Nhà thơ Hữu Việt (HV): Hài hước là câu chuyện không dễ, thậm chí rất khó với nhiều người viết, vậy mà ông lại khăng khăng “nhà văn thì phải biết đùa”, cũng là tên một cuốn sách của ông...
Nhà văn Trung Trung Đỉnh (TTĐ): Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn từng nói ở đâu đó, rằng văn học Việt Nam lâu nay thiếu vắng tiếng cười. Tôi thấy, từ khi chúng ta vận dụng một cách máy móc phương pháp lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa vào sáng tác, thì văn học của chúng ta rất thiếu chất khôi hài, mà lại nổi lên chất cán bộ, tức là viết văn nghiêm túc quá, nghiêm trọng hóa việc viết văn. Vì thế sau này tuy có những người văn rất hay, nhưng lại không biết đùa. Mà không riêng việc viết văn đâu, làm cái gì ra vẻ nghiêm trọng quá cũng hỏng. Thời trước, ông Vũ Trọng Phụng là người có chất uy-mua (hài hước) rất mạnh, nên văn chương của ông nó khác. Nam Cao cũng vậy. Tóm lại, các nhà văn lớn đều có chất uy-mua, nhất là các nhà văn đoạt giải Nobel. Cá nhân tôi đánh giá rất cao Vũ Trọng Phụng và Nam Cao, vì uy-mua của các ông rất Việt Nam.
HV: Có nhiều kiểu đùa. Đùa thông minh, tinh tế, trí tuệ, nhưng cũng có đùa dai, đùa nhả, đùa vô duyên. Theo ông thì “nhà văn phải biết đùa” thế nào cho ra nhà văn?
TTĐ: Tùy theo tố chất của từng người. Nếu không có tố chất ấy mà cố đùa thì thành vô duyên. “Đùa” là một năng khiếu, ta ý thức về nó để tìm ra cách viết phù hợp chứ không rèn luyện được đâu.
HV: Được biết tới là người viết văn xuôi, nhưng có lần ông nói, trong ngăn kéo còn cất mấy tập trường ca, vài trăm bài thơ chưa công bố. Đây là ông nói thật hay... đùa?
TTĐ: Cái này thì tôi nói thật. Hồi trẻ tôi viết thơ nhiều lắm. Ở chiến trường, ngày đi đánh nhau, đêm về chui vào võng, soi đèn pin làm thơ. Bây giờ đọc lại thấy buồn cười, nhưng chí ít nó đã tạo cho mình một không gian để được sống. Trong tất cả số thơ thẩn đó, tôi chỉ chọn được hai cái trường ca viết về người anh hùng thiếu nhi ở Tây Nguyên và cao nguyên đá Hà Giang để in ra thôi.
HV: Ông là người viết được nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, chân dung nhân vật, kịch bản điện ảnh, truyền hình, thơ... Nhà văn chỉ thạo hai, ba thể loại đã là nhiều, còn ông thì có vẻ như cái gì cũng viết được?
TTĐ: Ngay từ đầu, tôi đã xác định, thể loại hay đề tài không quan trọng bằng phương pháp viết. Với tôi, viết văn không phải là một nghề, nó phải là cái gì đó cao hơn nghề nghiệp. Nhà văn phải là cái anh lọc lõi, phải tìm hiểu sâu và đi vào mọi ngõ ngách, lĩnh vực của mình. Để làm được điều đó, thì tự học là quan trọng nhất.
HV: Ông đã tự học thế nào?
TTĐ: Mỗi người có điều kiện sống, điều kiện học riêng. Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, tỉnh đội Gia Lai và Kon Tum sáp nhập, tôi được nhận một món tiền chia kha khá, đem chung với anh bạn mua cái nhà gỗ ngay giữa thị xã Pleiku, còn lại bao nhiêu mua sách hết. Hồi ấy ta đang có phong trào quét sạch văn hóa phẩm đồi trụy của chế độ cũ, tôi lại chơi thân với ông Phó giám đốc Sở Văn hóa nên được đi theo họ tham gia tịch thu sách. Cứ mỗi đầu sách, tôi tha riêng một ít về nhà. Từ các bộ kinh Cựu ước, Tân ước; triết học Kant, Nietzsche đến tiểu thuyết, tạp chí văn chương; đặc biệt là rất nhiều sách dịch các tác giả đoạt Nobel văn học trước năm 1975. Đang còn trẻ nên tôi hăng lắm, say sưa đọc tất cả, đọc mờ cả mắt. Tôi cứ lấy Nobel làm gốc, càng đọc càng vỡ ra nhiều điều, dù hồi ấy chưa biết đánh giá hay dở thế nào.
HV: Rồi năm 1979, ông ra học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I với những cây bút cự phách thời bấy giờ?
TTĐ: Đúng thế. Học ở Trường Viết văn Nguyễn Du với người khác thế nào tôi không biết, nhưng với tôi thì “được” rất nhiều. Nếu không vào đấy thì những kiến thức mình học trước đó đã chẳng thể nào tiêu hóa được. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, tôi và Thái Bá Lợi thường mò đến nhà các ông Hoàng Cầm, Kim Lân, Tô Hoài, Thái Bá Vân, Từ Chi... hóng chuyện. Đó cũng là một cách học. Cụ Từ Chi là nhà dân tộc học số một Việt Nam; văn hóa Tây Nguyên tôi học chủ yếu qua cụ.
HV: Từ khi bắt đầu cầm bút, ông đã xác định toàn bộ sáng tác của mình là hư cấu, hư cấu 100%, dù trên nền hiện thực như thế nào.
TTĐ: Theo tôi quan niệm, văn học dứt khoát phải là sản phẩm của tưởng tượng. Sức tưởng tượng là quan trọng nhất trong sáng tác. Người viết mà thiếu đi phần ấy thì chưa phải là nhà văn. Truyện ngắn đầu tiên tôi viết trước năm 1975, lúc còn ở trên rừng. Truyện kể về mấy anh lính mới, được xung vào đơn vị toàn người dân tộc. Đơn vị tôi phục kích từ đường 19 tới thị xã An Khê, đánh xe tăng vào tiếp tế cho các đồn trong thị xã. Một đứa đưa ra sáng kiến mang súng trèo lên cây phục bắn xe tăng. Tôi nghe theo, vác súng trèo lên cây khoọc, nhưng bên trên trống trải, không có chỗ nấp nên lại phải tụt xuống. Nhưng trong chuyện tôi lại viết anh lính ngồi trên ngọn cây bắn cháy xe tăng địch. Viết xong tôi gửi hú họa về Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng (Trung Trung Bộ). Nhà văn Nguyễn Chí Trung, thư ký tòa soạn đọc xong, sướng quá reo lên, đây là thành tích đặc biệt, phải đề nghị tỉnh khen thưởng. Tỉnh đội cử cán bộ tuyên huấn xuống tìm hiểu. Cậu tuyên huấn bảo, chuyện này chúng tôi đã xác minh rồi, làm gì có thật, anh bịa ra thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đấy... Người viết truyện thì phải được quyền hư cấu chứ, trách nhiệm quái gì.
HV: Viết truyện thì được hư cấu đã đành, thế còn khi viết chân dung nhân vật, ông hư cấu thế nào? Bởi họ là những người cụ thể bằng xương bằng thịt, hiện hữu hằng ngày...
TTĐ: Nhà văn viết chân dung cũng như họa sĩ vẽ. Cùng một người, nhưng họa sĩ có thể chọn cách vẽ bằng các chất liệu khác nhau. Thí dụ chân dung Trung Trung Đỉnh trên sơn dầu chắc chắn sẽ khác trên sơn mài hay khi vẽ bằng bút sắt. Nhà văn hay họa sĩ phải sáng tác bằng chất liệu của riêng bản thân anh, bằng quan niệm nghệ thuật của anh, thổi hồn mình vào đó thì mới dựng được ra chân dung nhân vật.
HV: Đùa, hư cấu, thổi hồn... khi viết chân dung, những yếu tố sáng tác bao trùm lên một nhân vật cụ thể. Đã bao giờ ông làm mếch lòng họ chưa? Ông có ân hận không? Có định thay đổi cách viết không?
TTĐ: Nhiều khi cũng bị mất lòng đấy, nhưng anh thử nghĩ xem, cuộc đời làm sao mọi thứ đều hoàn hảo được! Nếu viết theo kiểu chụp ảnh hoặc vẽ truyền thần thì dễ thôi, nhưng đây là chân dung văn học cơ mà! Với lại, cách viết của mình đã định hình rồi, có muốn thay đổi cũng chẳng được. Thường thì viết chân dung ai xong, tôi đều đưa cho nhân vật ấy xem, chỉ riêng có ông Nguyễn Khải là tôi không dám. Tôi đem đọc cho ông Nguyễn Minh Châu nghe. Nghe xong, ông Châu trợn mắt, nói: Cái thằng này, oắt con! Ý ông khen, nhưng mắng tôi “xược”. Một nhà văn bậc thầy khác nghe tôi đọc xong cũng bảo: Mày viết đúng thì đúng thật, nhưng không phải. Tôi về nằm vắt tay lên trán nghĩ một đêm. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Khải vĩ đại như thế mà tôi lại viết rằng: tuy giọng điệu sáng tác của Nguyễn Khải rất ảnh hưởng đến văn học đương thời, nhưng đó là văn thông tấn. Sau này có người viết về Nguyễn Khải đã dùng lại cái ý ấy, thực ra là tôi đã nói cho anh nghe. Tôi thấy mình có lỗi với ông nên quyết định đốt bản thảo đi. Ngày xưa bản thảo viết tay chứ đã làm gì có vi tính vi teo như bây giờ, nên đốt là hết. Quyết định thế, nhưng tôi cũng tiếc một thời gian dài, vì thấy nó hay, không thể viết lại được nữa. Giá như giữ đến bây giờ, sửa chữa đi thì vẫn in được...
HV: Chốt lại, với người làm nghề văn, theo ông điều gì là quan trọng nhất?
TTĐ: Nhân cách. Và tính nhân bản.