Trong “lời mở đầu” Về lại triền sông, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ thổ lộ: “Đắn đo, nhấp nhổm mãi, rồi được/bị bạn bè hối thúc, ấn tay vào lưng, đẩy về phía trước (như vận động viên bất đắc dĩ bị đẩy xuống hồ bơi đầy cá sấu), để có tập thơ này. Tại sao phải trần tình như vậy, vì ở quê tôi - Nghệ An, có mấy câu thơ nôm na về loại thơ nôm na: “Cuối đời ra một tập thơ/ Toàn là những chuyện rờ rờ, đâu đâu/ Lệch vần, cạn điệu, chẳng sâu/ Không đuôi con cóc, nỏ đầu Bút Tre”. “Hội chứng thơ” này không dừng lại ở nơi nó sinh ra, mà hình như đã thành của chung, hay nói đúng hơn, mang tính phổ quát của cả nước. Do vậy, những ai đó làm thơ, nếu muốn in thơ, có lẽ nên sơm sớm một chút. Mà tôi thì lại đã khí muộn”. Nhưng cái “muộn” ở chuyện ra mắt tập thơ đầu tay của Nguyễn Thế Kỷ cùng những “nôm na, lệch vần, cạn điệu, chẳng sâu” chỉ là cách tự trào, một cách nói vui, hài ước, chứ thật ra, đằng sau cái tự nhiên, hồn nhiên ở thơ ông là ăm ắp những ân tình. Ân tình với cuộc đời dài rộng, ân tình với đất nước, với mỗi vùng miền mà ông có dịp đặt chân tới: “Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió/ Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa/ Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/ Áp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa”, và nhất là với gia đình, những người ruột thịt, với cha: “Bao nhiêu gắng gòi mỏi mòn/ Hơn mười năm mới đón con chào đời/ Đất phèn, nước mắt, mồ hôi/ Nở hoa, kết trái giữa đời lo toan”, với cháu nội đích tôn vừa chào đời: “Chọn ngày nắng nóng nhất/ Mía oe oe chào đời/ Mắt khép, miệng cười tủm/ Người lớn đứt cả hơi”... Vậy nên, dẫu không cầu kỳ kiểu cách, không cố tình chơi chữ, lập ngôn kẻ cả, thơ Nguyễn Thế Kỷ ăn ở sự ấm áp, đọc lên nghe thương thương, dìu dịu, ngòn ngọt như tợp được một ngụm nước mưa giữa trưa hè đầu trần nắng rát. Và ông làm thơ, sau những bộn bề công việc, chắc cũng chỉ để tâm tình tỉ tê, để chơi với bạn bè đồng nghiệp, với những tri âm tri kỷ, với cháu con nội tộc theo cách riêng mình...
Về lại triền sông là tập thơ hiếm hoi được in đẹp và kỳ công. Kỳ công cả ở chỗ Nguyễn Thế Kỷ đã tìm được sự đồng cảm đặc biệt hơn hẳn: Những phụ bản tranh họa sĩ Thành Chương dành riêng cho thơ ông. Tranh Thành Chương vốn dĩ luôn đẹp, luôn là dấu ấn Thành Chương dẫu chỉ một minh họa cho báo, đã làm sang cả lên cho thơ, sang cả cho tập thơ của Nguyễn Thế Kỷ, tạo nên vẻ đẹp, sự độc đáo rất ít ai có thể theo kịp... Cái “muộn” của Nguyễn Thế Kỷ trong tập thơ đầu tay, đã là cái muộn có giá và đắt giá...