
Giai đoạn 2021-2030, Nhà nước cần đổi mới cơ chế quản lý đặc thù đối với các nhiệm vụ “giải mã công nghệ”, khuyến khích các nhà khoa học phát huy sáng tạo, đưa ra những sản phẩm khoa học có tính mới và cạnh tranh so với công nghệ nhập khẩu. Cuối cùng, cần có chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo đối với các viện, trường về lĩnh vực chuyên ngành bảo quản chế biến NLTS.
PGS-TS Hoàng Hữu Hạnh, đại diện HTX Nông nghiệp số: 
Công nghệ hiện đại cho phép thu thập dữ liệu đất, nước, khoáng chất từ các trang trại và lưu trữ chúng trong các hệ thống thông tin, thông qua hệ thống Internet vạn vật (IoT). Dữ liệu đó có thể được kết hợp với dữ liệu từ các nguồn bên ngoài như vệ tinh, trạm thời tiết, từ các trang trại lân cận để tạo thành khối lượng lớn hơn. Phân tích dữ liệu được tích lũy, người nông dân có thể sử dụng để tối ưu hóa việc canh tác, giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên. Nhờ vậy, nông dân có thể đưa ra các quyết định canh tác thông minh bằng cách sử dụng thông tin đó trong suốt chu kỳ sản xuất; từ lập kế hoạch, trồng trọt, thu hoạch, đưa ra thị trường. Người tiêu dùng có thể quét các nhãn thông minh này và nhận được các thông tin chi tiết như giá trị chất dinh dưỡng, hóa chất độc hại, nguồn gốc, nguyên liệu...