Từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn

|

Con người ai cũng có thể có lúc vấp váp, mắc khuyết điểm, sai lầm. Mỗi lần sa chân, có biết đứng dậy, nhìn lại chính mình để đi tiếp những bước chắc chắn hơn hay không mới là điều quan trọng. Với các cấp ủy đảng cũng vậy, để tái thiết, kiện toàn hiệu quả sau khi bị kỷ luật lại càng phải "có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó" như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Làm được như thế thì tổ chức đảng từng mắc khuyết điểm, vi phạm sẽ sớm có cơ hội vững mạnh trở lại.

Chưa bao giờ công tác thi hành kỷ luật đảng được làm quyết liệt mà cũng rất nhân văn như những năm gần đây. Không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, bất kể ai vi phạm đều bị xử lý đúng người đúng tội. Nhờ đó, vị thế của Đảng ta ngày càng được nâng cao. Dù vậy, tình trạng vi phạm kỷ luật trong Đảng vẫn phức tạp, nhiều nơi cả ban thường vụ, người đứng đầu đã bị xử lý, thậm chí không ít trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì đâu nên nỗi?

Ngay trong những ngày đang diễn ra Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và theo thẩm quyền, quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020; Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với bảy cán bộ chủ chốt của tỉnh, số này có cả nguyên Bí thư Tỉnh ủy và nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh…

Trước đó, tại kỳ họp thứ 32, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã để Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), các công ty trong hệ sinh thái AIC và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện; nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và bảy cán bộ chủ chốt, các ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh; khiển trách Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 và bốn cán bộ trong tỉnh; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thi hành kỷ luật 14 tổ chức đảng và 10 đảng viên có liên quan.

Nhìn rộng thêm một chút, vừa qua Quảng Ninh còn có nhiều cán bộ sai phạm bị kỷ luật, phải hầu tòa. Đó là cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vũ Liên Oanh, bị tuyên phạt 15 năm tù vì đã cùng hai cán bộ cấp dưới nhận từ Công ty NSJ và bà Hoàng Thị Thúy Nga 30,16 tỷ đồng. Tháng 4/2023, một cựu chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố bị tòa tuyên phạt 15 năm tù vì hai tội "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ". Tháng 12/2021, một bí thư đồng thời là chủ tịch huyện bị khai trừ Đảng vì suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống… Để xảy ra các sai phạm như thế không chỉ ở các cá nhân mà còn có trách nhiệm của cấp ủy nơi cán bộ đó công tác.

Là địa phương năng động, những năm gần đây, Quảng Ninh luôn mạnh dạn đổi mới trên các lĩnh vực, sáu năm liên tiếp đứng đầu bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong xây dựng Đảng, các cấp ủy ở tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, như tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, hợp nhất một số cơ quan; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố; bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, xã không phải là người địa phương; thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý... Nhiều cách làm của Quảng Ninh được các địa phương khác đến tìm hiểu, học tập. Nhưng vì đâu nên nỗi hàng loạt cán bộ chủ chốt và nhiều cấp ủy vi phạm nghiêm trọng như vậy? Thật chua chát! Bài học gì rút ra từ hai mặt tương phản ấy? Phải chăng, trong điều kiện phát triển nhanh, đội ngũ cán bộ tuy được đạo tạo bài bản, rèn luyện thường xuyên nhưng vẫn chưa thật sự đủ tâm, đủ tầm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, công tác quản lý nhà nước của một số ngành trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng đòi hỏi cao từ thực tế? Đây cũng là lời cảnh báo cần hết sức lưu tâm cho các địa phương khác.

Không để xảy ra "khoảng trống quyền lực"

Một vài cán bộ vi phạm phải kỷ luật đã là quan ngại. Cả một tập thể cấp ủy, người đứng đầu vi phạm bị xử lý thì sức chiến đấu của tổ chức đảng ấy sẽ như thế nào?

Thời gian qua, không ít tập thể ban thường vụ, ban cán sự đảng, đảng đoàn ở nhiều địa phương, bộ, ngành và hàng loạt cán bộ chủ chốt ở đó vi phạm bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý nghiêm minh. Thí dụ, cảnh cáo đối với: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa hai nhiệm kỳ liên tiếp 2010-2015 và 2015-2020; Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020; Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao,...

Có một điều cần tìm cho được căn nguyên là, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ quyết liệt như các nhiệm kỳ gần đây, vậy tại sao số cấp ủy, cán bộ vi phạm không giảm mà thậm chí có nơi lại tăng? Nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, một số bộ, ngành và cấp ủy đảng trong các lực lượng vũ trang đều là những nơi có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với đất nước. Đội ngũ cán bộ ở đó có thể khẳng định là được đào tạo bài bản, rèn luyện thử thách thường xuyên, năng lực, trình độ cao hơn nhiều nơi khác. Tại sao họ lại để tay nhúng chàm và vướng vào vòng lao lý bi ai?

Câu trả lời chính xác là do suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Vì hư hỏng, cá nhân chủ nghĩa mà họ bị kéo xuống dốc không phanh. Có quyền lực, lại sống trong một môi trường nhiều cám dỗ, song không đủ tỉnh táo, cho nên chỉ một cái tặc lưỡi là trượt ngã vào"vết xe đổ" của người khác dù đã được răn đe, cảnh báo thường xuyên, liên tục.

Thực tế yêu cầu, việc kỷ luật đảng đã làm nghiêm càng phải nghiêm hơn. Đi liền với đó là phải củng cố, tái thiết các cấp ủy, thay thế cán bộ chủ chốt, người đứng đầu sau khi bị kỷ luật. Tuyệt đối không để xảy ra "khoảng trống quyền lực", nhất là khi cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để tiến tới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp đề ra, chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới. Kỷ luật là một bước, nhưng bước quan trọng hơn là phải xem do đâu mà dẫn đến vi phạm, cần "điểm" đúng huyệt. Có như thế mới giúp được cán bộ "vấp ngã ở đâu đứng lên ở đó".

Vẫn phải bắt đầu từ "gốc"

Cái yếu của các cấp ủy bị kỷ luật hiện nay là tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình không cao; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn hình thức, thậm chí là bị lợi dụng. Từ đó mà dẫn đến bao che cho nhau; khi người đứng đầu độc đoán chuyên quyền, thì cấp dưới thấy sai cũng không dám can ngăn, đấu tranh. Vì thế đối với các cấp ủy, cán bộ chủ chốt bị kỷ luật, để có thể thật sự tạo nên thay đổi tích cực, yêu cầu tiên quyết là không chỉ "tái thiết" nhân sự mà đồng thời phải "tái thiết" các hoạt động cho đúng nguyên tắc của Đảng, rà soát, bổ sung quy chế làm việc, phân công trách nhiệm rõ ràng để có cơ sở kiểm điểm quy trách nhiệm khi có sai phạm. Vừa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng phải đi liền với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp dưới. Khi mới manh nha hoặc có biểu hiện của dấu hiệu vi phạm thì phải chủ động tìm hiểu, xử lý sớm nhất, không để dấu hiệu vi phạm đó thành hiện thực, hoặc lan rộng. Cấp ủy cần có quy chế phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, giúp việc phải biết khuyến khích, lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý, cũng như phải chịu trách nhiệm khi cán bộ thuộc quyền làm bừa, làm ẩu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Các quy định của Đảng không thiếu, nhưng cái thiếu nhất hiện nay là ý thức chấp hành chưa nghiêm, việc thực hiện chưa đồng bộ, nhiều nơi còn hình thức. Lý do chủ yếu là người đứng đầu chưa gương mẫu, chưa nghiêm, hoặc nội bộ mất đoàn kết, hay đoàn kết xuôi chiều. Đó cũng là những nội dung cần "tái thiết" để giúp cấp ủy sau kỷ luật vận hành trơn tru, bài bản và tránh được vấp váp.

Về lâu dài, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, nhất là trong khâu đánh giá và bổ nhiệm để làm sao xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp không chỉ giỏi về chuyên môn, có năng lực lãnh đạo, tổ chức mà trước hết phải có phẩm chất đạo đức - cái gốc của người cán bộ như Bác Hồ đã nói. Cán bộ phải có bản lĩnh "chống" lại sự va đập bởi những mặt tiêu cực của xã hội. Khi có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài thì cấp ủy sẽ vững mạnh.