Nóng nực này mà làm ly vang Sicily Chardonnay, hay Sauvignon Blanc của vùng thung lũng sông Loire, ướp lạnh, nhấm nháp món Gravlax - cá hồi muối kiểu Bắc Âu thì mềm môi biết mấy! Những lát cá muối lạng mỏng rượi, mầu hồng cam, óng ánh như có sắc lân tinh, bày vào đĩa sứ trắng muốt, hoặc xếp trên miếng bánh mì nướng giòn tan đã phết nhẹ một lớp bơ và chút mù-tạc Dijon, khẽ đặt nhánh thì là xinh xinh lên trên cùng, trông ngay ngắn đoan trang mà ngấm ngầm quyến rũ mời gọi. Cái dẻo mướt của thớ cá muối thơm mùi thì là, tiêu, thoảng hương rượu, hòa trộn với cái giòn rụm của bánh mì nướng, ngậy của bơ, hăng hăng của mù tạc vàng, làm ta bối rối giây lát, do dự trước khi hăm hở bước lên từng nấc thang dư vị ngọt ngào.
Tôi từng không thích cá hồi vì sợ mùi tanh cá sống. Nếu có cá hồi, tôi thường chế biến thành mấy món “an toàn” như ướp muối tiêu và cỏ xạ hương nướng mộc, quấn thịt ba chỉ xông khói bọc giấy bạc bỏ lò, hoặc áp chảo rưới sốt chanh leo. Rồi một ngày, tôi tò mò thử muối cá hồi. Chỉ sau khi e dè nếm lát cá thành phẩm đầu tiên, vị ngọt thơm tan trong miệng, tôi mới cảm nhận được sức hấp dẫn tươi rói của nó. Ăn miếng bánh mì giòn phủ lát cá mềm, nhấp ngụm vang thật lạnh, nhắm mắt lại, tôi thấy mình như đang ngồi dưới mái hiên của cái quán nhỏ bên bờ kênh Nyhavn ở Copenhagen. Trời mưa. Bữa xế sau cuộc lang thang suốt buổi sáng sang chiều, đói ngấu, chúng tôi gọi món Gravlax khai vị và một chai vang Chardonnay, nâng ly mừng hội ngộ. Những giọt mưa rơi lúc chậm rãi thầm thì, lúc cuống cuồng ồn ã. Bạn hỏi tôi: “Ngôn ngữ của mưa là gì?”. Tôi đáp ngay, không do dự: “Là tiếng những giọt mưa trò chuyện cùng nhau”.
Đó là lần đầu chúng tôi gặp lại sau năm năm. Năm năm đủ thay đổi cuộc đời chúng tôi, mỗi người rẽ sang một bước ngoặt; Được và mất, hạnh phúc và buồn phiền, chấp nhận và trả giá. Bạn cũng là một nhà thơ, nhà báo, người Thuỵ Điển, cùng tuổi tôi, cùng sinh tháng 11. Bạn thuộc mẫu đàn ông cổ điển, không dùng mạng xã hội, ít nói, thích viết thư tay, thích đọc sách cả ngày cả buổi. Bạn có một ngôi nhà gỗ nhỏ trong rừng, thỉnh thoảng đạp xe từ phố vào đó ngồi viết, đọc, tránh xa những thiết bị hiện đại và cuộc sống ồn ào. Chúng tôi gọi nhau là “Đứa con của Tháng Mười Một - Child of November” trong thiệp chúc mừng sinh nhật hằng năm. Chúng tôi có cuộc sống riêng với bao nông nỗi không phải lúc nào cũng chia sẻ được. Nhưng chúng tôi luôn nhớ đến nhau vào những dịp đặc biệt hoặc có sự kiện quan trọng xảy ra với mỗi người. Và vẫn giữ thói quen từ lúc mới làm bạn, đó là khi nói chuyện, viết thư hay gửi tin nhắn, chúng tôi thường cùng chơi một trò chơi nhỏ, người này đặt câu hỏi vu vơ, người kia trả lời và ngược lại. Câu hỏi của mỗi người, ngoài câu trả lời từ phía người kia, có đáp án của người ra câu hỏi. Những câu hỏi tưởng chừng hết sức lơ mơ bỗng nhận được câu trả lời bất ngờ, sâu sắc; Những câu hỏi nghe phức tạp lại có đáp án đơn giản, thậm chí ngô nghê, cốt để chọc cười.
Bạn và tôi là hai trong hơn một trăm nhà thơ được mời tham dự Liên hoan Thơ Quốc Tế Medellín, Colombia năm 2008. Chúng tôi có nhiều điểm chung, hợp chuyện, nên thật dễ kết bạn. Mười ngày ở Colombia, chúng tôi đọc thơ tại ba thành phố Medellín, Bogotá, Santa Fe de Antioquia, trước công chúng Nam Mỹ yêu thi ca cuồng nhiệt. Mang thơ đi qua một vùng văn hóa, chúng tôi được những trải nghiệm quý giá, và một tình bạn đẹp. Khi chia tay tại sân bay Bogotá, bạn mới tặng tôi tập thơ “Nếu mưa lúc em đến Istanbul” của bạn, viết bằng tiếng Thuỵ Điển. Bạn đã lẳng lặng dành thời gian rỗi dịch sang tiếng Anh cho tôi đọc. Nhận cuốn sách và bản dịch, tôi hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra, nếu mưa to bão lớn?”. Bạn trả lời: “Nhiều dấu vết sẽ bị xóa đi, nhưng cũng có những điều không gì xóa được”. Đáp án của tôi: “Mọi chuyến bay sẽ hoãn”. Bạn nói bâng quơ: “Ừ nhỉ, ước gì có bão!”.
Chuyến bay đưa tôi sang Paris chuẩn bị cất cánh thì trời bỗng đổ mưa sầm sập. Ngồi bên cửa sổ máy bay, tôi như trôi vào những vầng mây mờ mịt, nghĩ ngợi mông lung. Suốt chặng dài xuyên lục địa, tôi nghiền ngẫm bản tiếng Anh dịch vội, vẫn khúc triết, biểu cảm, được bạn viết vào quyển sổ nhỏ, nét chữ ngay ngắn, khoáng hoạt. Một truyện thơ bâng khuâng buồn. Chàng trai Bắc Âu đến Istanbul tìm người yêu, nhưng cô gái đã rẽ về nẻo khác. Thành phố phương Đông huyền bí xa lạ mà thân thuộc, mến thương, ấm áp, vì đâu đâu chàng cũng cảm thấy dấu vết nàng. Phía sau chuyện tình chất chứa những suy tư về cuộc đời, những vết khắc hằn sâu tận đáy tâm can qua ống kính vạn hoa của cảm xúc và tri thức khiến tôi hiểu bạn nhiều hơn. Thơ nối buộc tâm hồn chúng tôi, để giây phút ấy tôi tin rằng chúng tôi sẽ là bạn của nhau mãi mãi.
Biết tôi ghé Copenhagen thăm ông bà Nilsson, những người vẫn coi tôi như con gái, bạn rất vui. Bạn sống ở Malmo, thành phố miền nam Thụỵ Điển, sang Copenhagen chỉ mất bốn mươi mốt phút ngồi tàu, vượt cây cầu lớn bắc qua eo biển Oresund. Copenhagen giữ một phần tuổi thanh niên của bạn, nên bạn thông thuộc nó. Bạn gọi điện cho tôi, dặn: “Đợi mình lúc 9 giờ 10 phút trước cổng Trung tâm Nghệ thuật Tivoli, ngay cạnh ga nhé!”. Năm năm dằng dặc thu vào một chớp mắt khi tôi nhìn thấy bạn, vẫn cái dáng cao lớn lãng đãng ấy, áo sơ-mi trắng vải thô hơi nhàu buông ngoài quần suông mầu be, vai khoác ba-lô, tóc vàng loang loáng nắng, vội vã tách khỏi đám đông vừa ùa ra từ phía ga, sải bước về tôi. Như hai đứa trẻ, chúng tôi chạy ào tới ôm chầm lấy nhau, rối rít mừng. Câu đầu tiên, bạn hỏi: “Nếu bỏ quên gì đó trong một giấc mơ, làm sao tìm lại?”. Tôi trả lời: “Tìm ở một giấc mơ khác!”. Đáp án của bạn: “Tìm ở Copenhagen!”. Hai đứa cười vang, háo hức kéo nhau đi. Một Copenhagen riêng tư mà tôi chưa từng biết qua sách vở, bỗng hiển hiện vô cùng sống động, thân thuộc. Mỗi góc phố, con đường, bảo tàng, hiệu sách, quán cà-phê, đều ghi dấu kỷ niệm nào đó của bạn, và bạn đã hào phóng chia sẻ với tôi, để nó trở thành của chính tôi, từ hôm ấy.
Rượu vang Chardonnay vị thanh tao, vương vấn hương gỗ sồi dẫn dắt tôi làm quen với món Gravlax. Mưa rì rầm tham dự câu chuyện của chúng tôi, miên man không dứt chuyện thơ, chuyện đời, chuyện trên trời dưới biển… Bạn kể, Gravlax là món truyền thống của các nước Bắc Âu, nguyên bản từ Thuỵ Điển. Khoảng thế kỷ XIV, những ngư dân miền bắc Thuỵ Điển bảo quản cá hồi theo lối “gravad lax”, nghĩa là “vùi cá”. Miếng cá phi-lê được ướp các loại thảo mộc, gói trong vỏ cây bu-lô, vùi xuống đất, nơi có môi trường ẩm, lạnh, thiếu oxy, khiến cá lên men mà không bị hỏng. Theo những chuyên gia ẩm thực thì món Gravlax cổ xưa có mùi vị mạnh, gần giống pho-mát Camenbert, khác xa phiên bản được biết đến ngày nay. Theo thời gian, cách làm Gravlax dần thay đổi. Người ta không vùi cá xuống đất nữa mà ủ trong muối biển, đường, thì là cùng những gia vị khác, khiến nó thơm ngậy, dẻo quánh, mằn mặn mà vẫn giữ nguyên vị ngọt của cá tươi. Gravlax là món khai vị quen thuộc không chỉ tại Bắc Âu mà còn được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới. Mẹ bạn muối cá rất ngon. Bạn mong có dịp mời tôi món Gravlax chính tay mẹ làm. Tôi đã học công thức của mẹ bạn, đơn giản mà kết quả tuyệt vời. Miếng cá thơm, ngọt, ngậy, đậm đà, tình tứ đưa đẩy vị giác. Ngâm nửa cân phi-lê cá hồi nguyên da trong sữa tươi không đường để khử mùi tanh. Trộn hỗn hợp gồm nửa cân muối lẫn đường tỷ lệ đều nhau, thêm một thìa tiêu xay, một nắm thì là thái nhỏ. Sau khi ngâm ba mươi phút, lấy miếng cá ra thấm thật khô, phết rượu vodka lên mặt cá. Lót hai lớp nylon xuống dưới khay thuỷ tinh, đổ một nửa hỗn hợp đã trộn vào, dàn đều, đặt miếng cá phần có da vào trước, phủ nốt hỗn hợp kín mặt cá, xếp mấy lát chanh vàng và vài nhánh thì là trên cùng, rồi gói chặt lại. Tìm vật có mặt phẳng ép cá như ép bánh chưng. Ủ cá trong ngăn mát tủ lạnh, cứ mỗi mười hai tiếng lại trở mặt, nén kỹ, dầu cá tứa ra sanh sánh. Sau hai đến ba ngày, đổ dầu đi, “dỡ” cá. Miếng cá chuyển mầu hồng cam thẫm, rắn chắc, trong như ngọc mã não. Món Gravlax đã sẵn sàng khai vị, một khởi đầu hân hoan của cuộc phiêu lưu hứa hẹn những bất ngờ.
Mưa tạnh. Bầu trời ửng hồng, say mưa. Chúng tôi cạn ly rượu cuối. Bạn hỏi: “Có gì vừa kết thúc?”. Tôi trả lời: “Món Gravlax và rượu vang”. Đáp án của bạn: “Cơn mưa”. Mắt bạn cười, xanh thẳm. “Nhưng câu chuyện của những giọt mưa còn tiếp tục” - Bạn quả quyết nói. Hoàng hôn đổ tràn xuống dòng kênh Nyhavn sáng rực, in bóng dãy nhà sặc sỡ óng ánh sắc chiều. Những gợn nước dịu dàng lay khẽ bóng một giấc mơ. Bạn tiễn tôi đến bến bus rồi mới ra tàu về Malmo. Xe bus chạy xuôi phố Vesterbrogade sẽ tới nhà ông bà Nilsson ở Federiksberg. Tôi lên xe, chọn ngồi hàng ghế sau cùng. Ngoái nhìn qua ô kính, tôi thấy bạn đứng đó vẫy mãi, cho đến khi chỉ còn một vệt trắng mơ hồ. Mầu áo bạn hút xa hay ánh sao nào vừa vụt bay đi?