Giải pháp công trình và thuận thiên

|

Vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long là nơi có địa hình thấp nhất Việt Nam, hai mặt giáp với Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Nền địa chất ven biển rất yếu, chủ yếu từ lượng phù sa và bùn cát rời rạc của sông Mê Công từ thượng nguồn về bồi tụ và nhờ cây rừng ngập mặn tự nhiên và rất đặc thù như mắm, đước, bần kềm giữ. Hơn 6.000 năm qua, quá trình giao thoa liên tục giữa dòng chảy mang chất trầm tích của sông Mê Công và nhịp thủy triều - hải lưu biển đã tạo nên hình hài của vùng châu thổ sông Cửu Long như một tiến trình kiến tạo đất nước tuy chậm, nhưng rất kiên trì.

Quá trình này giúp cho vùng đất ven biển Bán đảo Cà Mau mở rộng ra phía tây nam vùng Biển Đông với vận tốc trung bình khoảng 25-30 m mỗi năm trong hơn 1.500-3.000 năm trong quá khứ, nhanh chậm tùy thuộc theo các năm có lũ lớn hay lũ nhỏ hơn. Trầm tích sông Cửu Long đổ ra biển tạo nên một lớp đệm làm giảm năng lượng sóng biển, tạo điều kiện cho bồi tụ trước kia. Từ tháng 5 đến tháng 11 mỗi năm là thời kỳ mùa mưa, có gió mùa tây nam và cả thời kỳ mùa nắng, gió mùa đông bắc từ tháng 12 đến tháng 4, dòng hải lưu đều tạo nên quá trình vận chuyển các chất trầm tích mạnh theo ưu thế hướng tây và hướng nam.

Tuy nhiên, khoảng hơn hai thập niên qua, sự hình thành chuỗi các hồ chứa các đập thủy điện ở khu vực thượng lưu và trung lưu của lưu vực sông Mê Công khiến phần lớn bùn cát bị giữ lại trong các hồ chứa lớn, nhỏ khiến các chất trầm tích suy giảm nghiêm trọng khi về đến hạ lưu và ra đến biển. Sự giảm sút hàm lượng các chất bùn cát và chất lơ lửng trong sông, gây nên tình trạng "nước đói phù sa" khiến sạt lở ven sông gia tăng, đáy sông Cửu Long cũng bị hạ thấp cả chục mét đi từ nội địa ra đến biển, dẫn đến tình trạng nước mặn từ biển theo thủy triều xâm lấn sâu hơn vào nội đồng. Thêm vào đó, quá trình phát thải khí nhà kính lên khí quyển tạo sự nóng lên toàn cầu dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hệ quả là các tác nhân thiên tai như nước biển dâng tăng cường do gió bão, sóng mạnh, triều cao và sạt lở gia tăng ở các vùng ven biển mong manh của đồng bằng. Ngoài ra, các hoạt động của con người như khai thác cát quá mức, rút nước ngọt dưới đất, phá rừng ven biển làm cho mặt đất lún sụt nhanh chóng gấp hơn vài ba lần so với tốc độ nước biển dâng. Hệ quả tổng hợp là vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long bị xâm thực mạnh, nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng đe dọa tình trạng mất đất, mất rừng, mất nơi cư trú và sản xuất của người dân.

Theo các thống kê chưa được đầy đủ, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tồn tại hơn 700 điểm và đoạn có nguy cơ sạt lở vùng ven sông và ven biển. Trong năm, thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa là thời điểm gia tăng các sạt lở. Vùng châu thổ mất đi khoảng 600 ha đất mỗi năm và con số này sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đã có rất nhiều đo đạc, nghiên cứu thực địa và báo cáo kỹ thuật của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã ghi nhận hiểm họa này.

Trong thiên nhiên, dải rừng ngập mặn ven biển chạy dài suốt các tỉnh ven biển như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang trước kia có vai trò rất quan trọng như một đê biển tự nhiên có tác dụng làm tiêu hao năng lượng sóng biển và bẫy giữ phù sa. Tuy nhiên, dải rừng này hiện rất mong manh và bị tàn phá khá nhiều, chỉ vùng Cà Mau là còn duy trì với diện tích rừng ngập mặn, được công nhận là lớn nhất Việt Nam, khoảng hơn 51.000 ha. Liên quan đến vai trò rừng ngập mặn với việc ngăn chặn sạt lở vùng ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng như trường hợp ở đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia về môi trường và sinh thái Hashimoto (năm 2001) cho rằng có ba kiểu đối phó, tùy thuộc vào diễn biến của kịch bản mực nước biển dâng và ứng xử của con người.

Đó là, nếu nước biển dâng với tốc độ chậm hơn với tốc độ bồi lắng trong tương lai, thì có khả năng rừng ngập mặn sẽ có thể duy trì môi trường sống của nó nhờ sự bồi đắp chất nền. Tuy nhiên, khả năng của kịch bản này là nhỏ. Nếu mực nước biển dâng lên nhanh, hệ thống rừng ngập mặn sẽ lùi sâu hơn vào đất liền và rừng sẽ cố gắng hiện diện một phần ứng với mức dâng của nước biển. Tuy nhiên, với kịch bản này vấn đề là phần đất để rừng lùi sâu vào đất liền hiện không còn nhiều nên khả năng chống đỡ cũng hạn chế. Giải pháp khác là chọn làm đê biển để ngăn chặn xói lở trong đất liền và duy trì canh tác nông nghiệp trong đê như một số công trình đê biển ngăn mặn-giữ ngọt trước kia. Những cấu trúc này có khả năng cản trở sự dịch chuyển lùi của rừng ngập mặn khi nước biển dâng, khiến chúng chết dần. Khi đó sạt lở phần ngoài biển sẽ tiếp tục và sóng biển sẽ liên tục phá hoại đê biển.

Như vậy, không thể ngăn chặn sạt lở ven biển hữu hiệu khi xây dựng đê biển "cứng" như những bức tường chắn bằng bê-tông giống một số nơi đã làm. Thực tế cho thấy, công trình dù cứng chắc đến đâu cũng khó trụ được lâu dài với sự tàn phá bền bỉ của sóng biển, thậm chí có nơi sóng biển và nước dâng do bão đã tràn qua đỉnh đê, phá hoại phía sau.

Một giải pháp khác được áp dụng ở đồng bằng sông Cửu Long là làm các đoạn đê biển giảm sóng và bẫy phù sa-tạo bãi để phục hồi rừng ngập mặn với các loại cây bản địa phù hợp. Có nhiều chọn lựa thực hiện (dưới đây chi phí chỉ là ước tính, có thể khác nhau nhiều, tùy thời điểm và địa điểm):

Làm hai lớp hàng rào bằng cừ tràm hoặc tre chạy dài dọc bờ biển, giữa hai hàng cọc bỏ các nhánh cây nhằm tiêu hao năng lượng sóng nhưng vẫn cho nước biển mang phù sa bồi lắng. Cứ khoảng 200-300 m có một đoạn hàng rào hình chữ T nhô ra phía biển. Các khảo sát cho thấy, cách làm này có khả năng giảm sóng và lượng phù sa trầm tụ dày khoảng 20 cm/năm, tương đương 700 tấn/ha/năm. Phía trong bãi bồi, các loại cây bản địa như mắm, đước được trồng để giữ đất. Tuy nhiên, hàng rào cừ dễ hư hỏng sau hai năm do hư gãy và bị hàu bám vào. Nếu không tiếp tục đóng mới hàng rào thường xuyên thì các loài cây rừng bên trong không kịp lớn sẽ bị chết. Giải pháp này tuy rẻ tiền, thi công nhanh, sử dụng lao động địa phương nhưng không phải liên tục gia cố. Chi phí khoảng 500 triệu đồng/km.

Cách khác là làm đê biển kiểu "kè bê-tông ly tâm dự ứng lực", với các hệ thống cọc ly tâm bê-tông có đường kính 35 cm, đóng sâu xuống nền đáy đến 5, 6 m, cách nhau khoảng 15-20 cm, thành hai lớp hàng rào rộng khoảng 2,5 m chạy song song với đường bờ biển, đầu cọc có kết nối với nhau bằng bê-tông, cứ khoảng hai mét có một dầm liên kết ngang, cách bờ từ 160-230 m tùy địa hình, giữa hai hàng cọc là các khối đá hộc đổ vào. Giải pháp này đã được thực hiện ở Bạc Liêu và Cà Mau cũng với mục đích giảm năng lượng sóng, tạo bãi bồi và phục hồi rừng ngập mặn. Chi phí đê ước tính theo thời giá lên đến 15-40 tỷ đồng/km, tùy điều kiện địa hình. Ngoài ra còn có kiểu làm khác như "rọ đá", đê bê-tông trụ rỗng, đổ đá hộc, kè chắn sóng TetraPod. Các kiểu này có khả năng giảm sóng và giữ một phần phù sa ở bên trong. Mức xây dựng kè khá cao, khoảng 25-50 tỷ đồng/km.

Việc xây đê biển kết hợp với trồng rừng ngập mặn là giải pháp hiện nay để chống đỡ với hiện tượng sạt lở biển. Chi phí nhiệm vụ này rất lớn và phải đầu tư liên tục vì tính dễ đổ vỡ với các bất thường thiên nhiên. Vật liệu xây dựng bằng bê-tông dễ bị hư hại, ăn mòn theo thời gian do sóng và nước mặn của biển. Những trụ chắn sóng bê-tông không đẹp về cảnh quan, có thể gây va đập tàu thuyền đến gần, chúng có thể bị chuyển vị trí và hư hại do sóng biển khi có bão. Cây rừng chống sóng tốt hơn nhưng với điều kiện, cây hơn bốn mét, mật độ cây hơn 2.000 cây/ha và dày hơn 1,5 km từ bờ ra biển.

Về lâu dài, đồng bằng sông Cửu Long cần lập bản đồ chi tiết phân loại những nơi sạt lở và có nguy cơ sạt lở vùng ven sông, cửa biển và ven biển, các giải pháp phi công trình và công trình cần cân nhắc giữa chi phí và hiệu quả cho mục tiêu giảm thiệt hại mất đất, mất rừng và mất sinh kế người dân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị

Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 27/9, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị đã công bố Quyết định số 974/QĐ-TTg, ngày 19/8/2023 thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, một trong những nhiệm vụ Hội đồng điều phối vùng điều phối, là các hoạt động hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phòng chống lũ; kiểm soát xâm nhập mặn; quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong mùa khô; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập, vành đai rừng ngập mặn và các dự án bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu.