Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Đề thi môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa

|

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều điểm mới. Ngày 25-12, GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT trao đổi với báo chí làm rõ thêm về nội dung này.

GS-TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, đến nay Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như thế nào?

* GS-TS HUỲNH VĂN CHƯƠNG: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.

Kỳ thi được phân cấp, phân quyền giao chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức các khâu của kỳ thi. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ban hành quy chế, hướng dẫn và ra đề thi chung trên toàn quốc; phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo kỳ thi được tổ chức công bằng, khách quan, an toàn, có kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học, sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp.

Chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, ngay từ cuối năm 2023, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; đã ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo tất cả các môn thi tốt nghiệp theo hướng phù hợp với đánh giá năng lực học sinh; tập huấn đội ngũ cán bộ giáo viên trong toàn quốc về ra câu hỏi thi, tổ chức thi, tập huấn kỹ thuật cho các địa phương...

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có gì khác biệt?

* Đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đã nêu ở trên. Do đó, đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.

Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học; định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.

Đề thi năm 2025 phân bố tỷ lệ câu hỏi theo các cấp độ tư duy: biết, hiểu, vận dụng là 4:3:3. Với tỷ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp, trong khi tỷ lệ hiểu và vận dụng khoảng 30% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.

Một điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.

Bộ GD-ĐT đảm bảo quyền lợi cho thí sinh học Chương trình GDPT 2006 như thế nào?

* Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản cụ thể nêu rõ việc chuyển tiếp riêng về vấn đề này. Trong năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2006 và 1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2018).

Các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006 mà chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi xây dựng theo Chương trình GDPT 2006 (tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó).

Các thí sinh học theo chương trình GDPT 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ thì có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình GDPT 2006 hoặc đề thi theo Chương trình GDPT 2018.

Việc tổ chức thi cho các thí sinh dự thi theo đề thi của Chương trình GDPT 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.

Trách nhiệm, quyền lợi thí sinh khi tham gia kỳ thi từ năm 2025 có gì khác?

* Nhìn chung, các quy định về trách nhiệm, quyền lợi thí sinh cơ bản được giữ ổn định. Với quy định mới, thí sinh cần lưu ý một số nội dung như: khi dự thi bài thi tự chọn, thí sinh phải có mặt tại điểm thi ngay từ đầu buổi thi và chỉ được ra khỏi điểm thi khi hết giờ thi bài thi tự chọn (kết thúc cả 2 môn thi tự chọn). Từ năm 2025, thí sinh thi môn thứ 2 trong bài thi tự chọn cũng phải đến từ đầu buổi thi.

Thí sinh học Chương trình GDPT 2018 chỉ được đăng ký các môn thi trong số các môn thí sinh được học ở lớp 12.

Đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vẫn được phép sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Người có đủ điều kiện miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp thì phải sử dụng kết quả thi môn Ngoại ngữ để tính điểm tốt nghiệp THPT.

Thí sinh cũng sẽ không được cộng điểm nghề như trước đây. Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.

Từ năm 2025, các thí sinh là người nước ngoài học THPT tại Việt Nam được phép sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp.

Ông có lưu ý, nhắn gửi với thí sinh?

* Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học, Bộ GD-ĐT đã có các bước chuẩn bị từ sớm, từ xa, tích cực và kỹ lưỡng nhằm hướng đến một kỳ thi thuận lợi nhất cho thí sinh.

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, thí sinh cần thực hiện theo đúng kế hoạch dạy và học của nhà trường, hoàn thành toàn bộ chương trình và kiến thức lớp 12, hiểu rõ mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất. Vì vậy, các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.

Bộ GD-ĐT đã công bố các đề tham khảo giúp các em làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.

Đây là giai đoạn quan trọng nhưng cũng dễ gây căng thẳng, các em cần sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi.