Vẫn cấm người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông

|

Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó quy định về việc cấm uống rượu, bia khi lái xe một lần nữa được đưa vào. Cụ thể, tại khoản 1, điều 8 dự thảo luật quy định, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn tại Hà Nội. Ảnh: GIA KHÁNH

Ý kiến băn khoăn

Quy định này được hiểu là nồng độ cồn trong máu ở mức trên 0mg/100ml máu hoặc trên 0mg/1 lít khí thở là đã vi phạm. Với quy định này, nhiều lái xe, các bộ, ngành chức năng có ý kiến rằng cần sửa đổi, bỏ quy định ngưỡng nồng độ cồn bằng 0 và nên có quy định mức tối thiểu để phù hợp với thực tiễn cũng như “tập tục” của người Việt Nam. Nếu có ngưỡng nồng độ cồn, việc nâng mức xử phạt vi phạm đối với các trường hợp vượt ngưỡng vẫn có thể tăng tính răn đe.

Có nên áp dụng ngưỡng nồng độ cồn bằng 0 hay cần phải có ngưỡng cụ thể để xử lý cho phù hợp theo từng trường hợp vẫn còn những quan điểm khác nhau. Là người thường xuyên lái ô tô đi các địa phương vì đặc thù công việc, anh Hà Trọng Đại (tỉnh Thái Bình) cho rằng, nếu áp dụng theo dự thảo luật như trên là khắt khe.

Anh Đại cho rằng, trong thực tế, có những loại hoa quả ăn vào cũng bị lên men, do vậy áp dụng theo quy định xử phạt mới nhất (Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng) là chưa đảm bảo công bằng. Nhưng cơ bản người dân cho rằng, xử lý vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là rất cần thiết.

Anh Lưu Hoàng Long, một người chạy xe ghép chở khách ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, lại hoàn toàn đồng tình với quy định ngưỡng nồng độ cồn bằng 0. Theo anh Long, việc cảnh sát giao thông thường xuyên, quyết liệt trong việc áp dụng đo nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông sẽ giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản.

Đề xuất tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Trước những quan điểm còn khác nhau về ngưỡng nồng độ cồn bằng 0, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thiếu tướng, PGS-TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn xuất phát từ việc chưa có kết luận khoa học tuyệt đối nào về uống rượu, bia mà không say hay thời gian bao lâu sau khi uống rượu, bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể.

Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Nếu nới ngưỡng nồng độ cồn có thể dẫn đến không thống nhất trong kiểm tra, xử lý. Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn một tài xế xe khách. Ảnh: GIA KHÁNH

“Trường hợp người sử dụng rượu, bia từ ngày hôm trước mà hôm sau vẫn còn nồng độ cồn nghĩa là hành vi sử dụng rượu, bia với số lượng rất nhiều, cố tình lạm dụng rượu, bia; qua thời gian dài nhưng nồng độ cồn vẫn còn thì chứng tỏ thần kinh chưa thể tỉnh táo hoàn toàn, thường thì cơ thể có nhiều dấu hiệu mệt mỏi, các phản xạ thường bị chậm chạp nên không thể xử lý, giải quyết tốt mọi tình huống khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vì vậy, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với trường hợp này là hoàn toàn phù hợp để mọi người tránh lạm dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông”, lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an nêu quan điểm.

“Bộ Công an đã thống nhất báo cáo Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn (ngưỡng nồng độ cồn bằng 0) để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen văn hóa giao thông “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” và bảo đảm tính thống nhất trong quy định của pháp luật”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, để đưa vào dự thảo cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, đánh giá, khảo sát thực tiễn và thấy rằng, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, thực sự rất cần quy định ngưỡng nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành…

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh (Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho rằng, mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn trong thời gian Tết Nguyên đán vừa qua, nhưng số vụ vi phạm vẫn ở mức cao.

Điều đó chứng tỏ rằng thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân còn nhiều, nhất là trong các ngày lễ, tết. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn chưa cao; một số người mặc dù biết được tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết được chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe nhưng vẫn cố tình vi phạm.