Khi "khô kiệt" bắt đầu từ chính sách

|

Với diện tích hàng triệu km2, lắm sông nhiều suối, tưởng như việc thiếu nước chỉ có thể là "chuyện tiếu lâm" ở Mỹ và Mexico. Song, trên thực tế, cả hai quốc gia rộng lớn này đều đang đối diện những vấn đề lớn, và nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

Lỗ hổng dưới chân nước Mỹ

Nguồn nước ngầm dồi dào đã giúp hình thành nên thành phố rộng lớn và những trung tâm nông nghiệp trù phú bậc nhất thế giới của nước Mỹ. Tuy nhiên, chính người Mỹ lại đang lãng phí di sản đó. Theo cuộc điều tra do báo The New York Times tiến hành, việc sử dụng quá mức đang làm cạn kiệt và làm hỏng các tầng ngậm nước trên toàn nước Mỹ, điều có thể phải mất hàng thế kỷ mới tự bổ sung trở lại được.

Dữ liệu phân tích mực nước tại hơn 80 nghìn địa điểm ở Mỹ cho thấy: Gần một nửa số địa điểm đã suy giảm đáng kể trong 40 năm qua, do lượng nước được bơm ra ngoài nhiều hơn mức thiên nhiên có thể cung cấp. Trong thập niên qua, cứ 10 địa điểm thì có bốn nơi đạt mức nước thấp nhất mọi thời đại.

Dữ liệu từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng thể hiện tầng ngậm nước đang suy giảm. Cụ thể, hai tầng chứa nước lớn ở California và Arizona gần đây đã bằng hoặc xuống quá mức thấp nhất, kể từ khi NASA bắt đầu thu thập dữ liệu cách đây hai thập niên. Và các phần của tầng ngậm nước Ogallala rộng lớn bên dưới Kansas, phía đông Colorado, vùng Oklahoma hay Texas, năm ngoái cũng đã xuống mức thấp kỷ lục.

Suy giảm nước ngầm đang gây tổn hại cho các bang vốn là "vựa lúa mì" như Kansas, nơi tầng chứa nước ngầm rộng hơn 1 triệu ha đất không còn đủ sức hỗ trợ nền sản xuất lương thực quy mô công nghiệp nữa. Năng suất ngô giảm mạnh. Nếu sự suy giảm đó lan rộng, nó có thể đe dọa vị thế "siêu cường lương thực" của Mỹ.

Hơn 2.000 km về phía đông, ở bang New York, việc bơm quá mức đang đe dọa các giếng nước ngầm ở Long Island, nơi khai sinh ra vùng ngoại ô hiện đại nhất nước Mỹ. Ở những khu vực khác, chẳng hạn như Utah, California và Texas… lượng nước ngầm được bơm lên nhiều đến nỗi khiến đường sá bị vênh, nền móng các tòa nhà bị nứt. Và trên khắp đất nước, những dòng sông được nuôi dưỡng bởi nước ngầm đã trở thành các dòng suối, những dòng nước nhỏ hoặc chỉ còn là ký ức.

Ngay cả con sông Colorado vĩ đại cũng không tránh khỏi thảm cảnh đó. Nước lấy từ sông chảy đến gần 40 triệu người ở các thành phố từ Denver đến Los Angeles, và tưới cho hơn 2 triệu ha đất nông nghiệp. Nhưng giờ đây, việc sử dụng nước quá mức và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang đẩy hệ thống sông này tới nguy cơ sụp đổ.

Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học California ước tính: Từ năm 2000 đến 2021, khoảng 3.340 tỷ lít nước tại lưu vực sông Colorado đã bị mất đi, nhiều hơn toàn bộ khả năng lưu trữ của hồ Mead, hồ chứa lớn nhất nước Mỹ. Dòng chảy của sông đã giảm khoảng 10,3% do nhiệt độ cao hơn, trong khi các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nguồn cung cấp nước sẽ bị thu hẹp hơn nữa, do sự nóng lên toàn cầu tiếp tục làm khô hạn lưu vực sông.

Mexico quay cuồng với hạn hán

Điều tương tự cũng diễn ra ở hạ nguồn sông Colorado. Bên kia biên giới, tình trạng thiếu hụt nước ngọt cũng đang đe dọa nền kinh tế Mexico, cũng như khiến cuộc sống của hàng triệu cư dân thêm khó nhọc.

Mexico đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất trong 30 năm qua, khi các hồ chứa nước phục vụ khoảng 23 triệu người cạn kiệt. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến mùa hè liên tục nóng hơn, nhất là với kiểu thời tiết La Nina năm nay. Hiện tại, hơn một nửa diện tích Mexico đang bị hạn hán. Cơ quan quản lý nước quốc gia của nước này (CONAGUA) đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở bốn bang phía bắc. Một số thành phố tại Mexico trong năm nay đã chạm đến "ngày số 0", tức là giới hạn của tình trạng khan hiếm nước trầm trọng do nguồn cung cạn kiệt.

Mực nước ở hồ Cerro Prieto tại bang Nuevo Leon, nơi cung cấp nước cho Monterrey, thành phố lớn thứ hai của Mexico, đã xuống mức thấp nhất lịch sử. Người dân ở những khu thu nhập thấp của Monterrey đã hơn một tháng nay không có nước sinh hoạt, phải xếp hàng dài để hứng từ các xe bồn chừng 20 lít mỗi ngày, cho tất cả mọi nhu cầu.

Tại vùng đô thị Mexico City, thiếu nước ngọt cũng đang là nỗi ám ảnh. Theo Reuters, lượng nước dự trữ của Cutzamala - hệ thống nước lưu trữ, dẫn truyền, lọc và phân phối nước ngọt cho người dân và ngành công nghiệp của khoảng một phần ba cư dân thủ đô Mexico City cùng một số đô thị vệ tinh - đã xuống mức thấp nhất trong 27 năm qua. Và điều đáng nói, tình trạng khan hiếm nước không phải mới bắt đầu với Mexico. Mùa hè năm ngoái, chính xác là vào các tháng 7 và 8/2022, CONAGUA ghi nhận tới 1.546 trong số 2.463 đô thị của Mexico, ở tất cả 32 bang, không có đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Nguyên nhân bị khuất lấp

Sẽ rất dễ dàng để chỉ ra thủ phạm của tình trạng khủng hoảng nước tại Mỹ và Mexico là biến đổi khí hậu. Nhưng trên thực tế, còn một lý do nữa cần phải nhắc đến, đó là bất cập trong các chính sách quản lý nước.

Đối với vấn đề suy giảm nước ngầm tại Mỹ, một nguyên nhân lớn theo nhận định của The New York Times là nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu này không được quản lý hợp lý. "Chính phủ liên bang hầu như không có vai trò gì trong việc quản lý (nước ngầm), trong khi các bang riêng lẻ đã thực hiện một loạt các quy định thường là yếu kém", The New York Times viết. "Vấn đề này cũng chưa được xem xét kỹ lưỡng ở quy mô quốc gia. Các nhà thủy văn học và các nhà nghiên cứu khác thường chỉ tập trung vào các tầng ngậm nước đơn lẻ hoặc những thay đổi theo khu vực".

Cũng theo The New York Times, các bang như Texas, Oklahoma và Colorado còn có quy định cho phép bơm nước ngầm từ một số vùng cho đến khi cạn kiệt. Nhưng, nếu muốn cải thiện tình hình, các nhà hoạch định chính sách cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, khi Oklahoma nỗ lực xác định lượng nước ngầm còn lại để làm cơ sở cho các nhà lập pháp bang đặt ra giới hạn bơm, một bộ phận người dân lại không hoan nghênh. Lý do: Họ sợ thông tin bất lợi về nguồn nước có thể khiến mảnh đất của họ mất giá.

Trong khi đó, tại Mexico, cơn "khát nước" thậm chí còn gây ra các cuộc biểu tình và bạo lực giữa các tầng lớp xã hội, vì các khu vực giàu có hơn được cấp hạn ngạch nước cao hơn các khu vực nghèo hơn. Hồi giữa tháng 7 năm nay, cư dân của hai vùng ngoại ô của Monterrey biết được rằng một phần nước còn lại từ hồ chứa gần đó sẽ được chuyển về thành phố. Đáp lại, họ chặn đường cao tốc bằng hàng rào ô-tô, lốp xe, đá và cành cây, khiến giao thông đình trệ trong hai ngày. Sau đó, họ đập phá các đường ống nước.

Tệ hơn nữa, trong khi dân chúng phải hứng từng giọt thì các công ty đồ uống tại Mexico vẫn sử dụng hàng chục tỷ lít nước mỗi năm để đóng chai. Việc này khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Jaime Noyola, Giám đốc Liên minh người sử dụng dịch vụ công tại Mexico, nói: "Những công ty này, khi bán nước đóng chai như nguồn nước uống duy nhất, đã khiến sản phẩm của họ trở thành bắt buộc. Bây giờ, nước đắt gần bằng xăng".

Nhóm của Noyola thường xuyên tổ chức biểu tình bên ngoài các tòa nhà chính phủ, với biểu ngữ cáo buộc các nhà lãnh đạo địa phương trục lợi từ việc cho phép các công ty đồ uống khai thác nước quá mức. Đúng sai vẫn còn phải đợi xác minh. Tuy nhiên, có thể tin rằng các cuộc biểu tình vẫn còn khả năng tiếp diễn, khi mà nước ngọt vẫn ngày càng xa tầm với của hàng triệu người dân.