Chiều 9-12, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X, ĐB Lê Minh Đức (quận 4) đề cập đến nhiều công trình, dự án ở các cửa ngõ chậm tiến độ gây bức xúc trong nhân dân và lãng phí nguồn lực đầu tư.
Trong đó, ĐB đề cập đến hầm chui cầu vượt Trạm 2, thuộc dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (một trong những tuyến giao thông kết nối chính giữa TPHCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) triển khai đã 8 năm nay chưa xong do vướng giải phóng mặt bằng. Hay dự án nâng cấp đường Lương Định Của dài 2,5km nhưng từ tháng 4-2015 đến nay vẫn chưa hoàn thành cũng do giải phóng mặt bằng.
Cũng liên quan các dự án chậm tiến độ, ĐB Nguyễn Thị Minh Hồng (TP Thủ Đức) đề cập đến dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức). Từ trải nghiệm thực tế của bản thân, ĐB Nguyễn Thị Minh Hồng gửi gắm: Người dân phản ánh tuyến đường này rất nhiều, gọi là tuyến đường tử thần. Mong đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông.
Với tinh thần tiến công, các ĐB đề nghị UBND TPHCM và các cấp các ngành khẩn trương hoàn thành các dự án chậm tiến độ, hoặc có giải pháp thiết thực để trình HĐND TPHCM tháo gỡ.
Trao đổi lại với ĐB, đại diện Sở GTVT cho biết, đối với nhóm các dự án đại biểu phản ánh chậm tiến độ nằm ở các cửa ngõ của thành phố, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn, hầm chui Xa lộ Hà Nội, đơn giá giữa TPHCM và Bình Dương chưa thỏa thuận xong. Đại diện Sở GTVT đề nghị Sở TN-MT và TP Thủ Đức phối hợp cùng Bình Dương để sớm thống nhất đơn giá để triển khai xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Với dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đại diện Sở GTVT thông tin, hiện có 3 dự án đầu tư trên tuyến đường này. Đoạn 1 (từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây dựng) đã phê duyệt dự án từ năm 2017. Tuy nhiên, sau khi phê duyệt dự án thì giá tăng cao cùng với phải kiểm định một số quy hoạch, dẫn tới đến nay dự án vẫn chưa được ghi vốn.
Đây là dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức làm chủ đầu tư. Để triển khai, TP Thủ Đức và Sở QH-KT phải điều chỉnh quy hoạch; Sở KH-ĐT phải bố trí vốn và thực hiện các trình tự dự án đầu tư.
Đoạn 2 (từ cầu Xây dựng đến Vành đai 2) đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư năm 2017; đoạn 3 (từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu), được phê duyệt năm 2019. Các đoạn này giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (gọi là Ban Giao thông) lập dự án đầu tư, tuy nhiên đến nay chưa được ghi vốn. Sở GTVT TPHCM đề nghị Sở KH-ĐT sớm ghi vốn để Ban Giao thông triển khai đầu tư dự án.
Đại diện Sở KH-ĐT thông tin dự án đường Nguyễn Duy Trinh đoạn vào cảng Phú Hữu đã được duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 nhưng do vướng thủ tục bồi thường nên chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Vừa qua, Sở KH-ĐT đã cùng Sở GTVT tập hợp, dự kiến đưa vào giai đoạn 2026-2030. “Sở sẽ trình UBND TP để giao nhiệm vụ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Sở GTVT và thực hiện bố trí vốn trong giai đoạn 2026-2030”, vị này thông tin.
TPHCM đã 3 lần thay đổi chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh. Năm 2015, dự kiến số vốn cần thiết để thực hiện dự án là 930 tỷ đồng, năm 2019 là 832,2 tỷ đồng, mới đây là 1.630 tỷ đồng.