Ngày 6-1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Báo cáo tại hội nghị do Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định trình bày cho biết, trong năm 2020, Bộ KH-CN tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%/năm) và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).
Trong thành công chung đó, có sự đóng góp của Bộ KH-CN và của ngành KH-CN nói chung, thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Trong năm 2020, Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đứng ở vị trí 42/131 quốc gia, nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.
Các kết quả còn được thể hiện trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các nhiệm vụ nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho Tổ văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; phục vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì hội nghị với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: TRẦN BÌNH
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, Bộ KH-CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ KH-CN đã phê duyệt 10 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19.
Kết quả nghiên cứu nổi bật gồm: Nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ Kít phát hiện virus SARS-CoV-2, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu; Sản phẩm vaccine phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; Nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công sản phẩm robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với vai trò đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KH-CN đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện nhũng người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế....
Bộ trưởng Bộ KH-CN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHCN (ngày 21-4-2020) thống nhất toàn ngành KH-CN triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh vượt qua dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ KH-CN tại hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH
Trong năm 2020, có 32 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN, nâng tổng số doanh nghiệp KH-CN lên 538 doanh nghiệp trên tổng số 3.000 doanh nghiệp trên cả nước đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH-CN. Hiện đang tiếp tục tư vấn, xử lý kiến nghị của 50 đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp KH-CN đã nỗ lực thích ứng và thể hiện vai trò tiên phong trong nghiên cứu các giải pháp phòng chống dịch.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: KH-CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen,... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận sự chuyển biến trong hoạt động của Bộ KH-CN trong năm qua; nhất là việc đã nhanh nhạy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất (vaccine, Kít thử, phòng chống dịch bệnh...).
Cho rằng, tiềm năng KH-CN của đất nước còn rất lớn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH-CN tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế vượt trội, tháo những điểm ách tắc và minh bạch hơn nữa trong cơ chế quản lý tài chính KH-CN, bởi nếu không thay đổi quan niệm “nghiên cứu khoa học phải có rủi ro” thì sẽ rất khó; xem đó là nhiệm vụ quan trọng để giải phóng, lan tỏa năng lực KH-CN của đất nước.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn Bộ KH-CN tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong giai đoạn trước để thúc đẩy KH-CN và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo; Bộ KH-CN phấn đấu đi đầu trong công khai minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo trong cộng đồng những người làm nghiên cứu, trong đó tăng cường nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn.
TRẦN BÌNH