Về lại xứ Chăm, tản mạn

|

Nhớ lần trước về thăm làng Bàu Trúc và viếng đền thờ ông Tổ nghề gốm Chăm. Qua nhiều lối đi tắt mọc đầy gai dại và những rẫy ngô trong mùa xả lá, cuối cùng trước mặt là một cái chòi gỗ nhỏ lợp lá. Bên trong chòi, trên bệ thờ là một bức tượng bằng gốm giản dị. Ngước mắt thành kính về phía điện thờ, Ðàng Sinh Khả Ái, cô nghệ nhân làm gốm nói nhỏ: “Ðền thờ ông Tổ nghề gốm Chăm đấy anh!”. Ôi, hoang phế! Nếu Khả Ái không nói thì tôi không thể hình dung đây là đền thờ ông Pô K’long Chank, người mà theo truyền thuyết, đã cùng vợ của mình là Nailan Mưk dạy dân làm gốm để hôm nay nghề gốm Bàu Trúc được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Lần này tôi về xứ Chăm thì khác, đền thờ Tổ đã được cháu con Bàu Trúc tôn tạo với kinh phí hơn cả hàng tỷ đồng. Điều đó chứng minh rằng nghề gốm nơi đây đang lên. Thấy vui, vì vị Tổ nghề đã được thờ phụng ở nơi trang trọng, nghề gốm Bàu Trúc cũng thực sự phục hưng. Kết tinh từ tình yêu của đất cát xứ sở, nguồn nước sông Quao và lửa từ củi, rơm đồng bãi, người Bàu Trúc đã tạo nên những sản phẩm gốm có một không hai. Ngắm đồ gốm Bàu Trúc mà liên tưởng đến những điều kỳ vĩ.

Từ hàng chục thế kỷ trước, bàn tay người thợ Chăm tài hoa đã tạo nên hệ thống di sản kiến trúc sáng chói mà những thành quách, đền tháp, thánh địa, Phật viện còn sót lại hôm nay trên khắp dải đất miền trung là những minh chứng. Trong cái nắng như đổ lửa của xứ Phan Rang, cổ thành Pangduranga trong quá khứ, tôi đứng ngắm ngọn tháp Pô Kluang Garai mà mơ màng về một thời xa thẳm. Trong Ấn Độ giáo, tháp Chăm gọi là Sikhara nghĩa là đỉnh núi nhọn, biểu thị của núi Mêru, kiến trúc tiêu biểu được xây dựng theo tín ngưỡng tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn. Núi Mêru, theo thần thoại, có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau, vị thần tối cao ngự trên đỉnh cao nhất, các vị thần khác tùy theo thứ bậc mà ngự ở những ngọn núi thấp hơn.

Cứ như thế hàng trăm năm nay, những người phụ nữ Chăm bước thoăn thoắt trên bãi cát ven bờ Biển Đông mà có vẻ như họ không nhìn về phía biển. Từ rất lâu rồi, tôi vẫn thường tự hỏi: Tại sao người Chăm lập cư gần biển mà họ không làm nghề biển, không đóng thuyền, đánh cá, không giao thông hàng hải? Có người nghĩ rằng, người Chăm mang tâm lý sợ biển. Hóa ra không phải vậy, dân tộc Chăm từng có một nền hải sử đồ sộ từ hàng trăm năm trước. Cho đến mốc khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi năm 1834, vua Minh Mạng xuống chiếu cấm người Chăm làm nghề biển mà chỉ được làm nghề nông thuần túy thì người Chăm đã rời xa với biển hoàn toàn và đánh mất truyền thống viễn dương. Có một điều ngạc nhiên, theo lời kể của nhà thơ-nhà nghiên cứu Inrasara, nếu bà hàng xóm người Kinh nhà anh mỗi khi có chuyện buồn thường than “trời đất ơi”, thì bà mẹ Chăm của Inrasara lại than là “trời biển ơi”! Văn hóa biển, với người Chăm, đã thuộc về tâm thức.

Tôi đã từng qua suốt dọc miền trung, ở đâu cũng gặp hình bóng những uy nghi đền tháp, những tàn tích cổ thành, những giếng nước ngọt giữa vùng biển mặn chỉ riêng người Chăm biết cách tìm nguồn mạch và xây. Chạm nhẹ bàn tay lên những viên gạch gốm rêu phong lại cảm nhận về tình yêu thiêng liêng vĩnh hằng của đất, nước và lửa. Lịch sử biến thiên nên dòng hoài cảm miên man với tháng năm dĩ vãng, có gì như nuối tiếc một nền văn minh trong quá khứ vàng son. Cũng để hiểu thêm rằng, người Chăm là một dân tộc lãng mạn và hào hoa.

Hãy nhìn dáng tháp như thắp lửa ngạo nghễ dưới trời xanh mây trắng và bệ thờ sinh thực khí Linga-Yoni câm lặng mà trào dâng sự sống. Hãy cảm nhận sự linh thiêng trên đường nét biểu cảm của tượng thần Shiva. Hãy ngắm hình thể vũ nữ Apsara uyển diệu trong ánh sáng ảo huyền cổ tháp. Hãy một lần nghe tiếng trống Paranưng mê dụ. Và hôm nay, tôi lặng ngắm bước chân những người nữ Chăm thoăn thoắt từ bến sông Quao trở về làng Bàu Trúc trong chiều dần buông đầu đội lu nước uyển chuyển như một điệu múa cổ trên sóng cát Ninh Thuận…

Phụ nữ Chăm chuẩn bị lễ vật cúng đền.

Theo cổ sử, đầu thế kỷ V, vua Chămpa là Gangaraja, đã nhường ngôi cho cháu rồi đi thuyền sang Ấn Độ. Đây là vị vua duy nhất của Đông Nam Á thuộc Ấn Độ giáo đã vượt Biển Đông đến với sông Hằng. Suốt mười bảy thế kỷ tồn tại, người Chăm đã từng làm chủ đại dương. Thời vương quốc còn mang tên Lâm Ấp, trước năm 749, người Chăm đã có những giao lưu hàng hải với Nhật Bản. Sau những chuyến lang bạt kỳ hồ, người Chăm đã biết thâu thái từ nền kiến trúc của các nước láng giềng như Thái Lan, Khmer, Java…để sáng tạo nên nền kiến trúc kỳ vĩ của mình với rất nhiều phong cách.

Đặc biệt, trong lịch sử Chămpa, thương cảng Cù Lao Chàm có vai trò cực kỳ quan trọng trong giao thương đường biển. Nghiên cứu của Lâm Thị Mỹ Dung, cho biết: “Trên quảng đường dài từ Kra Isthmus (nam Thái Lan, bắc Mã Lai) đến Canton (Quảng Châu, Trung Quốc), chỉ có một trạm dừng chân duy nhất là Chiêm cảng-Cù Lao Chàm, nơi có thể nghỉ ngơi, tích trữ lương thảo, nước ngọt và trao đổi hàng hóa”. Tác giả khác là Nguyễn Đức Hiệp cũng chứng minh: “Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa. Vì thế, họ có sự giao lưu kinh tế, văn hóa với thế giới hải đảo Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. Người ta cũng đã tìm thấy những dấu vết ghi nhận chủ quyền của người Chăm trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và họ từng sinh sống lâu đời ở Lý Sơn-Cù Lao Ré…

Chuyện xứ Chăm thì kể mãi không dứt. Trưa đứng bóng, tôi cũng vừa tới plei (làng) Chakleng hay còn gọi Mỹ Nghiệp. Đây cái làng cổ Chăm từng thấp thoáng trong văn chương của Phú Trạm-Inrasara, ông bạn thi sĩ người miền cát trắng. Inrasara là nhà thơ đa tài, đa tình và đa sự; đã viết thì viết hết cả mạch chữ, cách tân thi ca đến cực đoan và tranh luận học thuật thì không trừ một khoảng để lùi. Nhớ lại, từ những thi phẩm Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng; từ tiểu thuyết Hàng mã ký ức, Chân dung cát đến khảo cứu Những cuộc đi và cái nhà đều đậm in hình ảnh làng quê và những người thân thiết của anh.

Chakleng là máu thịt của Inrasara, anh yêu đến mức mà nghĩ về cái nắng đặc trưng quê nhà là thấy nắng miền khác cũng nhạt. Yêu Chakleng nên năm 1978, chàng sinh viên khoa Anh ngữ, Trường Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh Inrasara đã bỏ học giữa chừng trở về quê nhà sửa lại cày bừa vừa làm ruộng vừa làm văn chương. Thì đấy, trong thơ Inrasara đã kể: “Cởi bỏ sau lưng quang gánh/ Ghinăng, Baranưng giục về/ Từng chuyến mưa nồng nã Katê…”. Cái cách chàng thi sĩ trở về Chakleng cũng hao hao với mỹ cảm của Chế Lan Viên trong tuyệt tác Điêu tàn: “Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ/ Quay về xem non nước giống dân Chàm…”. Trở về để xốc lại hành trang cho hành trình ra đi, nạp năng lượng cho những cuộc khai phá mới. Anh đã biến những tháng năm khốn khó làm một cuộc dạo chơi ý nghĩa, cuộc dạo chơi cho những trải nghiệm, để rồi hiểu hơn những nấc tầng văn hóa cha ông. Anh từng viết: “Văn hóa Chăm là văn hóa đùa vui/ Chịu chơi cả trong đau khổ”. Bằng vốn sống và tri thức, Inrasara cố lý giải về mười bảy thế kỷ tồn tại và sáng tạo, người Chăm đã để lại cho đời bao nhiêu lớp vữa trầm tích phong nhiêu…

Vui hội Katê.

* * *

Đứng giữa đất trời Bàu Trúc, ngắm đôi bàn tay quen nghề luyện gốm của cô bạn Đàng Sinh Khả Ái dâng cao cung kính trước điện thờ ông Tổ nghề Pô K’long Chank, tôi như thấy hiện thân hình ngọn tháp. Ngọn tháp lại hiện thân một hải đăng nhắc nhở về ký ức văn hóa khơi xa. “Chăm là một dân tộc sẵn máu phiêu lưu”, nhà thơ Inrasara từng khái quát cùng tôi như thế. Nghe anh nói, dù đang bước chân hướng núi mà tôi lại ngoái về phía biển, tìm một điều gì đó trên sóng bạc xa xôi. Phải chăng là bóng dáng những chiếc thuyền Chăm thấp thoáng ngoài xa, những bóng thuyền đã lùi về ký ức. Chăm xa biển, xa một nền thương mại vượt đại dương, nhưng tư liệu hải sử cổ xưa vẫn lưu đó đây và ngấm vào huyết quản. Để bây giờ, thói quen lữ hành của người Chăm vẫn tồn lưu trong máu. Tôi cảm nhận điều đó từ hình ảnh những người Chăm tôi từng gặp trên hành trình du mục với đàn cừu khắp thảo nguyên mênh mang; những người Chăm mang túi thuốc cổ truyền, gánh đồ gốm và thổ cẩm lang thang khắp chốn phố, ngõ quê làm kế mưu sinh và thỏa chí tiêu dao.