Về...

|

Về là triển lãm cá nhân lần thứ hai và cuốn sách cùng tên của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng.

Có người Việt nào mà lại không có một cội rễ làng trong lòng mình. Nước Việt chính là nước-làng, làng Việt là làng nước. Muốn hiểu nước Việt, người Việt thì phải hiểu làng. Nói cách khác hiểu được làng thì sẽ hiểu nước Việt, làng chính là hình ảnh cô đọng của nước Việt. Trong làng có nước, trong nước có làng.

Không chỉ là việc Thắng và gia đình chọn sống ở làng Cự Đà đến nay đã 10 năm. Cái không gian cụ thể và hữu hình ấy của làng cùng với không gian tinh thần của làng đã sinh và dưỡng cho nghệ thuật của anh. Thắng là làng. Thắng và làng gặp nhau. Cho nên Thắng đã rời bỏ đời sống đô thị, rời phố để về làng. Nơi người ta trú ngụ, bất luận ra sao nhưng nó chỉ thật sự là nơi chốn đi về nếu họ cảm thấy gần gũi, thân quen, cảm thấy được an yên. Trước khi về với làng Cự Đà, trong Thắng đã có sẵn chất làng rồi.

Cự Đà là một làng cổ, ngoại ô Hà Nội. Những năm 70 của thế kỷ trước, làng Cự Đà gần như nguyên vẹn. Cả làng nhìn ra sông Nhuệ, có nhiều cầu đá dẫn từ đường làng xuống sông, vẫn còn thuyền bè qua lại, đường làng sống trâu, gạch lát nghiêng, bó vỉa thẳng, mạch bằng đất nện, mạch âm, nhiều ngõ xóm như xương cá, nhiều cổng, cửa, cổng làng, cổng xóm, có đình, có chùa, có đền, có miếu, có nhà thờ họ. Đặc biệt nhất là những ngôi nhà 3 gian, 5 gian, 7 gian 2 chái mái ngói âm dương, sân gạch vuông Bát Tràng, chuối sau cau trước, chum tương bể nước, nhà nào cũng có hiên rộng, có dại tre tránh mưa nắng hắt. Nhà nào cũng có hoành phi, cửa võng, câu đối khắc ghi những lời hay ý đẹp như nhắc nhở, truyền dạy của ông bà tổ tiên cho con cháu… Làng đã nhập vào Thắng, Thắng thăng hoa và “lên đồng” trong những tác phẩm về làng. Đó là một đề tài lớn, anh trăn trở và đi lại nhiều năm, cũng là nhiều tác phẩm nhất trong lần trưng bày này.

Chất liệu của 60 tác phẩm trong Về chỉ duy nhất là bột màu báo trên giấy báo cũ. Chất liệu là một trong các yếu tố làm nên hội họa. Nhưng chất liệu cũng thuộc tạng tính, trong nhiều trường hợp, nó cũng làm nên tác giả. Nguyễn Phan Chánh với lụa, Nguyễn Gia Trí với sơn mài, Nguyễn Tư Nghiêm với bột màu, Bùi Xuân Phái với sơn dầu chẳng hạn. Tên tuổi của các bậc thầy này gắn liền với những chất liệu ấy.

Cái máu của Nguyễn Quốc Thắng là bột màu trên giấy báo cũ. Nguyễn Quốc Thắng và bột màu báo cũ là tri kỷ, họ hiểu và thuộc nhau. Thắng là làng, Thắng là bột màu báo cũ.

Phong cảnh.

Lễ hội.

Cũng nên hiểu thêm về bột màu báo cũ một chút. Đây là một chất liệu chỉ thấy ở các họa sĩ Việt Nam, một thời đã xa khi mà họa phẩm quá thiếu thốn. Mấy chục năm chiến tranh liên miên, rồi tiếp theo thời hậu chiến nghèo đói, ăn chả đủ còn bàn gì màu nọ giấy kia. Thế thì tận dụng báo cũ đã đọc, bán cân. Tiện, rẻ. Chả cứ sinh viên mà các thầy cũng vẽ bột màu báo cũ. Dần dà bột màu báo cũ thành chất liệu lúc nào chả hay. Nhưng rồi đời sống khá lên, mọi người quên dần bột màu báo cũ, chuyển hết sang các chất liệu khác. Chỉ còn lại Nguyễn Quốc Thắng vẫn “thủ cựu”, vẫn yêu cái cũ, vẫn chung thủy với bột màu báo cũ. Anh chia sẻ khá mộc mạc rằng, bột màu báo cũ cũng duyên duyên, quê quê, nôm nôm như làng nên vẽ làng bằng bột màu báo cũ. Thế thôi.

Khi mọi người đi với các chất liệu tân kỳ thì Thắng vẫn ở lại, vẫn quay về với chất liệu cũ, bột màu báo cũ. Cũ nhưng mới, đời sống của một tờ nhật báo, ngắn ngủi, hữu hạn tưởng đã “xong phim” thì nay lại được sống thêm, dài rộng hơn, đẹp hơn trong tranh của Nguyễn Quốc Thắng, “phục sinh” trong hội họa của Thắng.

Thắng là người mộ đạo, Cự Đà lại có nhiều chùa, chùa Cự Đà, chùa Khúc Thủy... Tố chất giản dị mộc mạc của Thắng hợp với làng, với chùa làng. Ai có phận riêng của người ấy nhưng Trời Phật thì chung của tất cả mọi người. Chuyện gì mà chả có nhân duyên của nó nữa là chuyện tu đạo. Phật dạy đi tu không phải đi đến tận đẩu tận đâu mà là đi về mình. Thấy tâm thấy tính thì thành Phật. Đi tu là đi tìm cái “bản lai diện mục” của mình. Ở điểm này thì người tu hành và nghệ sĩ trùng nhau. Làm nghệ thuật là công cuộc đi tìm mình. Tìm ra cái vân tay, cái không ai khác, cái cá nhân mình thì thành, thì tới bến.

Thắng ưa dùng hòa sắc tương phản nóng lạnh, cam và nõn chuối, xanh lục với hồng cánh sen… Thắng để cảm xúc dẫn màu, dẫn hình đi chứ không bó vào cái mà anh nhìn thấy cho nên bầu trời có thể đỏ, mái ngói không nhất thiết phải thâm nâu mà xanh ngăn ngắt… cho nên những bức tường vôi lở, những lối xóm rêu phong, những cổng cửa xưa cũ ấy vẫn là nó mà không buồn bã. Chất làng quê cổ kính xưa cũ ấy vẫn tươi mới cũng là do bảng màu tương phản này của Thắng. Muốn tương phản thì phải hài hòa, nóng với lạnh, mảng và nét, đậm với nhạt, phủ kín và lộ nền báo cũ… Ấy cũng là duyên của Thắng, duyên hình, duyên mầu, duyên người, duyên làng.

Ngoài những tác phẩm về làng như phong cảnh, lễ hội… ký họa về làng cũng là những tác phẩm thành công nhất của anh. Ngoài ra còn có một số tranh tĩnh vật và một số bức thể nghiệm mà anh đặt tên là Thuyền không. Hoặc vài ba bức đề tài Lễ hội, Thắng đã dũng cảm bớt thực để “đồng hiện”, để những cô tiên bay lượn cùng bầy trẻ mùa trung thu. Những tiên nữ trong điêu khắc đình làng thế kỷ 17 đã bắt đầu hạ sơn cùng Thắng. Nó cũng chính là cái mầm cho một chặng đường sáng tác mới của Nguyễn Quốc Thắng chăng?

Nguyễn Quốc Thắng về với làng, về với bột màu báo cũ và Về mình. Xin được trân trọng giới thiệu triển lãm Về của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng với bạn bè yêu nghệ thuật.

Triển lãm cá nhân lần thứ 2 Về của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng trưng bày 60 tác phẩm trên chất liệu Bột màu báo cũ, diễn ra từ ngày 23/9 đến hết 27/9/2024 tại Tầng 3-Phòng Nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hà Nội.