Tranh cãi về bằng cử nhân và bằng kỹ sư

|

Hiện nay, nhiều thí sinh muốn học khối ngành kỹ thuật nhưng lại không biết khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân hay bằng kỹ sư. Theo các cơ sở đào tạo (các đại học, trường đại học, trường cao đẳng), sinh viên tốt nghiệp có thể nhận bằng cử nhân hoặc bằng kỹ sư tùy theo lựa chọn của người học.

Sinh viên ngành Công nghệ ô tô Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành hệ thống điện ô tô

Vẫn tồn tại hai loại bằng

Theo khoản 1, Điều 38 của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018, “văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”. Trong khi đó, khoản 1, Điều 38 của Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định “văn bằng giáo dục đại học được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo, gồm: bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ”. Như vậy, cả hai luật trên đều không đề cập tới bằng kỹ sư, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ y khoa, nha khoa...

Tuy nhiên, theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018, văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm: bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư. Còn theo Quyết định 1982/QĐ-TTg ngày 18-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ thì cấu trúc Khung trình độ Quốc gia Việt Nam gồm 8 bậc: Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II, Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ.

Trong đó, Bậc 6 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ, người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra sẽ được cấp bằng đại học. Với giáo dục nghề nghiệp, theo Khung trình độ Quốc gia là Bậc 5, yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ và người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 5 sẽ được cấp bằng cao đẳng. Tuy nhiên, thực tế các trường cao đẳng lại cấp bằng kỹ sư thực hành cho sinh viên học các ngành kỹ thuật.

Linh động cho người học chọn lựa

Theo TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM, trước khi có Luật Giáo dục Đại học, sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ, kỹ thuật của trường đều được cấp bằng kỹ sư. Từ năm 2019, khi Luật Giáo dục Đại học mới có hiệu lực, nhà trường đã tiến hành cập nhật chương trình đào tạo kỹ sư đảm bảo tối thiểu 150 tín chỉ theo quy định. Bằng cử nhân và bằng kỹ sư là hai loại bằng sinh viên được cấp sau khi hoàn thành chương trình học đại học, nhưng có một số điểm khác nhau.

Cụ thể, bằng cử nhân là văn bằng đại học cơ bản, có thể liên quan đến nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kinh tế... và có khối lượng học tập dưới 150 tín chỉ; còn bằng kỹ sư là văn bằng đối với ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên.

Trong khi đó, với trường chuyên đào tạo khối ngành kỹ thuật, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), nhìn nhận: Về luật thì hiện nay sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ cấp bằng đại học. Tuy nhiên, theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ GD-ĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thì chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 là 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành và chuẩn ngoại ngữ (tiếng Anh) phải đạt 4/6 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam) thì trường sẽ cấp bằng kỹ sư.

Nếu so sánh với Khung trình độ Quốc gia thì người được cấp bằng kỹ sư có thời lượng và khối lượng học gần như tương đương với trình độ thạc sĩ. Do đó, hiện nay đang có luồng ý kiến cần phải chỉnh sửa lại Khung trình độ Quốc gia cho phù hợp.

TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công thương TPHCM, cho biết, theo quy định hiện hành, sinh viên khi tốt nghiệp đại học có thể nhận được bằng cử nhân hoặc kỹ sư. Cụ thể, nếu chương trình thiết kế lấy bằng cử nhân, sinh viên sẽ phải học tích lũy đủ tối thiểu 120 tín chỉ (áp dụng cho tất cả các ngành). Đối với một số ngành đặc thù, chuyên sâu (có thể đa số là khối ngành kỹ thuật), nếu tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên sẽ nhận được bằng kỹ sư.

Như vậy, sinh viên có thể nhận được bằng cử nhân, bằng kỹ sư nếu như đáp ứng các điều kiện trên. Đối với nhà trường, sinh viên khối ngành công nghệ, kỹ thuật có thể tốt nghiệp lấy bằng cử nhân, sau đó nếu muốn lấy bằng kỹ sư thì phải học thêm tối thiểu 30 tín chỉ chuyên môn của ngành. Đây cũng là một mô hình tốt nghiệp đại học có thể lấy bằng cử nhân, hoặc vừa lấy bằng cử nhân vừa lấy bằng kỹ sư.

Theo thông lệ chung của thế giới, những người tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật (engineering) với số lượng tín chỉ là 180-240 theo chuẩn châu Âu ECTS (European Credit Transfer System), khoảng 120-130 tín chỉ với tiêu chuẩn Hoa Kỳ thì được cấp bằng cử nhân kỹ thuật. Một số nước không cấp bằng kỹ sư sau tốt nghiệp, mà kỹ sư là tên gọi vị trí việc làm trong ngành kỹ thuật. “Kỹ sư” chủ yếu đề cập đến một vị trí công việc hoặc nghề nghiệp hơn là tên của bằng cấp.

Như vậy, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định người tốt nghiệp cao đẳng kỹ thuật được cấp bằng kỹ sư thực hành là không phản ánh đúng bản chất việc làm của người kỹ sư, và rất nhiều doanh nghiệp không thể xếp việc cho loại “kỹ sư” này. Hơn nữa, khi người được cấp bằng kỹ sư thực hành học liên thông lên đại học thì gọi là kỹ sư gì cũng không ai lý giải được!