Tháng hai mùa hoa

|

Bản tôi ở rìa mường. Ngày tôi còn bé, bản chỉ có hơn ba chục nóc nhà. Vườn nhà ai cũng rộng. Nhà với nhà không có hàng rào ngăn cách. Dân bản chỉ trồng cây ăn quả quanh đất để đánh dấu. Dưới chân là vậy chứ trên đầu thì tán cây nhà này đan vào vòm cây nhà kia. Khi đã thành cổ thụ rồi thì cây muỗm, cây xoài, cây quéo, cây mít, cây bưởi, cây na, cây măk có, cây khế... cùng nhau che kín đất.

Đất bản chỗ nào cũng mát dù mùa hè trời nắng chang chang. Đất bản chỗ nào cũng là đường. Nói là đường chứ gọi là lối đi thì đúng hơn. Đường gì mà chỉ rộng chưa đủ sải tay. Nếu gọi là đường thì phải thêm chữ mòn. Đường mòn nghe mới phải. Ai thích đặt chân lên chỗ nào thì đặt. Ai muốn đi về phía nào thì cứ đưa bàn chân mà bước. Chỗ nào có nhiều bàn chân đặt lên đất sẽ nhẵn thành lối, thành đường. Đường hay lối có khi không chỉ để đi. Đường đi lối lại uốn lượn vẽ trên đất bản muôn hình hoa văn. Những khi có gió, tôi và lũ bạn đứng nhìn nắng xuyên qua kẽ lá thành những đốm vàng nhảy nhót. Chúng tôi đợi những giọt nắng vẽ gì nữa đó lên mặt đất. Những giọt nắng cứ vẽ mãi. Vẽ từ tuổi thơ đến thời thiếu nữ của tôi mà vẫn vậy. Vẫn chỉ là phác thảo thôi. Người bản tôi có câu “Chiêng xoong mố bók - tháng hai mùa hoa”. Mùa hoa, những dãy núi, cánh rừng quanh thung lũng lốm đốm sắc mầu. Bà nội tôi bảo “rừng đang thay áo mới”. Áo của rừng xanh thẫm chứ không tươi như mầu xanh sĩ lâm áo bà. Những vòm hoa cứ mỗi ngày nở bung to dần, to dần. Cây trổ hoa trước, cây trổ hoa sau. Chỉ cần hai ngày không để ý, một sớm mai thức dậy nhìn lên, núi đã hiện thêm những vòm hoa mới rực rỡ hơn rồi.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hoa là chúng tôi lại ngồi quây quanh bà trên sàn phơi. Đứa bóp vai, đứa bóp tay cho bà. Đứa giã trầu trong chiếc cối đồng nhỏ xíu cho bà. Đứa nào cũng đợi bà chỉ từng vòm hoa dạy cho chúng tôi phân biệt “Hoa đào rừng đỏ hồng. Hoa đào phai hồng nhạt. Hoa nhãn rừng vàng nâu. Hoa ban trắng muốt. Hoa mạ vàng đậm. Hoa vông, hoa gạo đỏ tươi. Còn cái vòm vàng sậm kia không phải hoa đâu là lá đấy. Lá cây ấy sẽ chuyển sang mầu đỏ vào tháng sau...”. Và cuối cùng, bao giờ bà cũng “Trời cho bà được ngắm thêm một mùa hoa. Trời cho bà được sống thêm một tuổi với con cháu rồi”. Nói xong, bà cười giãn cả nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt. Rồi bà kể sự tích các loài hoa. Chuyện nào cũng bắt đầu bằng “Ngày xưa... Ngày xửa ngày xưa... Ngày ấy, không ai biết ngày nào, năm nào... Thuở ấy, khi đất và trời còn liền nhau...”. Vậy mà chúng tôi vẫn muốn nghe, vẫn cứ đợi.

Bản mường tôi, sáng sớm đất thở. Sáng sớm suối, khe thở. Hơi thở kết thành mây. Có khi thung lũng đong đầy mây như hồ tuyết. Có khi mây đùn lên từng đụn, từng đụn như đàn ngựa bạch dồn lên chen nhau đợi gió. Gió như những mục đồng vô hình cầm những chiếc roi vô hình xua đàn ngựa mây lên cánh đồng trời xanh biếc. Có hôm mây thưa nhẹ bay lên đỉnh núi. Bay lên đến lưng núi, lên đến vai núi thì mỏng dần, mỏng dần. Lúc ấy, núi như một nữ thần choàng khăn voan huyền ảo trong ánh bình minh. Tháng chưa có mưa. Thỉnh thoảng sương lại buông một màn mưa bụi. Hạt mưa li ti, li ti đủ để ướt mặt người. Mưa bụi lây phây, đủ làm tươi cây, mát đất. Người bản đi xa, không ai quên được mùi hương của bản. Tháng gió ngàn thổi nhẹ. Bản tôi thoang thoảng mùi hăng hoai hoải của rừng, mùi ngai ngái quyện hương hoa bưởi, hoa bók sòn và muôn hoa. Dù đi trăm bản nghìn mường cũng không nơi đâu có mùi hương này. Ông nội tôi nói “Con người bản ta an nhiên tự tại, chan hòa, nhân ái cũng bởi cái mùi hương này. Ai muốn nổi nóng chỉ cần hít một hơi thật sâu hoặc nhìn vào một nhành hoa là thấy lòng dịu lại”. Lời ông, ngày bé tôi không tin. Nhưng sống đến bạc tóc rồi thì tôi tin.

Thích trồng hoa, thích ngắm hoa là cái thú của người bản tôi. Nhà nào cũng có một khu đất trồng hoa trước cửa. Lợn bản thả rông. Nhà nhà xuống suối lấy đá cuội lên xếp thành hàng rào làm vườn rau, bồn hoa. Nhà nào cũng chăm chút và mong cho bồn hoa nhà mình đẹp nhất, nhiều loài hoa nhất. Ai đi chơi mường gần, bản xa thấy hoa lạ thì xin giống về trồng rồi tách ươm cho anh em. Có nhà còn mang cây gỗ rỗng ruột ở rừng già về đẽo thành máng như máng cỏ ngựa đặt lên mép sàn phơi để trồng hoa. Mấy loài hoa không thể thiếu trong vườn nhà: hoa dành dành, hoa mào gà, hoa dâm bụt, hoa hồng cổ cánh đơn (dùng trong các nghi lễ cúng tế cùng hoa mạ, hoa bưởi và một số hoa rừng). Hoa nhuộm móng (để trẻ nhỏ giã ra nhuộm móng tay chơi)...

Bây giờ ông bà tôi đã về mường trời với tổ tiên. Ông bà đã mang hết những “Ngày xửa ngày xưa... Những thuở ấy...” lên trời. Cha mẹ tôi, cha mẹ chồng tôi và cả chồng tôi nữa cũng đã lên theo ông bà rồi. Chỉ còn tôi ở lại bản thôi. Bản tôi không còn như xưa nữa. Người sinh ra mà đất không đẻ thêm. Cây hàng trăm năm tuổi cũng phải chặt đi lấy đất làm nhà. Nhà sàn cũng phải dỡ bỏ để chia đất cho con xây nhà. Ruộng đồng có máy cày, máy bừa không cần trâu nữa. Nhà nào có điều kiện thì nuôi một vài con ở trang trại. Bây giờ, nhiều nhà đun nấu bằng bếp ga. Cháu chắt không có bếp lửa ngồi quanh nghe ông bà kể chuyện ngày xưa nữa. Nhà tôi còn đun bếp lửa nhưng đi làm, đi học về là người lớn, trẻ con mỗi người một chiếc điện thoại không rời tay, rời mắt. Người với người bây giờ ít khi trò chuyện. Họ chỉ trao đổi điều gì đó với nhau khi cần. Mấy ông bà già chúng tôi thỉnh thoảng ngồi với nhau vừa ăn trầu vừa rủ rỉ những chuyện buồn, vui quá khứ. Mỗi thời mỗi khác. Chuyện thời nay thì biết nói gì. Đến núi cũng thoáng cây, thưa lá rồi. Áo mới của rừng không còn rực rỡ đan cài những vòm hoa đủ sắc, tươi mầu. Áo mới của rừng đã vá mấy mảnh nương rồi.

Mùa hoa. Trời lại cho tôi ngắm thêm một mùa hoa. Tôi ngồi bên cửa sổ ngôi nhà của bố mẹ chồng tôi. Ngôi nhà phải lên rừng tìm gỗ ba năm mới đủ dựng. Ngôi nhà ở giữa bản. Bản vẫn bản đời ông kỵ chúng tôi đắp đất, xếp đá lập nên. Tôi ngồi đợi cái mùi hăng của đất, của rừng quyện hương hoa bưởi, hoa bók sòn và muôn hoa của núi rừng. Tôi ngồi... nhớ bản tôi xưa.