Nơi đồng tiền nhảy múa

|

NDO - Thị trường chuyển nhượng châu Âu đã đi vào giai đoạn nóng nhất, với những thương vụ gây chấn động khủng khiếp. Và ở đó, những câu chuyện về đồng tiền trở thành chủ đề bàn tán. Những cú chuyển khoản khổng lồ, những số phận hẩm hiu và cả những tai ương chờ đợi, đó là thị trường chuyển nhượng.

1. Để có được một bản hợp đồng chuyển nhượng là điều không hề đơn giản, thậm chí nó phức tạp đến... lạ lùng! Thông thường, một thương vụ mua bán cầu thủ sẽ phải trải qua 6 bước gần như bắt buộc: 1-Xác định đối tượng; 2-Tung thông tin, truyền thông và tiếp cận đối tượng; 3-Đàm phán, thương lượng; 4-Kiểm tra y tế; 5-Hoàn tất giấy tờ, thủ tục; 6-Công bố, giới thiệu.

Trong những bước đi ấy, bước đầu tiên là phức tạp và khó khăn nhất. Bộ phận chuyển nhượng của một CLB phải thu thập danh sách các đối tượng trước ít nhất 6 tháng. Thường họ sẽ có khoảng trên 1.000 ứng viên, sau đó sàng lọc dựa vào hàng chục tập hồ sơ dữ liệu, phân tích. Mỗi cầu thủ trong nhóm này sẽ có khoảng 5 đến 10 tập hồ sơ dữ liệu, đánh giá. Sau khi sàng lọc và trước khi đi đến quyết định tiếp cận ai (tức là bước thứ 2), họ sẽ thu thập thêm dữ liệu và mỗi cầu thủ vào “chung kết” sẽ phải có khoảng gần 100 hồ sơ dữ liệu để có cái nhìn tổng thể, đặc biệt là với các cầu thủ trẻ, chưa có tên tuổi.

Sự phức tạp với khối lượng công việc, dữ liệu khổng lồ như vậy đã khiến một cuộc chuyển nhượng không thể diễn ra kiểu... vui thì mua, ngoại trừ những tin đồn thất thiệt để hâm nóng câu chuyện. Thế nên, những chuyện quái gở kiểu Chelsea gửi hồ sơ hoàn tất thủ tục bán H.Ziyech sang PSG tới 3 lần vẫn sai khiến thương vụ đổ bể là điều hy hữu và rất... khó tin. Thậm chí cầu thủ này đã sang Paris chuẩn bị kiểm tra y tế.

Hay chuyện năm 2015, thủ môn De Gea hụt sang Real Madrid cũng là câu chuyện khó hiểu. Khi đó, mọi thỏa thuận đưa De Gea từ Man Utd sang Real đã xong, thậm chí thủ thành số 1 của Real lúc ấy là K.Navas cũng đã ra sân bay về nhà chờ chuyển nhượng sang CLB khác. Nhưng đột nhiên, Navas bị gọi trở lại Real, thương vụ De Gea đổ bể vì chiếc máy fax của Man Utd... bị hỏng. Và sau đó, ai cũng biết De Gea là người hùng của Man Utd cho đến tận bây giờ, còn K.Navas thì vẫn là ngôi sao của Real.

2. Nhưng bóng đá không đơn giản là những câu chuyện hài hước. Thị trường chuyển nhượng có nhiều thứ bất ngờ khó hiểu. Một CLB giờ có thể không cần quá mạnh để trở nên giàu có, không cần danh hiệu lớn để vĩ đại. Dortmund thu về khoảng trên 800 triệu euro trong 8 năm qua từ tiền bán cầu thủ và mới đây nhất, họ thu 105 triệu euro từ vụ bán Jude Bellingham cho Real Madrid dù không thể vô địch Bundesliga chứ chưa nói đến Champions League. Cả chục năm qua, Dortmund chỉ loanh quanh có vài cái cúp Quốc gia thôi, nhưng họ vẫn chơi mọi giải đấu lớn nhất và thu rất nhiều tiền.

RB Leipzig hiện cũng vậy. Mùa hè năm nay họ có thể sẽ lập kỷ lục tại Đức khi bán cầu thủ. RB Leipzig đã kiếm gần 150 triệu euro tiền bán 3 gương mặt: Nkunku (sang Chelsea), Szoboszlai (sang Liverpool) và thủ môn trẻ Josep Martinez (sang Genoa). Và nếu vụ bán trung vệ Gvardiol sang Man City thành công với giá 100 triệu euro, họ sẽ có khoảng 250 triệu euro, một con số khủng khiếp.

Trong lịch sử bóng đá, mới chỉ có 2 CLB kiếm được hơn 250 triệu euro trong một mùa chuyển nhượng mùa hè. Đó là Monaco năm 2018 với 365,4 triệu euro, trong đó vụ bán Mbappe đã chiếm tới 180 triệu euro. Tiếp đó là Atletico Madrid vào năm 2019. Họ thu 315,8 triệu euro, nổi bật là 2 thương vụ bán Griezmann cho Barca (120 triệu euro) và Lucas Hernandez cho Bayern (80 triệu euro).

Với sự bùng nổ như hiện tại, giá cầu thủ hứa hẹn sẽ tăng phi mã trong thời gian tới. Hệ thống tài chính của các CLB châu Âu sẽ phải có sự cải tổ, hoặc sẽ phình ra như bong bóng. Đó là chưa kể, thế giới Ả Rập đã nhúng tay vào châu Âu ngày càng sâu và có được tiếng nói quyết định. Hàng loạt cầu thủ lớn rời châu Âu, hàng loạt CLB lớn được đầu tư và sẵn sàng bùng nổ trong thời gian tới.

Những CLB thuộc sở hữu từ thế giới Ả Rập như Man City, PSG hay mới nhất là Newcastle, hoặc có thể trong thời gian sắp tới như Man Utd sẽ tung ra số tiền mà không ai tưởng tượng được. Chỉ cần họ lách được luật, như Chelsea chẳng hạn, khi mua cầu thủ với thời hạn lên tới gần chục năm. Khi đó, số tiền chuyển nhượng cực lớn được chia nhỏ theo từng năm. Đây là phương án hữu hiệu, sau chiêu bài mà PSG từng áp dụng: mượn trước và mua sau, trả tiền sau. UEFA đã lên tiếng cấm những bản hợp đồng trên 5 năm và sẽ lại có sự thay đổi về luật, bởi nếu không, chuyển nhượng châu Âu sẽ thật sự rơi vào thảm họa.

Gundogan về Barca với bản hợp đồng kỳ lạ.

3. Điều đó không chỉ là nguy cơ, bởi những CLB lớn không cẩn thận sẽ rơi vào bi kịch, chỉ là sớm hay muộn. Như Barca, mua cầu thủ vô tội vạ giờ không bán nổi ai, thanh lý không ai mua, quỹ lương vỡ, số cầu thủ quá nhiều không thể đăng ký thêm và những cầu thủ mới vẫn đổ về, cho dù đó là những cầu thủ miễn phí.

Trước tình cảnh đó, Barca - điểm đến mơ ước của bất kỳ ngôi sao nào giờ là mảnh đất kém hấp dẫn. Messi từ chối trở lại. Nhiều cầu thủ không muốn về. Thậm chí có người mới đến như Lewandowski, mới sau 1 năm đã chán nản tỏ vẻ muốn ra đi. Và quan trọng nhất, vị thế của Barca bị ảnh hưởng. Như vụ họ mang về Gundogan từ Man City. Không mất phí, nhưng Barca buộc phải ký bản hợp đồng mà họ chưa từng phải làm: chấp nhận để Gundogan ra đi bất kỳ lúc nào và không nhận được dù chỉ một đồng chuyển nhượng. Đồng thời nếu việc đăng ký thi đấu hoặc có vấn đề gì khiến Gundogan phải rời đi, Barca vẫn buộc phải trả nguyên 1 năm lương kế tiếp - khoản tiền khoảng 9 triệu euro.

Có thể thấy thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở châu Âu vô cùng hào nhoáng, cực kỳ đắt đỏ và vô cùng hấp dẫn. Nhưng thực tế đó cũng là một chiến địa kinh tế mà ở đó không phải ai cũng là người thắng.