Hành lang pháp lý đủ mạnh
Luật SHTT Việt Nam ban hành năm 2005, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, trải qua các lần sửa đổi bổ sung đã tạo nền móng pháp lý vững chắc cho những hiệp định kinh tế từ song phương đến đa phương được ký kết. Từ văn bản pháp lý đầu tiên được ban hành là Pháp lệnh sở hữu công nghiệp vào năm 1989 cho đến Bộ luật Dân sự năm 1995, khi khái niệm về SHTT chính thức trở thành một chế định lớn của Luật Dân sự, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực SHTT của Việt Nam cũng phát triển một cách mạnh mẽ. Văn bản pháp luật chuyên ngành là cơ sở pháp lý đầu tiên để Việt Nam tham gia các hiệp ước quốc tế như hiệp ước về sáng chế (PCT) năm 1993, Hiệp định khung về hợp tác SHTT giữa các nước ASEAN năm 1995, hiệp định về SHTT và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ năm 1999, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000. Tuy nhiên, song song với đó, các điều ước quốc tế này cũng đòi hỏi Việt Nam phải nội luật hóa các cam kết một cách mạnh mẽ để bảo đảm những nguyên tắc bảo hộ chung, hữu hiệu được áp dụng như nhau giữa các bên tham gia điều ước. Điều đó là tất yếu, đồng thời cũng là thách thức vô cùng lớn đối với một nước kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam gần như đã tham gia đầy đủ các điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như Công ước Stockholm về việc thành lập Tổ chức SHTT thế giới, Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng, Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép trái phép, Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp... Việc nội luật hóa các điều ước quốc tế này về cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên, thực thi như thế nào để phát huy hiệu quả còn là một vấn đề lớn cần sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của từng doanh nghiệp và chung tay vào cuộc rốt ráo của các ngành, các cấp nhằm thay đổi nhận thức của người dân.
Chưa có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi quyền SHTT
Trên thực tế, thực thi quyền SHTT được thực hiện bằng biện pháp hình sự, dân sự, hành chính tùy theo tính chất của vụ việc, trong đó, biện pháp hành chính thường được lựa chọn áp dụng. Mặc dù không mang lại sự đền bù thỏa đáng cho chủ thể quyền như biện pháp dân sự hay trừng phạt thích đáng đối tượng vi phạm như biện pháp hình sự nhưng biện pháp hành chính được xem như là một biện pháp mang tính răn đe kịp thời, thủ tục giải quyết đơn giản và nhanh hơn các biện pháp dân sự và hình sự. Điều đó không có nghĩa rằng khi phát sinh vụ việc vi phạm, chủ thể quyền có thể thuận lợi tìm ngay đến một cơ quan đầu mối để yêu cầu được bảo vệ, trong thực tế, việc thực hiện các biện pháp hành chính cũng còn nhiều nhiêu khê, khó khăn do liên quan đến nhiều cơ quan hữu quan như thanh tra chuyên ngành, hải quan, quản lý thị trường, công an... Về mặt pháp luật, các cơ quan này thực thi quyền lực nhà nước ở những lĩnh vực khác nhau và thực hiện các biện pháp kiểm soát tại các khâu trong chuỗi lưu thông hàng hóa nhưng không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối để giải quyết khi gặp sự cố, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, diễn ra ở quy mô nhiều tỉnh, thành.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, nhận thức của các cá nhân, tổ chức về luật SHTT nói chung và chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT cũng được nâng cao. Điều này cũng có nghĩa các hành vi xâm phạm quyền diễn ra tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn hơn. Trò chuyện về vấn đề này, một doanh nghiệp sản xuất thiết bị vệ sinh hàng đầu tại Việt Nam cho rằng việc xử lý đối tượng nhập khẩu, sản xuất hàng giả, hàng nhái trên thị trường gần như đi vào bế tắc. Hàng giả, hàng nhái được bán tại Việt Nam một số được nhập khẩu qua các con đường tiểu ngạch, một số được sản xuất ngay tại thị trường trong nước, với quy mô rất lớn. Tuy nhiên, bằng thủ đoạn nhập khẩu hoặc sản xuất hàng không nhãn mác, sau khi chào hàng và nhận đơn hàng từ các cửa hàng hoặc các nhà thầu, các đối tượng mới dán hoặc bắn nhãn lên sản phẩm theo đặt hàng. Bằng thủ đoạn đó, kể cả trường hợp xấu nhất, bị bắt giữ bởi cơ quan quản lý thị trường, giá trị lô hàng cũng rất nhỏ, khoản xử phạt vi phạm hành chính gần như không ăn nhằm gì khi so với khoản lợi nhuận mà việc buôn bán hàng giả mang lại. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn chia sản phẩm thành các linh phụ kiện rời, cất giữ ở các kho hàng khác nhau để trong tình huống xấu nhất, khi bị lực lượng thực thi truy quét và bắt giữ, việc định giá sản phẩm vi phạm cũng sẽ rất khó khăn và có cơ hội cho đối tượng chạy tội.
Cần thái độ quyết liệt của doanh nghiệp
Phát biểu bên lề một hội thảo về chống hàng giả, đại diện của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhãn hiệu bị xâm phạm đặt vấn đề, liệu có hay không trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi hàng giả, hàng nhái trên thị trường? Rõ ràng quyết định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài được đưa ra trên cơ sở các cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư trong đó có bảo hộ về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, sản phẩm do nhà đầu tư tốn rất nhiều công sức, tiền của để xây dựng, quảng bá thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, vậy mà tình trạng làm giả, làm nhái vẫn phổ biến, thậm chí diễn ra một cách ngang ngược, quyền lợi của nhà đầu tư bị xâm hại. Vậy trách nhiệm quản lý thị trường và cam kết bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan nhà nước đã được thực thi một cách nghiêm túc chưa? Trong thực tế, chưa có vụ việc nào nhà đầu tư hay chủ thể quyền có yêu cầu như vậy đối với cơ quan nhà nước, tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy là hàng giả, hàng nhái đã trở thành một vấn đề nổi cộm ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế nói chung, thị trường hàng hóa trong nước và uy tín quản lý.
Cũng liên quan đến vấn đề thực thi quyền SHTT, không thể không nhắc đến vấn nạn xâm phạm bản quyền phần mềm. Trên trang thông tin điện tử của mình, Liên minh phần mềm (tên viết tắt là “BSA”) đưa ra một thông điệp nhức nhối “Cứ 5 phần mềm ở Việt Nam, có 4 phần mềm không có bản quyền. Hãy cùng hành động để giải quyết vấn đề này”. Vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam phổ biến đến mức, với bất cứ phần mềm nào, chỉ cần gõ vài từ khóa đơn giản, sẽ hiện ra đầy đủ, chi tiết từng bước một cách cài đặt và bẻ khóa phần mềm đó với những hướng dẫn bằng hình ảnh mà gần như ai cũng có thể làm theo. Cứ như thế, người dùng mạng mặc dù có nghe đâu đó về vi phạm bản quyền vẫn cài đặt và sử dụng một cách hồn nhiên các phần mềm bẻ khóa, đôi khi có giá trị từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đô-la Mỹ và chỉ ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề khi chủ sở hữu phần mềm phát hiện ra và lên tiếng. Bộ luật Hình sự 2019 đã có quy định về tội xâm phạm bản quyền theo đó cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt lên tới 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ... Với pháp nhân, có thể bị phạt tiền lên đến 3 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm ngoài cá nhân còn có cả pháp nhân.
Có lẽ, hơn bao giờ hết, để tránh các rủi ro pháp lý có thể phát sinh bất ngờ, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần nhìn nhận, xem xét lại một cách nghiêm túc về việc nâng cao nhận thức cho người dân, người lao động về nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Điều này không chỉ giúp cho doanh nghiệp yên tâm hơn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh mà xa hơn nữa, còn góp phần thể hiện sự văn minh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Việt trong mắt các bạn bè, đối tác quốc tế.