Học và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh

|

Những người làm báo cách mạng trong cả nước vô cùng phấn chấn chào đón một dấu mốc lịch sử quan trọng: ngày 21-6-2020 này, tròn 95 năm nền báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ và Đảng ta dày công xây đắp, thường xuyên dẫn dắt và cổ vũ, động viên. Đảng ta, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng ghi nhận những đóng góp tích cực và quan trọng của giới báo chí cả nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, triển khai công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, góp sức vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua từng bước phát triển đất nước với những thuận lợi và khó khăn, đan xen.

Chúng ta trân trọng và ghi ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã nêu tấm gương mẫu mực về quá trình viết báo cách mạng, mà lời khái quát kinh nghiệm viết báo của Bác, đã trở thành "cẩm nang" quý giá đối với mỗi người cầm bút, thể hiện qua những chữ vàng: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Bác đã diễn giải rất ngắn gọn mà cụ thể: viết cho công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức và các giai tầng xã hội đọc. Viết để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Muốn vậy, mỗi tin tức, mỗi bài báo phải viết thế nào để ai đọc đều thấy dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, trong cả hai lần đến dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959 và 1962), Bác thân tình kể lại cuộc đời làm báo vất vả, gian nan, từ lúc học làm báo ở Pa-ri, đến khi về Trung Quốc, xuất bản tờ báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào ngày 21-6-1925 mà Bác vừa là chủ bút, vừa trực tiếp viết bài, vẽ minh họa, vừa là người phát hành báo. Bác tâm sự với các đại biểu dự Đại hội: nếu nói về đề tài viết báo "thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Bác căn dặn: "tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được". Bác nhấn mạnh: "Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu" (Bác gạch dưới).

Về nhiệm vụ chống tiêu cực, Bác dặn "Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, "trị bệnh cứu người". Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm". Bác lưu ý, báo chí không chỉ phê bình các cơ quan, đơn vị địa phương có những việc làm chưa đúng, chưa tốt, mà các cơ quan báo chí cũng phải nghiêm khắc tự phê bình và lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý chính đáng của các tầng lớp nhân dân khi thấy báo chí thông tin chưa chuẩn xác, tác động tiêu cực tới dư luận xã hội... Bác thân tình chỉ ra mấy thiếu sót dễ thấy: bài viết quá dài, thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng, thiếu cân đối, lộ bí mật, có khi quá lố bịch... Về đạo đức làm báo, Bác nhấn mạnh: "cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng", "cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị... đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động".

Thiết nghĩ, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí thực hiện tốt những lời căn dặn chân tình của Bác nêu trên, đội ngũ báo chí cách mạng nước ta ngày càng đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân!