Gỡ vướng dự án “treo”, chống lãng phí

|

Có nhiều dự án bất động sản, khu đô thị bị “đứng hình” lâu nay, không chỉ là “thủ phạm” dẫn đến cuộc sống mòn mỏi cho người dân trong vùng dự án “treo”, mà cũng chính là sự lãng phí khủng khiếp trong sử dụng đất đai.

Cụ ông Trương Văn Tửu (87 tuổi, ngụ hẻm 130 đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, TPHCM) mong mỏi dự án khu III - Nam Lý Chiêu Hoàng, quận 6 sớm được thực hiện. Ảnh: THANH HIỀN

Vướng dự án “treo”, dân gặp khó

Nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng, bên cạnh là đại lộ Võ Văn Kiệt rộng lớn, thế nhưng hơn 20 năm trôi qua, người dân có nhà, đất thuộc dự án khu III - Nam Lý Chiêu Hoàng, quận 6 vẫn sống trong những căn nhà tạm bợ, cuộc sống hết sức khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, sống tại hẻm số 7 đường Nguyễn Văn Luông, phường 10, quận 6 cho biết, gia đình bà về đây sinh sống hơn 30 năm nay nhưng chưa được cấp sổ hồng vì dính dự án “treo”. Nhà cửa xuống cấp không được xây mới, chỉ được sửa tạm; muốn vay tiền làm ăn cũng chỉ được vay tín chấp với số tiền ít ỏi vì không có sổ hồng.

“Đường xuống cấp, người dân đi lại rất khó khăn. Mùa nắng thì còn đỡ, sang mùa mưa nước ngập, rác dưới kênh trôi lềnh khênh ô nhiễm khủng khiếp. Nhìn phía bên kia chỉ cách nơi đây cái hàng rào nhưng là nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng hiện đại, còn bên này hơn 20 năm qua vẫn như một vùng quê nghèo”, bà Lan buồn bã nói.

Sống trong dự án “treo” này, có lẽ không ai cảm nhận rõ khó khăn bằng cụ ông Trương Văn Tửu (87 tuổi) ngụ hẻm 130 đường Nguyễn Văn Luông, quận 6. Cái gọi là căn nhà thực ra chỉ là nền đất, được dựng lên bởi vài thanh gỗ tạm bợ.

Ông Tửu chia sẻ: “Tôi sống ở đây cả đời người, đến nay vẫn phải bám trụ, bởi muốn đi cũng không biết đi đâu vì không có tiền mua nhà. Mấy đứa con tôi không chịu sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp nên đi nơi khác thuê trọ. Dự án này “bị ngủ quên” hơn 20 năm qua, tôi như đèn khô dầu sắp tắt, không biết có chờ đến lúc dự án hồi sinh”.

Dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP Thủ Đức là dự án Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc tại TP Thủ Đức cũng đang trong tình trạng “treo” từ năm 1994. Người dân nơi đây có thể được xem là đại gia đất bởi có những hộ sở hữu đến vài hécta, nhưng lâu nay chật vật mưu sinh.

Ông Mai Hoàng Hiệp, ngụ hẻm 142 đường Võ Nguyên Giáp, cho biết, trước đây gia đình sở hữu 5ha đất và sống bằng nghề làm nông. Tuy nhiên, hơn 30 năm nay đất không thể canh tác được nữa và hầu như phải bỏ hoang. Không thể làm nông, không chuyển được mục đất kinh doanh được, ông cùng một số người dân trong khu vực xây tạm vài phòng trọ nhỏ cho thuê sống qua ngày chờ dự án được giải tỏa, bồi thường.

“Dự án treo bao nhiêu năm thì quyền lợi của người dân cũng bị treo theo. Giờ tôi chỉ mong Nhà nước quyết sớm, nếu làm thì phải triển khai để người dân chuyển đi nơi khác, còn không thì phải xóa quy hoạch cho chúng tôi, tính toán tìm cách phát triển khu này ổn định cuộc sống”, ông Hiệp mong mỏi.

Ông Lê Văn Hận, Trưởng khu phố 14, phường An Phú, TP Thủ Đức, cho biết thêm, đây là vùng trũng nên lúc triều cường cả khu vực đều bị ngập. Chưa kể, ở đây nhiều khu đất trống nên thường bị vứt rác trộm, chỉ cần sau cơn triều cường, rác tràn vào nhà ô nhiễm vô cùng.

Có lẽ giấc mơ lớn nhất của hàng vạn người dân nơi bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh là thoát cảnh“dự án treo”, bởi hơn 30 năm nay vẫn còn “ngủ quên”.

Ông H.T., ngụ đường Bình Quới, chia sẻ: “Chúng tôi mong chờ thành phố triển khai quy hoạch hàng ngày. Ở cái tuổi gần đất xa trời, tôi chỉ mong được chia đất cho con cất nhà ở hoặc bán để chúng nó có tiền ổn định cuộc sống. Nhìn khu đất rộng cả ngàn mét vuông bị bỏ hoang, trong khi con cái vẫn đang chật vật với cuộc sống mưu sinh, lòng tôi đau lắm!”.

Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc

Công bằng mà nói, những năm qua thành phố đã quyết liệt trong việc xóa dự án “treo”. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa được như mong muốn, bởi trong quá trình thực hiện bị các vướng mắc khác nhau.

Trở lại với các dự án nêu trên. Tại dự án khu III - Nam Lý Chiêu Hoàng, ông Bùi Trọng Suốt, Trưởng Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận 6, thông tin, năm 2004 UBND TPHCM ban hành quyết định thu hồi và tạm giao đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 (nay là Công ty CP Đầu tư Bình Phú) để xây dựng khu nhà ở và chung cư cao tầng, với diện tích ban đầu là 123.062m2, sau đó điều chỉnh giảm diện tích thu hồi còn 73.877m2.

Dự án có 185 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay chỉ thu hồi được đất của 57 hộ. Vướng mắc lớn nhất là cơ chế bồi thường, bởi trước đó dự án thực hiện công tác thu hồi theo Luật Đất đai năm 2003, Luật Đầu tư 2014, nhưng hiện nay các căn cứ đã thay đổi theo luật mới. Hiện dự án tiếp tục chờ sở, ngành xem xét hướng dẫn trình thành phố có ý kiến.

Đối với dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, có diện tích 427ha, vướng quy hoạch “treo” từ năm 1992. Tuy được mệnh danh là “cô gái đẹp”, là khu đất vàng duy nhất còn sót thuộc vùng trung tâm thành phố, nhưng bao nhà đầu tư... đến rồi lại đi.

Chuyên gia kinh tế, TS ĐINH THẾ HIỂN: Mạnh dạn xin cơ chế thí điểm xử lý dự án “treo”

Đối với dự án chậm triển khai có 3 nguyên nhân chính là vướng mắc về pháp lý; vốn đầu tư còn yếu kém; công tác triển khai còn chậm. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là vướng mắc về pháp lý, nếu gỡ vướng phải thuộc thẩm quyền cấp trung ương; có những vướng mắc cần có sự phối hợp nhiều bộ ngành liên quan. Có thể thấy, có những dự án dù lãnh đạo TPHCM rất quyết liệt đôn đốc để “hồi sinh” chống lãng phí, thế nhưng bị vướng mắc pháp lý thì cũng không thể đẩy nhanh được. Chính vì thế, TPHCM cần mạnh dạn đề xuất những cơ chế thí điểm thực hiện các dự án vướng mắc pháp lý.

Hiện nay, theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa mới ở bước tổ chức cuộc thi ý tưởng quốc tế quy hoạch và kiến trúc, đề bài đặt ra là phương án thi tuyển phải đảm bảo yêu cầu quy hoạch xây dựng thành khu đô thị sinh thái, bền vững và hiện đại. Còn tại dự án Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc, theo một lãnh đạo UBND phường An Phú, TP Thủ Đức (TPHCM), đến nay chưa thực hiện công tác bồi thường.

Về vấn đề này, cuối tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã ký văn bản báo cáo Bộ TN-MT về tình hình tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2024 đã thể hiện rõ nỗ lực của thành phố về xử lý “dự án treo”, đặc biệt là các vướng mắc đang phát sinh.

Theo đó, công tác rà soát, xử lý các dự án không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng được triển khai thường xuyên, liên tục từ năm 2012. Ngoài ra, Thành ủy TPHCM đã ban hành chỉ thị, trong đó chỉ đạo rà soát và báo cáo đề xuất biện pháp thu hồi đối với dự án chậm triển khai, “dự án treo” hoặc không triển khai thực hiện theo quy định.

Năm 2023, Sở TN-MT triển khai rà soát tại 19 quận, huyện đã tổng hợp được 112 dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ. Riêng tại khu Nam, Thanh tra Sở TN-MT đã tiến hành thanh tra 97 dự án chậm triển khai… Về giải pháp, đồng chí Bùi Xuân Cường cho biết: “Trước tình hình các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, UBND TPHCM đã giao cho các sở ngành và UBND các địa phương tiếp tục theo dõi để xử lý theo quy định”.

Sau thanh tra, dự án Khu đô thị Tây Bắc vẫn “đứng yên”

Ngày 27-12, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, từ sau kết luận của Thanh tra TPHCM đến nay, huyện chưa nhận được thông tin mới về tiến độ dự án. Trước đây, huyện có đề xuất điều chỉnh quy hoạch đưa khu dân cư hiện hữu ra khỏi dự án để phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên đến nay vấn đề này chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Dự án Khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hơn 25 năm, thế nhưng đến nay dự án vẫn “treo”.

Những bất cập, vướng mắc tại dự án này đã được Thanh tra TPHCM kết luận vào tháng 2 năm nay. Kết luận đã xác định, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc thực hiện việc làm hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch các phân khu của khu đô thị quá chậm. Ngoài ra, nguyên nhân dự án triển khai chậm cũng được “mổ xẻ” tại các cuộc họp của UBND TPHCM, HĐND TPHCM, các vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh giới quy hoạch khiến người dân bức xúc.