Chăm chút hơn đời sống nhà giáo

|

Mùa xuân năm nay, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Lan Phương (37 tuổi) Trường mầm non Bắc Nghĩa (TP Ðồng Hới, Quảng Bình) phấn khởi hơn mọi năm bởi gia đình nhỏ của cô sẽ được đón Tết trong ngôi nhà mới. Ðây là niềm vui, hạnh phúc và có ý nghĩa to lớn đối với cô bởi Nhà nước, đặc biệt là ngành giáo dục luôn đồng hành, chăm chút chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn, những số phận không được may mắn như cô...

Lương thấp, công việc chịu nhiều áp lực

Ngành giáo dục hiện đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt trong những năm đầu tiên thực hiện việc chuyển đổi việc dạy và học theo Chương trình cải cách giáo dục phổ thông 2018. Việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp đặc biệt ở khu vực vùng trũng của giáo dục, áp lực nâng cao chất lượng chuyên môn, bên cạnh đó là những công việc về hồ sơ, sổ sách, áp lực về các hội thi, các cấp thi tốn kém nhiều thời gian công sức tiền của. Hầu hết đội ngũ nhà giáo đang công tác đều trong tình trạng chật vật để xoay xở cuộc sống.

Tuy vậy, ở bất cứ đâu các thầy giáo, cô giáo luôn vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt công việc. Thầy giáo Đặng Quang Vũ, Trường THCS Nguyễn Du (huyện Sông Hinh, Phú Yên) công tác trong ngành hơn 20 năm nhưng hiện tại vẫn ở nhà công vụ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ con ốm đau bệnh tật, mỗi ngày vẫn phải vượt gần 50 cây số đến trường. Ngược lên rẻo đất cực bắc Mèo Vạc (Hà Giang) cặp vợ chồng cô giáo Vừ Thị Dinh và thầy Mai Đức Tiệp đang cắm bản điểm trường Thèn Pả (Trường tiểu học Thượng Phùng) nhiều năm nay đã gửi con cho hai bên nội ngoại để cùng nhau vượt gần 300 km lên miền núi dạy học... Còn rất nhiều giáo viên trên khắp dải đất chữ S này, lặng thầm sống và cống hiến, lặng thầm tỏa sáng, làm cao quý thêm hai chữ người thầy...

Đồng chí Phan Thanh Lân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình trao quà hỗ trợ xây dựng nhà tặng cô Nguyễn Thị Lan Phương. Ảnh | Tiến Hiệp

Những năm qua, việc nâng cao đời sống cán bộ cho giáo viên luôn là vấn đề nóng. Tại buổi đối thoại của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với một triệu nhà giáo lần đầu được tổ chức dịp đầu năm học 2023-2024, đã có 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng liên quan đến vấn đề lương và các chính sách cho nhà giáo. Tại các phiên chất vấn ở kỳ họp Quốc hội, đặc biệt kỳ họp thứ 6 mới diễn ra đầu tháng 11, vấn đề này lại thêm một lần nữa được các đại biểu đưa ra bàn thảo, chất vấn. Điều này càng thể hiện rõ tính cấp thiết phải thực hiện cải cách, thay đổi...

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vừa rồi đã thẳng thắn đưa ra những ý kiến và đề xuất giải pháp. Bộ trưởng cho hay, thu nhập nhà giáo hiện nay gồm lương theo chức danh và phụ cấp nghề nghiệp. Chủ trương chung của Nhà nước sau cải cách tiền lương năm 2024, lương của nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp ở mức cao nhất trong thang bảng lương khối sự nghiệp. Ngoài ra, chính sách cho nhà giáo thời gian tới sẽ cụ thể sâu sát hơn, thực hiện phụ cấp ưu đãi nghề sẽ tăng thêm. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, rà soát các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp, về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định. Đối với nhóm nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư với 150.000 viên chức thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị địa phương tổng rà soát để có phương án sắp xếp đúng danh mục vị trí việc làm để cải cách tiền lương. “Họ là viên chức, không được hưởng phụ cấp công vụ 25% nên nếu cải cách tiền lương mới có thể sẽ bị thiệt thòi, trong khi địa phương, bộ ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng viên chức” - Bộ trưởng cho biết.

Công đoàn ngành luôn là điểm tựa

Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Lan Phương đã rưng rưng cảm động trong Lễ khởi công xây dựng nhà nhân ái diễn ra ngay trước thềm ngày hội nghề nghiệp 20/11. “Miền trung đang lụt, mưa liên miên cả tuần, thế mà ngay trước giờ khởi công, trời Đồng Hới bỗng nhiên tạnh ráo quang đãng. Có lẽ ý trời lòng người đều thuận thì mọi sự hanh thông”, ông Nguyễn Tất Thiện, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Quảng Bình phấn khởi bày tỏ.

Bên cạnh chủ trương chính sách chung cho ngành giáo dục được Đảng và Nhà nước chăm lo, công đoàn ngành luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên của ngành. Trong cái giá lạnh, sương muối và thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng những tình cảm quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công đoàn ngành đã sưởi ấm những tấm lòng của thầy cô giáo cũng như các em học sinh nơi vùng sâu, vùng xa. Chương trình Tết sum vầy - Xuân gắn kết là một trong những hoạt động thường niên của Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức cho cán bộ nhà giáo, người lao động trong ngành ở những huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng xe đạp cho cán bộ, nhà giáo Trường đại học Đồng Tháp trong Chương trình Vì sức khỏe công đoàn viên.

Tết Sum vầy - Xuân gắn kết 2023 tiếp tục tổ chức tại một số tỉnh và trường đại học trong đó có huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Thầy giáo Lù Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Xín Mần chia sẻ: “Học sinh của trường đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống trong các xã đặc biệt khó khăn, hành trình đến trường của các em rất cần sự động viên khích lệ của nhà trường và xã hội. Được lựa chọn là điểm tổ chức Tết Sum vầy là món quà ý nghĩa đối với các thầy, cô giáo, các em học sinh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân đến con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng khó khăn. Đây là động lực to lớn để giáo viên nhà trường tiếp tục vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học”. Tại đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 30 triệu đồng tặng 60 cán bộ nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hà Giang. Quỹ Tấm lòng Việt và các nhà tài trợ trao 100 triệu đồng hỗ trợ cho các em học sinh tại các trường trên địa bàn huyện.

Chương trình xây nhà công vụ giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai và mang lại hiệu ứng lan tỏa tích cực trong nhiều năm nay. Trong 5 năm qua, đã có gần 40 nhà công vụ được xây dựng, góp phần giúp các thầy giáo, cô giáo công tác xa nhà ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Mới đây nhất, Công trình Nhà công vụ giáo viên Trường tiểu học và trung học cơ sở bán trú Đăk Na (Kon Tum) đã được hoàn thành để đưa vào hoạt động sau ba tháng thi công. Đó là một cơ ngơi khang trang gồm hai phòng ở, bếp ăn, khu vệ sinh khép kín, tổng kinh phí đầu tư 500 triệu đồng. Dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trích Quỹ xã hội 20 triệu đồng mua trang thiết bị thiết yếu cho các thầy cô như giường, tivi, bếp... Cùng với đó, Công đoàn Đại học Đà Nẵng hỗ trợ quạt, nồi cơm điện. Phát biểu tại lễ bàn giao, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Đặng Hoàng Anh phấn chấn: “Trong quá trình triển khai chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của Công đoàn các đơn vị, của nhà giáo, người lao động toàn ngành và của các tổ chức, doanh nghiệp”.

Từ 2018-2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam huy động hơn 700 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, bổ sung trang thiết bị 732 nhà công vụ giáo viên; hỗ trợ sửa chữa và xây mới gần 4,8 nghìn nhà ở cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, nhà “Mái ấm công đoàn; gần 1,2 nghìn công trình nước sạch. Hỗ trợ gần 870 nghìn lượt cán bộ, nhà giáo, người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai.

Chương trình “Máy tính cho em” huy động các nhà mạng hỗ trợ gần 35 nghìn sim, thẻ, cước thuê bao cho học sinh học trực tuyến; kinh phí huy động qua kênh Công đoàn Giáo dục Việt Nam đạt hơn 10,4 tỷ đồng. Triển khai chương trình “Ðiều ước cho em”, kết nối nguồn lực, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, kinh phí gần 1 tỷ đồng tại chín tỉnh khó khăn; Phối hợp Quỹ Tấm lòng Việt (Ðài Truyền hình Việt Nam) triển khai chương trình “Viết tiếp ước mơ”, “Cùng em đến trường” hỗ trợ hàng trăm học sinh khó khăn vươn lên học giỏi, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.