Đường rộng cho cổ vật hồi hương

|

Nhiều ách tắc pháp lý khiến mỗi lần cổ vật Việt được đưa ra đấu giá là một lần người yêu cổ ngoạn… đau tim vì đường hồi hương quá gập ghềnh.

Sự kiện hy hữu

Hiếm có một sự kiện hồi hương cổ vật nào mà có tới hai lần được lọt vào danh sách bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của năm như việc hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo.

Theo ông Hoàng Định Phong - Phó Cục trưởng Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo được đề cử liên tiếp trong hai năm liền vì mỗi năm là một chặng đường để đưa ấn về: Năm ngoái, Việt Nam đạt thỏa thuận nhằm ngăn nguy cơ ấn vàng vào tay người nước ngoài. Còn năm nay là hoàn thành rất nhiều thủ tục để đưa ấn về nước. "Ấn Hoàng đế chi bảo hồi hương chậm hơn so dự kiến. Các thủ tục rất phức tạp"-ông Phong nói. Sự phức tạp này, hay nói cách khác là sự tắc nghẽn của hành lang pháp lý liên quan việc hồi hương cổ vật là nguyên do chính khiến nhiều năm qua, không chỉ các đơn vị công lập mà cả tư nhân có nguyện vọng chính đáng là góp phần hồi hương nhiều di sản quý giá của cha ông cũng khó bề xoay trở.

Bên cạnh đó, sau khi mua được cổ vật rồi, con đường đưa nó trở về nước cũng không đơn giản bởi hàng rào thuế quan. Còn nhớ năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đấu giá thành công chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (1855-1906) với mức giá khoảng 45.000 euro (tương đương 1,5 tỷ đồng lúc đó). Xe được đưa về song bị "mắc kẹt" ở sân bay Nội Bài vì chưa có quy định liên quan thuế nhập cảnh của cổ vật hồi hương sau các phiên đấu giá. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó phải chỉ đạo ứng tiền đóng thuế để "giải cứu" xe.

Trong cuộc trở về của ấn Hoàng đế chi bảo, theo thông tin từ người liên quan, đã không còn nỗi lo về đóng thuế khi đưa ấn qua cửa khẩu hải quan. Hoàng đế chi bảo là hiện vật đặc biệt quý, nhận được sự quan tâm của Chính phủ ngay từ những ngày đầu có thông báo đấu giá. Tuy nhiên, không phải hiện vật nào cũng đặc biệt được đến như Hoàng đế chi bảo. Vì thế, các quy định về miễn, giảm thuế đối với cổ vật hồi hương từ các phiên đấu giá quốc tế cũng cần có thêm chi tiết để góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước chung tay.

Tạo cơ chế để huy động nhiều nguồn lực xã hội

Gần đây, việc đấu giá chiếc long bào được cho là của Vua Bảo Đại mặc trong ngày đăng cơ cũng thu hút sự chú ý lớn của truyền thông trong nước. Tuy nhiên, tính xác thực của tấm long bào này là một vấn đề gây nhiều tranh luận. Phân tích của một nhà nghiên cứu mỹ thuật cho thấy, đây khó có thể coi là long bào mà Vua Bảo Đại khoác trong ngày đăng cơ. Long bào này cũng có một số chi tiết thêu ở đường nối chính giữa lệch nhau, điều không chấp nhận được nếu là một long bào của vua. Kết quả, giá gõ búa chỉ là 450.000 euro (tương đương 11,7 tỷ đồng), thấp hơn giá khởi điểm (500.000 euro). Tương tự, nhiều bức tranh của các danh họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, ra đời cách đây xấp xỉ 100 năm, được đưa lên sàn đấu giá quốc tế cũng gây tranh luận trong giới chuyên môn về sự thật-giả.

Trở lại trường hợp ấn vàng Hoàng đế chi bảo, trong quá trình tham vấn của các cơ quan nhà nước, có rất nhiều chuyên gia từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam đã được huy động để xác thực nhiều chi tiết liên quan. Các kết luận được đưa ra chỉ sau khi so sánh hình ảnh, mô tả của nhà đấu giá với thư tịch cổ, đồng thời cũng có sự kết hợp với việc xem tận nơi của chuyên gia.

Thành công của việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một kinh nghiệm quý trong kết hợp công-tư để cùng vun bồi giá trị di sản của dân tộc. Trong trao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội đã lưu ý việc huy động nguồn lực tài chính để sớm đáp ứng các yêu cầu đấu giá những cổ vật tương tự, thậm chí có mức giá khởi điểm cao hơn: "Tôi nghĩ, cần có quy định nguồn tiền về các trường hợp đặc biệt thế này để bảo tàng nhà nước có thể sử dụng như một quỹ bảo trợ di sản văn hóa hoặc quỹ bảo trợ văn hóa chẳng hạn. Chúng ta cũng có thể có quỹ riêng để hồi hương các bảo vật, quỹ có thể xã hội hóa"- ông Sơn nói.

Vị đại biểu Quốc hội này đồng thời nhấn mạnh việc đưa các giải pháp thúc đẩy hồi hương cổ vật vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Chẳng hạn, cần mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi khi hồi hương cổ vật cho cả các cá nhân, nhà sưu tập tư nhân, thậm chí cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài; tăng cường hỗ trợ về tài chính cho việc hồi hương cổ vật, thí dụ như hỗ trợ kinh phí mua cổ vật, hỗ trợ kinh phí bảo quản, trưng bày cổ vật. "Để tạo thuận lợi cho việc hồi hương cổ vật, cần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục; xây dựng cơ chế hợp tác giữa bảo tàng nhà nước và doanh nghiệp, cá nhân trong việc hồi hương cổ vật. Cơ chế hợp tác này sẽ giúp các bảo tàng nhà nước có thêm nguồn lực để mua lại cổ vật, đồng thời giúp các doanh nghiệp, cá nhân có cơ hội tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa"- ông Sơn phân tích.