Thay đổi định hướng trọng điểm
Từ khi TTVN hòa nhập trở lại với thể thao thế giới năm 1989, mà điểm khởi đầu là tham dự SEA Games, cho tới năm 2003 khi Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 22 và giành vị trí thứ nhất toàn đoàn, mô hình phát triển “đi tắt đón đầu” tỏ rõ hiệu quả. Không chỉ mang lại vị thế top đầu khu vực, mô hình đó còn giúp TTVN có được những thành tích lịch sử tại ASIAD và Olympic. Đến hiện tại, chúng ta đã bước qua giai đoạn khao khát “vàng” SEA Games, nhưng với việc thất bại ở Olympic Tokyo 2020 cũng như không đạt thành tích như mong muốn ở những kỳ ASIAD gần đây đã buộc ngành thể thao phải có một chiến lược mới, căn cơ và dài hơi hơn nếu không muốn bị thụt lùi thành tích ở các đại hội thể thao lớn.
Giành Huy chương vàng (HCV) ở ASIAD 19 và có huy chương Olympic 2024 là mục tiêu của TTVN được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng trong thời gian tới. Trong khi đó, giành HCV ở nhiều môn tại SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5 tại Việt Nam cũng được xem là đương nhiên. Với quyết tâm chuyển mình, ngành thể dục thể thao khẳng định, chiến lược đầu tư và xây dựng kế hoạch cho thể thao thành tích cao sẽ có sự khác biệt lớn so với trước, trọng tâm sẽ là “lấy ASIAD làm trung tâm để có cơ sở HCV cho SEA Games và tấn công mục tiêu huy chương Olympic”.
Trước đây, chúng ta chọn hướng đầu tư theo hình thức liên thông, đầu tư đào tạo cho những VĐV giành kết quả cao SEA Games (cấp độ Đông Nam Á), sau đó lọc những người ưu tú từ lực lượng này sẽ chuẩn bị cho ASIAD (châu Á), rồi tiếp theo là tuyển chọn hướng đến Olympic (thế giới). Và như định hướng mới, thể thao thành tích cao sắp tới sẽ đảo đầu chiến lược, sẽ chọn đầu tư VĐV mũi nhọn để tranh huy chương Olympic, chọn môn trọng điểm để tấn công vào đấu trường ASIAD với mục tiêu giành HCV.
Giải bài toán trọng điểm
Năm 2010, ngành thể thao tạo nên bước đột phá trong việc xác định các môn thể thao, nội dung trọng điểm với 10 môn nhóm 1, gồm: điền kinh, bơi, cử tạ, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, vật nữ, boxing nữ, bắn súng và karatedo. Các vận động viên (VĐV) nhóm môn trọng điểm đã phần nào chứng tỏ vai trò chủ lực trong “đội hình” TTVN. Đặc biệt là bắn súng, với tấm HCV lịch sử tại Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Còn điền kinh cũng đặt những dấu mốc lịch sử tại sân chơi ASIAD, với Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan giành HCV ASIAD 2018. Tuy nhiên, sau kỳ Olympic Tokyo 2020 trắng tay, ngành thể thao buộc phải nhìn nhận thực tế rằng nhiều môn trọng điểm đã không còn phù hợp với thời thế. Cử tạ nhận được rất nhiều kỳ vọng ở Olympic 2020 nhưng chỉ để lại sự thất vọng. Hay như bóng bàn là môn trọng điểm nhóm 1 nhưng chưa bao giờ chứng tỏ khả năng tại ASIAD và HCV SEA Games vẫn là mục tiêu thiết thực nhất đối với môn này.
Bên cạnh đó, sự thua thiệt về thể lực, tầm vóc đối với các môn nhanh, mạnh, sức bền, độ khó của VĐV Việt Nam so với thế giới cũng là một phần nguyên nhân khiến chúng ta khó tranh chấp huy chương Olympic. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn cho biết: “Hình thể của VĐV nước ngoài hơn hẳn Việt Nam. Đây là ở giai đoạn hiện nay. Hy vọng trong tương lai xa, tầm vóc thể lực của VĐV Việt Nam sẽ có thay đổi hơn. Việc đạt huy chương ở điền kinh hay bơi lội đối với Việt Nam là vô cùng khó. Vì thế, chiến lược và kế hoạch đầu tư có trọng điểm cụ thể, thay đổi ở 1 số môn và nội dung”.
Việt Nam đã thi đấu các môn boxing, taekwondo, bắn súng, điền kinh, bắn cung, đua thuyền, rowing, judo, cử tạ, cầu lông, thể dục dụng cụ tại Olympic Tokyo 2020. Đây là những môn mà các VĐV châu Á rất mạnh, nên hành trình giành “vàng” ASIAD cũng không đơn giản. Để thay đổi định hướng đầu tư cho những mục tiêu quan trọng đặt ra thì việc đầu tiên là xác định lại các nhóm môn trọng điểm, đặc biệt là nhóm 1, dù đó là bài toán không dễ giải. Việc này căn cứ vào thành tích và điều kiện phát triển những môn này trong các giai đoạn trước đó và dự báo sự phát triển tại đấu trường quốc tế trong tương lai. Như vậy, tùy vào thực tế, số lượng các môn trọng điểm cũng có thể rút đi, chỉ cần đầu tư vào những môn thật sự có khả năng tranh chấp HCV ASIAD, huy chương Olympic. Và chỉ sau khi xác định được nhóm môn, nội dung trọng điểm thì mới có thể xác định rõ nhóm VĐV trọng điểm cần được đầu tư đặc biệt.
Nỗi lo về lực lượng kế cận
Năm nay, TTVN sẽ góp mặt ở SEA Games 31 trên sân nhà, ASIAD 19 cũng như chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2024 nên việc cân nhắc lựa chọn các gương mặt trọng điểm cũng không hề đơn giản. Bên cạnh đó, TTVN đang đứng trước nỗi bất an lớn, đó là thiếu sự phát triển bền vững, ổn định với cảnh “tre già nhưng măng chưa mọc”. Khi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên chia tay đội tuyển quốc gia ở tuổi 25, giới mộ điệu mới giật mình nhận ra, phía sau “cô gái vàng” này chưa nhìn thấy ai có tiềm năng để thay thế xứng đáng. Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh giã từ sự nghiệp VĐV đỉnh cao khi bước sang tuổi 48, nhưng chưa có cái tên nào đủ sức gánh vác được trọng trách mà anh để lại. “Lão tướng” Nguyễn Tiến Minh 38 tuổi vẫn gồng gánh sự nghiệp cầu lông của Việt Nam trên vai. Rồi khoảng trống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam khi lứa U23 thi đấu nhạt nhòa tại vòng loại U23 châu Á...
Thực trạng trên cho thấy công tác tìm kiếm, bồi dưỡng tài năng trẻ của TTVN vẫn còn nhiều bất cập. Sự thiếu hụt lực lượng kế cận một phần cũng là do cách làm chạy theo chu kỳ 2 năm của SEA Games. Các quy trình đào tạo, tập luyện, tập huấn đều nhằm mục đích phục vụ cho SEA Games, với ASIAD và Olympic vẫn có sự chuẩn bị nhưng dừng lại ở mức thời vụ, thiếu chiến lược cụ thể. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Ủy ban Thể dục thể thao đã từng chia sẻ với báo giới: “Từ năm 2019, 2020, rất nhiều đội tuyển trẻ bị giải tán vì kinh phí chỉ đủ để đầu tư cho đội tuyển quốc gia, mà đáng lẽ ở mỗi môn thể thao, đội tuyển và đội trẻ phải được tập trung song song. Ở các địa phương, tuyến trẻ rất èo uột, không một tỉnh nào thuê chuyên gia ngoại cho tuyến trẻ”.
Ngoài ra, vấn đề kinh phí đầu tư đào tạo VĐV trẻ, VĐV tài năng cũng còn hạn hẹp. Tuy mang lại nhiều vinh quang cho đất nước nhưng lĩnh vực thể thao, ngành thể thao vẫn bị coi là ngành lệ thuộc, phải đi xin kinh phí, nên không được coi trọng đúng mức. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn chế, công tác xã hội hóa mới thu được hiệu quả nhất định đối với số ít môn thể thao, việc “liệu cơm gắp mắm” là khó tránh.
Bây giờ, ngành thể thao đã quyết tâm thay đổi, quy hoạch môn, nội dung, VĐV trọng điểm phụ thuộc vào định hướng phát triển thể thao nói chung. Xu hướng “vươn ra biển lớn” là rõ ràng, hợp quy luật, tất yếu phải dồn lực cho những môn thể thao Olympic. Song, phải dựa vào thực lực, cho phép chúng ta thực hiện ở mức độ nào và chắc chắn không thể thu được thành quả một sớm một chiều vì đây sẽ là một chặng đường dài để xây dựng hình ảnh trên trường quốc tế. TTVN đang bước vào một nhiệm vụ mới, một mục tiêu mới, nhưng cũng là một thử thách mới đầy cam go, rất cần sự kiên định để chinh phục những “chân trời” xa hơn.