1 Rangnick đã đến và đã tạo ra niềm hy vọng. Nhưng hy vọng ấy vẫn còn mong manh, giống như cách người ta nhìn và hiểu về ông vậy. Thời gian chưa nhiều, Rangnick chưa thể tạo ra điều phi thường, biến Man Utd trở lại với quyền lực cũ, nhưng ít nhiều thì phía cuối đường hầm mà Man Utd đang đi, cũng có le lói chút niềm tin. Vì sao ư? Vì Rangnick là một người chưa bao giờ biết đầu hàng, chưa bao giờ chấp nhận thất bại và là một triết gia bóng đá đúng nghĩa, một người tạo ra chiến thuật, vẽ nên chiến lược và vận hành hệ thống quản trị.
Là nhân vật ít tiếng tăm, nhưng Ralf Rangnick lại là một trong những HLV nổi tiếng nhất ở Đức nhiều năm qua. Chính Rangnick là người tạo đà để mang đến thành công ngày nay cho bóng đá Đức, là người góp phần kết liễu phong cách bóng đá libero cổ điển, lỗi thời, để đưa đến một giai đoạn hoàng kim cho phong cách Đức. Rangnick được đào tạo bởi lò Hennes Weisweiler lừng lẫy, nơi đào tạo ra hàng loạt các HLV nổi tiếng hiện nay, từ Klopp, Tuchel, Nagelsmann... Ông tốt nghiệp năm 1984 khi mới 26 tuổi và đến nay, Rangnick vẫn là HLV tốt nghiệp điểm cao nhất với điểm trung bình: 1,2 (điểm cao nhất là 1).
Có một câu hỏi, tại sao Rangnick lại theo nghiệp HLV, một người nghiên cứu triết lý bóng đá?
2 Đó là câu chuyện dài cách đây 32 năm, khi Rangnick 21 tuổi, theo học tiếng Anh và giáo dục thể chất tại Đại học Stuttgart. Ông sang Anh thực tập tại Trường đại học Sussex (Brighton) trong 1 năm. Tại đây, Rangnick chơi bóng nghiệp dư cho CLB Southwick. Ở trận đấu thứ 3, Rangnick gặp chấn thương rất nặng: gãy 3 xương sườn, 1 cái cắm thủng phổi và phải nghỉ 4 tháng. Sau này ông có kể lại, 1 năm ở Southwick chính là quãng thời gian tuyệt vời, mang tính định hướng, bắt đầu cho nghiệp HLV sau này. Rangnick đam mê nghiên cứu chiến thuật bóng đá, tạo ra triết lý bóng đá Gegenpressing đang làm mưa làm gió khắp thế giới, là HLV mang tới nhiều ảnh hưởng nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Thậm chí, Rangnick còn là thầy hoặc từng làm việc truyền kinh nghiệm cho 7/18 CLB tại Bundesliga hiện tại. Tầm ảnh hưởng của ông còn lan sang cả Ngoại hạng Anh, Ligue 1, giải Hà Lan...
Và vì thế mà hè 2004, tân HLV trưởng đội tuyển quốc gia Đức, J.Klinsmann đã mời Rangnick làm trợ lý chứ không phải Joachim Loew. Nhưng chức vô địch World Cup 2014 được cho là bài học của chính Rangnick, với ảnh hưởng của ông đến cách chơi này.
Không chỉ nghiên cứu, Rangnick còn đi đầu trong việc áp dụng khoa học khi là HLV đầu tiên thuê các nhà phân tích video và nhà tâm lý học thể thao để giúp các đội giành được lợi thế. Ông quan tâm đến tinh thần, thể chất, tâm lý, theo dõi cầu thủ có uống rượu, hộp đêm... Nói chung để ý tất tần tật. Và từ đó, ông cực kỷ luật và tỉ mỉ đến chi tiết. Thời ở Leipzig, ông có 1 cái vòng quay may mắn nhưng lại để phạt cầu thủ với những hình phạt lạ lùng: cắt cỏ trên sân tập, phục vụ đồ ăn trong căng-tin, lau dọn... Sự tỷ mẩn, chi tiết của ông có từ khi còn trẻ với câu chuyện, ông bỏ tiền túi mua 1 cái đầu video loại xịn nhất khi đó, nghiên cứu băng hình của AC Milan dưới thời HLV Sacchi hằng đêm, đến mức cái đầu video ấy đã phải mang đi sửa liên tục mỗi tuần.
Với Rangnick, đào tạo không chỉ là thể chất, kỹ năng, chiến thuật, mà còn có cả yếu tố tâm lý, sự tập trung não bộ. Đó là việc đào tạo não bộ. Vì thế mà ở Hoffenheim, Rangnick từng cho dựng 1 chiếc đồng hồ đếm ngược trên sân tập. Cầu thủ có 10 giây để phải tấn công và dứt điểm, 8 giây để lấy lại quả bóng vừa mất. Và đáng sợ hơn là cái đồng hồ đó có tiếng rất to, họ nghe thấy tiếng đồng hồ đếm như lời nhắc liên tục trong suốt buổi tập. Nó làm cầu thủ khó chịu, lo lắng, nhưng Rangnick cho rằng nó kích hoạt các hành động tức thì làm thay đổi hành vi, đó chính là đào tạo não bộ.
Sự thật là nhiều năm qua, Rangnick không làm HLV mà làm việc xây dựng hệ thống, quản trị CLB. Đó là lý do mà Rangnick chỉ tạm nắm quyền ở Man Utd 6 tháng chứ không phải lâu hơn. Và đây lại là một câu chuyện khác, đẩy ông sang một ngã rẽ mới. Rangnick từng bị Hội chứng suy kiệt thực vật khi làm HLV ở Schalke, một dạng stress bệnh lý tựa như thủ môn Robert Enke (người từng tự tử vì trầm cảm trước những áp lực quá lớn). Sau đó, ông thay đổi toàn bộ cuộc sống một cách triệt để, thay đổi thực đơn ăn uống, chạy bộ tập luyện trong 9 tháng. Sự suy kiệt ấy một phần vì cá tính Rangnick quá mạnh, là 1 nhà quân phiệt thật sự. Ông từng đương đầu với Hội đồng quản trị CLB RB Leipzig, đối đầu tỷ phú Diemar Hopp, ông chủ Hoffenheim, chiến đấu với cả Ban lãnh đạo Schalke, tất cả đều bảo vệ chính kiến của mình. Và sự kiên định của Rangnick có được thành quả với những mục tiêu chính: đào tạo trẻ, xây dựng hệ thống tài chính vững mạnh, triết lý bóng đá Gegenpressing và đào tạo toàn diện.
Kết quả là Rangnick xây dựng được hàng loạt CLB với những điểm nhấn cực lớn mang tầm vĩ mô như Hoffenheim, Leipzig. Hoffenheim từ CLB tỉnh lẻ thành CLB giàu có, thu về 200 triệu euro chuyển nhượng. Còn Leipzig thì là 400 triệu euro, Salzburg thu 200 triệu euro chỉ trong 5 năm.
3 Và để khẳng định tầm nhìn, khả năng đánh giá tài năng của Rangnick, có câu chuyện như sau: Năm 1993, khi làm đội trẻ Stuttgart, Quản lý thể thao là ông Dieter Hoeness đã nói rằng Rangnick nên đến Brazil để xem, có 1 cậu thanh niên 17 tuổi cực hay. Rangnick đi Brazil lập tức, ông gặp cậu bé này ở khách sạn và nhận được quà của tài năng này là chiếc áo đấu của CLB Cruizero. Rangnick tặng cậu bé áo đấu của Stuttgart. Cậu bé còn nói với Rangnick: “Thật sự vinh dự khi được chơi cho Stuttgart”. Rangnick trở về Stuttgart, tổ chức họp ban huấn luyện và nói: “Cậu bé ấy có giá chỉ 6 triệu USD. Rất rẻ. Và nếu cần thiết phải cướp ngân hàng thì chúng ta cũng phải làm để mua cậu ấy về”. Nhưng Stuttgart đã bỏ qua vì cho rằng đó là canh bạc quá lớn. Và 1 năm sau, PSV Eidhoven mua cậu bé Cruizero ấy với giá 6 triệu USD. Vâng, đó là Ronaldo de Lima. Huyền thoại Ronaldo béo!