Thơ ĐẶNG BÁ TIẾN

|

Đặng Bá Tiến, sinh năm 1952, quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; vốn làm nghề giáo trước khi cuộc đời run rủi anh đến với nghề báo rồi lên định cư ở Tây Nguyên. Thơ của anh giàu chất thế sự, mang nỗi trầm buồn vạm vỡ của vùng ba-dan đất đỏ mà anh chọn làm quê hương thứ hai và chắc sẽ chẳng bao giờ chịu rời xa nữa. Người thơ này hẳn phải hiểu đất Tây Nguyên, người Tây Nguyên đến từng ngóc ngách, xương tủy thì “trái tim khắc khoải nỗi thương rừng” của anh mới “gào gọi tên sông nước mắt ròng ròng” một cách phẫn nộ và xa xót trong nỗi hoài niệm những giá trị đã từng tồn tại và biến mất trước tác động của cuộc sống hiện đại. Khi viết về rừng, dù rừng Tây Nguyên hay Tây Bắc, thơ Đặ

Đặng Bá Tiến là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Đác Lắc.

Nhà thơ Hữu Việt chọn và giới thiệu

Tản mạn Tây Bắc

Núi giăng thành như lưỡi cưa

xẻ đất trời thành Tây Bắc

chưa đến đây ký ức đã nằm lòng

đã thấy Tô Hoài đứng cười phía trước

đã thấy Nguyễn Huy Thiệp chênh vênh trên đỉnh dốc

thả xuống đồng bằng những Hua Tát, Phiềng Sa…

và ta đã khát khao ánh mắt đêm xòe

đã say men nụ cười cô gái Thái…

Tây Bắc chiều nay bạn đợi

ta ngược Mộc Châu như ngược lên trời

cỏ và mây bạn bầu quấn quýt

ta với Chị Hằng cùng được kề môi

ly rượu nếp nương em rót tựa sương trời

rót từ ánh mắt nhìn rót từ làn da trắng

rót từ ngón tay thon từ trái tim ấm nóng

chảy vòng qua vai

chảy vào trái tim mình

ta chưa uống rượu nào ngon đến thế

em Thái ơi

ta say đến suốt đời!

Dẫu đầu thu hoa ban chưa nụ

đêm Điện Biên hoa vẫn trắng trời

có chùm ban từ cơn mưa ký ức

có nụ ban em nở tặng riêng người…

Lên Tây Bắc ta thành ngơ ngác

mải nhìn theo búi tóc cao ngồng

mải nhìn gánh toòng teeng người xuống chợ

hương quế hương hồi thoảng theo gót chân thon…

Và ta biết Mường Thanh nhiều khát vọng

nên mướt xanh trên hoen rỉ một thời

nên lúa chín vàng bên hầm Đờ-cát

phố cao tầng đã mọc chỗ bom rơi…

Và ta biết chỉ một lần Tây Bắc

trái tim ta sẽ mãi nhắc nơi này

bởi ta nợ nụ ban thu khoe sắc

nợ đầm đìa ánh mắt Mường Lay…

Tiếng tù và Ma-Kông

Ma-Kông ngồi bóp gối đầu sàn

bóp vạn dặm đời trong hai ống xương đang khô tủy

qua vạn dặm đại ngàn suối sông đất mẹ

giờ hai ống xương rên rỉ đêm ngày

Và khi buồn ông ngả nghiêng say

trong tiếng tù và của chính mình trầm bổng

lời âm… âm… u… u…

bay vào mịt mù thăm thẳm kết tủa hoàng hôn

đọng giọt giữa lòng người Người Bản Đôn

đã thấm mỗi chiều rơi những nỗi niềm lênh đênh chìm nổi

trong tiếng tù và phải đâu từ buồng phổi

mà từ trái tim khắc khoải nỗi thương rừng

Còn đâu những tháng ba trời đất thơm lừng

trăm thứ hoa rừng đua nhau khoe sắc

ong đập đánh cho ngợp trời phấn rắc

mật ngọt như mưa dưới tán biếc ròng ròng

Còn đâu điệu múa xòe của những bầy công

cánh rừng bên sông chỉ còn đất trống

lau phơ phất một màu tang trắng

hồn cẩm, hương… cũng hết gốc nương nhờ

Nơi đàn voi quần tụ dưới trăng mơ

giờ những đống xương khô tàn lạnh

mùa săn voi chỉ còn ảo ảnh

trong hoài niệm hằng đêm lại vỗ cánh bay về

Biết ngỏ cùng ai ai thấu nỗi tái tê

ông bà dưới đất sâu còn nghe ta nói

thần linh ngự trên cao có nhìn xuống dưới

có biết rừng, biết suối…

biết lòng ta…?

Ghi trong vườn

Ngọn cây nào cũng khao khát vươn cao

để chiếm lĩnh trời xanh và ánh sáng

trúc vươn lên bằng thân mình mọc thẳng

dây bí, dây bìm phải tìm trụ mà leo…

Có thứ cây chăm tưới vẫn uột èo

có cây dại lại bời bời xanh tốt

có thứ quả ngỡ là ngọt xớt

nhưng chạm môi là trúng độc chết người

Con bướm vàng như đóa nắng ngược xuôi

ngỡ bướm siêng năng, ai dè lười biếng

chú ong nâu rúc đầu trong hoa tím

tưởng ngủ vùi, đâu biết nó say mê…

Chạm mầm non mà đau buốt tái tê

ai ngờ róm cũng xanh màu của lá

nhưng bạn hỡi nắm bạc hà, diếp cá

sẽ đẩy lui cơn sốt rung giường

Trong vườn chiều thấy bao chuyện buồn thương

đôi bướm đang yêu bỗng sa vào bẫy nhện

con chuồn đỏ làm mồi cho kiến

ai bước vô tình dẫm nát một đời hoa

Trong vườn chiều ta bỗng thấy Mẹ ta

từ thiên cổ hiện về trách móc

sao các con để vườn đầy cỏ mọc

để róm để cây trái độc chen vào?

Mẹ trách ta ta chỉ biết nghẹn ngào…

Minh họa trang thơ: PHẠM AN HẢI