Lừa đảo “bủa vây” sinh viên

|

Hiện nhiều trường đại học liên tục đăng tải các thông tin cảnh báo những chiêu thức lừa đảo để sinh viên nâng cao cảnh giác. Các hình thức lừa đảo thường dưới dạng các tin nhắn, xâm nhập vào các hội, nhóm trên mạng xã hội để đưa thông tin lôi kéo sinh viên; gọi điện thoại hù dọa để dẫn dụ sinh viên rồi yêu cầu chuyển tiền...

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM chia sẻ về những cảnh báo lừa đảo trên mạng xã hội. Ảnh: THANH HÙNG

Đủ các loại “bẫy”

Ngày 22-12, fanpage của Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp TPHCM đăng tải thông tin cảnh báo sinh viên toàn trường về tình trạng lừa đảo dưới hình thức giả danh giảng viên thu hộ học phí để được miễn giảm tiền. Nhà trường cho biết nhận được phản ánh về việc có một số đối tượng giả danh giảng viên của trường và yêu cầu sinh viên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Sau đó, giảng viên sẽ đóng hộ học phí để giúp sinh viên được miễn giảm tiền. “Đề nghị phụ huynh, sinh viên cảnh giác theo các nguyên tắc và hướng dẫn của trường. Tuyệt đối không chuyển tiền học phí vào bất kỳ tài khoản ngân hàng cá nhân nào. Các thông báo thu tiền chỉ có giá trị khi đăng tải trên website, fanpage chính thức của trường”, thông báo khuyến cáo.

Trước đó, giữa tháng 12-2024, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia - ĐHQG TPHCM)… liên tục phát cảnh báo, đề nghị sinh viên nâng cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo yêu cầu chuyển khoản dưới dạng trúng tuyển học bổng...

Theo thông tin của Trường ĐH FPT, trong thông báo vào ngày 15-12-2024 của đối tượng lừa đảo có nội dung: “Thông báo về nội dung chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản cấp năm 2024, số lượng 120 suất sau đại học, 80 suất đại học, 30 suất cao đẳng và 5 suất trung cấp chuyên nghiệp... Để tham gia chương trình, nhà trường yêu cầu học sinh phải chứng minh khả năng tài chính cần có số tiền 120 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng để lấy biên bản sao kê cho nhà trường...”.

Ngày 14-12-2024, kẻ lừa đảo cũng tung thông tin dưới dạng văn bản về thư mời của Bộ GD-ĐT mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế dành cho sinh viên của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM).

Theo đại diện Trường ĐH Bách khoa, đây là văn bản giả mạo, lừa đảo nhằm yêu cầu sinh viên đóng khoản phí để được xét duyệt tham gia giao lưu đang diễn ra khá phổ biến thời gian gần đây. Nhà trường khẳng định “không phát hành thông báo cũng như tổ chức bất cứ buổi họp mặt giao lưu quốc tế nào tại trường vào ngày 14-12 như thông tin mà thư mời đề cập”.

Sinh viên N.T.M.T, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) kể: “Cuối tháng 11 vừa rồi, em nhận được cuộc gọi, đối tượng xưng là công an. Đối tượng nói “bạn là nghi can của 1 vụ rửa tiền, bạn sẽ bị buộc nghỉ học, thậm chí có thể đi tù...”. Sau đó, người này yêu cầu em chuyển tiền để tránh bị truy tố. Vì quá lo sợ và hoảng loạn nên em đã chuyển gần 50 triệu đồng”.

Theo thống kê của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phòng Công tác sinh viên đã nhận được báo cáo của 5 sinh viên bị lừa phải chuyển tiền (mỗi trường hợp vài chục triệu đồng) do bị đe dọa có liên quan đến một vụ án, bị lừa nộp tiền du học. Nhà trường đã tiếp nhận thông tin và hướng dẫn sinh viên trình báo công an để nhờ xử lý.

Tỉnh táo trước các chiêu lừa

Theo đại diện Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐHQG TPHCM), khi tiếp nhận những thông tin nghi vấn lừa đảo, sinh viên cần hết sức tỉnh táo, không nên hoang mang và phải xác minh lại thông tin. Mọi quy trình về đăng ký và xét duyệt học bổng cho sinh viên của nhà trường đều được triển khai theo hệ thống chặt chẽ thông qua email và các kênh thông tin điện tử chính thống của trường, do các phòng chuyên trách theo dõi và cập nhật đến các bạn sinh viên thường xuyên. Khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, sinh viên cần kiểm tra và xác nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy theo các kênh thông tin chính thống của trường hoặc trực tiếp trình báo với công an.

Một thư mời của đối tượng lừa đảo gửi cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) được nhà trường đăng tải để cảnh báo

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM, chỉ ra những điểm sai cơ bản trên các dạng thư mời học bổng nghi ngờ là lừa đảo, như phía trên thư mời đề Bộ GD-ĐT nhưng phía dưới cùng lại ký tên là hiệu trưởng hoặc trưởng phòng; con dấu là của Sở GD-ĐT TPHCM.

“Thông tin về các chương trình học bổng hay các chương trình giao lưu trao đổi sinh viên, trao đổi học thuật... hiện được các trường công khai rõ ràng trên website và triển khai đến từng phòng, khoa của nhà trường chứ không gửi cho từng sinh viên. Do đó, sinh viên phải tỉnh táo, kiểm tra lại khi tiếp nhận những dạng thư mời này để tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo”, Th.S Phạm Thái Sơn lưu ý.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết đã ghi nhận nhiều sinh viên phản ánh về việc có đối tượng nhắn tin yêu cầu chuyển khoản đóng hộ học phí để được miễn giảm. Nhưng điều này hoàn toàn phi lý, sinh viên cần cảnh giác. Bởi đăng ký môn học, thời hạn nộp học phí đều được nhà trường thông báo rõ ràng về thời gian, số tài khoản, số điện thoại. Những đối tượng được miễn, giảm học phí cũng được công khai và không có chuyện giảng viên đóng học phí hộ thì sẽ được miễn, giảm.

Th.S TRẦN NAM, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM: Nhận diện các chiêu thức lừa đảo

Sinh viên cần cảnh giác trước những số điện thoại lạ, tài khoản mạng xã hội có thông tin không rõ ràng. Các bạn cần tỉnh táo để nhận ra những tình tiết đáng ngờ. Nếu chúng ta không làm gì sai thì sẽ không có hành vi phạm pháp. Chúng ta không nộp hồ sơ ở đâu thì chắc chắn chúng ta sẽ không có học bổng. Những khoản chi trả hậu hĩnh thì không đến từ những hoạt động bình thường, mà rất có thể là những chiêu trò để dụ dỗ các bạn. Mặt khác, sinh viên cũng nên thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài để nhận biết, phòng tránh những chiêu trò lừa đảo.

Ngoài nội dung trò chuyện, còn có những yếu tố khác có thể là dấu hiệu của lừa đảo, như: gọi điện liên tục; cuộc gọi đến từ một không gian ồn ào, có thể là nơi nhiều người khác cũng đang thực hiện những cuộc gọi tương tự; các cuộc gọi giả mạo sử dụng hình ảnh trí tuệ nhân tạo (AI), với chuyển động khuôn mặt bất thường và âm thanh không rõ ràng… Khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo, sinh viên phải ngắt liên lạc ngay lập tức để tránh rơi vào những “bẫy tâm lý” của các đối tượng xấu. Nếu gặp vụ việc phức tạp, sinh viên nên trao đổi thông tin cho bạn bè, gia đình để cùng chia sẻ và phân tích vấn đề, tránh nghe theo sự dẫn dụ của các đối tượng lừa đảo.

Th.S ĐẶNG KIÊN CƯỜNG, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Nâng cao nhận thức và kiến thức

Lừa đảo trên môi trường internet qua các kênh xã hội, trong đó có đối tượng bị nhắm tới là sinh viên, ngày càng phổ biến. Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, sinh viên cần nâng cao nhận thức, luôn kiểm tra nguồn gốc thông tin, không vội vàng tin theo những cơ hội có vẻ quá tốt, quá dễ dàng. Sinh viên cần nâng cao nhận thức và kiến thức về lừa đảo bằng việc tham gia các khóa học, hội thảo về an toàn trực tuyến. Các trường ĐH và tổ chức giáo dục nên thường xuyên tổ chức các khóa học hoặc hội thảo về cách nhận diện, phòng tránh các hình thức lừa đảo. Ở Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có mô hình Tổ tham vấn tâm lý, khi gặp các vấn đề nghi lừa đảo, sinh viên có thể gửi email, gọi điện thoại.... hoặc gặp trực tiếp thầy cô để được tư vấn cũng như báo cáo các hoạt động khi có sự bất thường.

Th.S NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM: Ghi nhớ những nguyên tắc phòng chống lừa đảo trực tuyến

Thời gian gần đây, có rất nhiều đối tượng giả mạo để lừa đảo với những chiêu trò tinh vi nhằm vào sinh viên. Do đó, sinh viên phải ghi nhớ những nguyên tắc phòng chống lừa đảo trực tuyến. Cụ thể, không cung cấp thông tin cá nhân của mình cho đối tượng không quen biết; không kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt; không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, không có cán bộ cơ quan nhà nước, Bộ Công an, viện kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền. Do đó, không thực hiện chuyển khoản trước, không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho người lạ trong bất cứ trường hợp nào; không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”...