Thắp lên ngọn lửa nghị lực

|

Đoàn Thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam đã khép lại hành trình đáng nhớ tại Paralympic Paris 2024 với tấm huy chương duy nhất của lực sĩ Lê Văn Công. Những nỗ lực tập luyện và thi đấu của các VĐV đã thắp lên ngọn lửa của nghị lực và ý chí phi thường để chiến thắng số phận.

Paralympic Sydney 2000 là lần đầu tiên TTNKT Việt Nam tham dự với 2 VĐV và không giành được huy chương nào. Ở ba kỳ Paralympic sau đó tại Hy Lạp, Bắc Kinh và London, số lượng các VĐV đã tăng dần (4, 9 và 11). Đến với đấu trường thể thao lớn nhất thế giới dành cho Người khuyết tật lần này đoàn Việt Nam có 7 tuyển thủ góp mặt gồm: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ); Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh).

Dù đã bước sang tuổi 40, nhưng lực sĩ Lê Văn Công vẫn là người đem lại niềm vui cho thể thao nước nhà. Tấm HCĐ hạng 49 kg anh giành được không chỉ giúp đoàn Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu, mà còn giúp anh sưu tập đủ bộ huy chương Thế vận hội, lập kỳ tích 3 lần liên tiếp giành huy chương ở đấu trường Paralympic. Tại Rio 2016, Văn Công có được phong độ đỉnh cao nhất khi giành HCV, phá kỷ lục Paralympic với mức tạ 183 kg mà đến nay vẫn chưa ai vượt qua được. Đến Tokyo 2020 anh giành được HCB và ở Paris 2024, dù gánh nặng tuổi tác cùng chấn thương dai dẳng nhưng anh vẫn đem về tấm huy chương quý giá.

Ngay trên đất Pháp, lực sĩ Lê Văn Công bày tỏ niềm xúc động trước báo giới khi đã vượt qua được chính mình, mang lại thành tích cho bản thân và cho đoàn Việt Nam... Anh cũng cho biết sau kỳ thế vận hội này, sẽ cố gắng điều trị dứt điểm chấn thương ở vai và tập luyện để có thể cải thiện được thành tích thi đấu và hy vọng một lần nữa bước lên bục để nhận huy chương.

Lực sĩ Lê Văn Công mong muốn chữa trị dứt điểm chấn thương để tiếp tục thi đấu. (Ảnh: FBNV)

Thế nhưng, vấn đề chấn thương hay tuổi tác không chỉ là của riêng Lê Văn Công. Có một thực tế là lực lượng VĐV người khuyết tật có chuyên môn tốt của Việt Nam ngày càng già đi và giảm sút vì không có thêm nhân tố mới. Lý giải về điều này, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn TTNKT Việt Nam dự Paralympic Paris 2024 Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Xuất phát từ thực tế là người khuyết tật tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn nhất định trong việc tham gia vào thể thao. Ở đây, cần hiểu rõ, việc tập luyện theo phong trào, nâng cao sức khỏe với người khuyết tật có thể không ít về số lượng nhưng để trở thành VĐV đi thi đấu và giành thành tích là cả vấn đề vì bản thân người khuyết tật hầu hết đều yếu thế, cuộc sống còn nhiều khó khăn”.

“Hiện nay theo quy định, mỗi tuyển thủ TTNKT quốc gia nhận tiền công tập luyện 270.000 đồng/ngày (tương đương 7.020.000 đồng/tháng), chế độ tiền ăn là 320.000 đồng/người/ngày và sẽ tăng lên tùy mức độ khi chuẩn bị cho các sự kiện thể thao quốc tế lớn. Các chế độ khác cũng tương tự như là VĐV đội tuyển quốc gia thể thao thành tích cao”, ông Minh cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, sự đầu tư cho thể thao thành tích cao hay TTNKT còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia và Việt Nam nói chung còn nhiều khó khăn. Với TTNKT Việt Nam, chúng ta chăm lo cho VĐV theo điều kiện thực tiễn và ngoài sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, rất cần tới sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống, nâng cao thành tích và giúp đỡ các VĐV có cuộc sống tốt hơn.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Lễ Khai mạc Paralympic 2024. (Ảnh: Nguyễn Nguyên)

Thể thao luôn có sức lan tỏa rất lớn và lần đầu tiên Paris tổ chức Paralympic nhưng đã rất thành công với những khoảnh khắc mang tính biểu tượng. Đó là cung thủ người Anh Jodie Grinham trở thành VĐV đầu tiên giành huy chương Paralympic khi đang mang thai, võ sĩ taekwondo Zakia Khudadadi giành huy chương đầu tiên cho đội Paralympic người tị nạn, “cung thủ không tay” Matt Stutzman của Mỹ đã giành HCV sau 12 năm...

Với những người bình thường, để trở thành VĐV chuyên nghiệp đã là một quá trình đầy thử thách và chông gai. Với người khuyết tật, những khó khăn ấy lại càng gấp bội. Nếu không có nghị lực phi thường họ sẽ không thể vượt qua nghịch cảnh để theo đuổi đam mê thể thao.

Những khuôn mặt rạng ngời, những nụ cười hay cả khoảng lặng khi thi đấu của họ dường như xóa nhòa đi hết những nhọc nhằn. Với họ được thi đấu và cống hiến hết mình không chỉ để đem vinh quang về cho nước nhà, những danh hiệu hay tấm huy chương còn là cách để họ khẳng định giá trị của bản thân. Từ đó, truyền cảm hứng mạnh mẽ và tiếp thêm ngọn lửa ý chí để những người khiếm khuyết kém may mắn có thể vượt qua mặc cảm, tự tin, vững vàng trong cuộc đời.