Cùng mở ô cửa tâm hồn

|

Làm thế nào để có thể thu nhận điều gì đó “cụ thể” hơn hay phân định được cái gọi là chất lượng của một bức tranh trừu tượng? Một khán giả bình thường khi thưởng thức triển lãm tranh trừu tượng có lẽ sẽ có một vài băn khoăn vương chút mặc cảm tương tự vậy... Nhưng đến với triển lãm Bên ngoài cửa sổ của nữ họa sĩ Vũ Bích Thủy, khi nhận ra được bên trong lòng mình đang có những rung cảm tha thiết được nhân lên rõ ràng đến thế, cũng là lúc tự thấy mấy vương vất băn khoăn hay mặc cảm kia đã tan biến từ lúc nào.

Sự dày dặn của các lớp màu trên mỗi bức tranh nói lên tác giả là người cẩn trọng với cảm xúc sáng tác của chính mình. Những gam mầu trung tính, từ vàng, nâu đến xanh lục, xanh dương quyện với ghi xám, phớt hồng trong veo, chồng lớp lên nhau một cách khẽ khàng, nhẹ nhõm. Thật xao xuyến khi cảm thấy độ bông, xốp của những ô mầu, như thể ta đang được chạm nhẹ vào chúng, chạm nhẹ vào chính những rung động của chính mình. Những vệt mầu ngắn dài, đậm nhạt được cân nhắc để tạo nên không gian riêng có của từng bức tranh, gợi liên tưởng về, có thể là, một ô vuông xanh mát những cây cảnh nhỏ xinh, có hoa dịu dàng, là một phối cảnh rộng lớn hơn của một đoạn phố, một khung trời đan xen nhiều tầng lớp vật thể và mầu sắc, khối hình.

Nhưng điều thú vị là tất cả như đều được thu nhỏ thành một thứ vật thật gần gụi với chủ thể. Mọi quan sát và khái quát thế giới thực bên ngoài của họa sĩ dường như chỉ để giúp chị chạm nhẹ tới được nó, để cảm thấy thân gần nhất, thương nhất và rồi có thể biểu đạt những trạng thái tình cảm ấy thông qua hội họa. Những tâm tình chân thật ấy làm rung động người xem, tạo nên những khoảnh khắc giao cảm thi vị giữa người xem với bức tranh, người xem với người vẽ tranh, giữa hội họa và cuộc sống.

Họa sĩ Vũ Bích Thủy có hơn 10 năm sống và theo học hội họa ở CHLB Đức. Nhưng sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ của Đại học Mỹ thuật Berlin, chị quyết định về lại Hà Nội, quê hương của mình. “Khi sang Đức cùng gia đình, mình đang ở tuổi 20, chưa nghĩ ngợi gì nhiều về cuộc sống hay tương lai. Người lớn nói sang đó, cuộc sống sẽ đủ đầy hơn nên tương lai sẽ tốt hơn. Nhưng càng về sau, đi học, đi làm thêm, càng thấy mình lẻ loi vì thật ra, mình không thuộc về cuộc sống ở đấy nên cứ thấy thiếu thốn và rất buồn”. Cảm giác lẻ loi, thiếu thốn ấy ít nhiều đều có ở người sống xa quê hương nhưng có lẽ, nó càng sâu sắc hơn với một người nhạy cảm và coi trọng các giá trị tinh thần trong đời sống như họa sĩ Vũ Bích Thủy.

Những trải nghiệm thăng trầm trong cuộc sống cá nhân đã đem tới cho nữ họa sĩ nhiều suy nghĩ và thâu nhận quan trọng về đời người nói chung, về con đường hội họa của bản thân nói riêng. Trong thế giới tâm hồn của một người yêu thương hội họa của chính mình, luôn để dành cho nó những góc đời êm ả, dung dị nhất, những bức tranh của chị cũng luôn tràn đầy rung cảm. Mỗi bức tranh như đang giúp mở một ô cửa nào đó nơi thế giới tâm hồn của người xem, đánh thức cảm nhận trong trẻo hơn của họ về cuộc sống này.

Đại học nghệ thuật Berlin (The Universität der Künste Berlin - UdK), nơi Vũ Bích Thủy tốt nghiệp đại học năm 1995 hoàn thành bằng Thạc sĩ năm 1996 là trường đại học nghệ thuật lớn nhất châu Âu, với lịch sử hình thành từ năm 1869. Trong thời gian theo học ở Berlin, chị cũng có tham gia một số triển lãm tổ chức bởi Quỹ Nghệ thuật Seagull (The Seagull Foundation for The Arts), Không gian dành cho phụ nữ quốc tế (The International Women Space), Trại sáng tác nghệ thuật ở Neubrandenburg... Bên ngoài cửa sổ là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với 45 bức tranh acrylic.