Thơ Thạch Quỳ

|

Nhà thơ Thạch Quỳ (tức Vương Đình Huấn, sinh năm 1941 tại Đô Lương, Nghệ An) đã có vị trí xác lập trong lòng bạn đọc bằng nhân cách thơ độc đáo của người xứ Nghệ. Ông tự đặt cho mình những yêu cầu nghệ thuật nghiêm ngặt, tới mức cực đoan như: cấm viết chữ người khác đã viết, cấm viết ý nghĩ người khác đã nghĩ... Bản thân ông viết nhiều thể loại thơ và ở thể loại nào cũng có thể gọi ra những câu thơ hay. Với riêng lục bát, ngôn ngữ thơ của ông nhuần nhuyễn, hiện đại, sáng tạo với nhiều thi ảnh đẹp bất ngờ, giản dị mà sâu sắc.

Lâu nay, người ta thường băn khoăn về cách “làm mới” thơ lục bát, bởi lục bát dễ làm nhưng khó hay. Mới đương nhiên là không được dễ dãi, lặp lại những gì đã có; viết về ngày hôm nay nhưng đọc lên vẫn thấy dằng dặc quá khứ, trập trùng tương lai, vang vọng tinh thần, hồn cốt quê hương, xứ sở.

Xin giới thiệu một chùm thơ lục bát của nhà thơ Thạch Quỳ.

Lời nghìn năm

Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Nghìn năm mưa đã từng mưa

Thấm vào viên sỏi hay chưa thấm vào?

Nghìn năm vẫn nắng gió Lào

Quay cuồng lốc bụi trước rào nhà tôi?

Nghìn năm còn nữa hay thôi

Những người mong nhớ, những người ngóng trông...

Nghìn năm biết có còn không

Hoa trên đá, phấn trên thông ghẹo người?

Tháng năm lần lựa đắp bồi

Lặng im để cỏ, nói lời nghìn năm.

Trở lại thôn Yên

Dĩ nhiên là cỏ mọc lên

Dấu chân ngày trước khó nguyên vẹn rồi

Nhưng mây vẫn ở trên trời

Và cây lúa ở với người hôm nay

Và hoa dứa dại vẫn bay

Mùi hoa nhớ thế, cái ngày gặp em

Con đường như lạ, như quen

Và sắc cỏ mới đã lên xanh ngời

Sỏi non như một mỉm cười

Ở bên cổng gạch có người tựa lưng

Trời xanh nhớ mắt quá chừng

Cỏ xanh nhớ gót chân dừng nơi đây

Em đi khi ruộng mới cày

Tôi về khi lúa đã vây kín đồng

Cái chòi treo kẻng phòng không

Vẫn như ngày ấy nhưng không có người

Dĩ nhiên cỏ mọc lên rồi

Dấu chân cỏ lấp nụ cười vẫn nguyên

Con đường như lạ như quen

Nhớ em nhớ lúa, thương em thương đồng

Cái chòi treo kẻng phòng không

Tôi ra mặt trận, em mong ngày về

Lúa thơm ngã xuống vai kề

Bây giờ lúa lại thầm thì nhắc em

Con đường trở lại thôn Yên

Đi qua bờ cỏ, tôi lên cánh đồng…

Lục bát về thông

Con chim hót, nhả hạt cây

Tiếng chim xanh ở trong tay người trồng

Qua bạch đàn đã đến thông

Thấy cây đang độ đuôi công múa xòe

Thấy cây thắp nến bốn bề

Rưng rưng nghìn búp hướng về trời cao…

Mùa xuân thả nắng chiêm bao

Thả mưa bụi phấn bay vào rừng thông

Mùa xuân thả nắng mật ong

Cho cây lá nhọn đứng hong nhựa vàng…

Tôi trèo lên đỉnh đèo Ngang

Cỏ chen sắc đá mọc hàng thông xanh

Tôi trèo lên đỉnh rú Thành

Lá cây chạm ở vai mình cũng thông

Ngẩn ngơ một ngọn nhớ chồng

Núi trơ bỗng hóa một vùng cây non

Đất lở lói, đá chon von

Đồi ba cục, núi ba hòn, đất ơi!

Tưởng là nước đã bào trôi

Tưởng là nắng đã khô rồi đá ong

Bây giờ thông, bây giờ thông

Gieo chân con gái lên vùng đá khô

Lá thông là thực, là mơ

Nửa buông như chỉ, nửa mờ như mây

Đa đa kêu vỡ đá gầy

Bóng thông chạy đến sum vầy cùng chim

Giữa mua móc, giữa cằn sim

Giữa vùng là bổi khô trên đất cằn

Cây thông đứng, bóng thông nằm

Đất quê đã dịu dưới tầm nắng trưa…

Vườn ươm đang độ gieo mùa

Ngước lên thần Vũ núi vừa tan mây

Hạt thông nở giữa bàn tay

Bầu thông em dập, em xoay cho tròn

Trời dù nắng giẫy mưa hờn

Cây thông vẫn đứng với hòn núi cao…

Đêm sông Hương

Bây chừ gõ chén sông Hương

Lanh canh phách nhịp bốn phương cung đình

Một suông trăng ở Hoàng Thành

Một trăng suông nhạt chòng chành đáy sông

Xáng xề cái nhịp thì cong

Cái chân ai, bước giữa vòng nam ai

Rượu nâng sóng nhạc ngang mày

Em lừng lững giữa đêm bày chiếu hoa

Xáng xề sông đổ về xa

Xáng xề phách nhịp đổ qua hồn mình

Ai ngân khúc nhạc cung đình

Ai ngồi lặng phắc Hoàng Thành cỏ rêu…

Em từ thơ ấu về chơi

Em từ thơ ấu về chơi

Tặng tôi một chiếc mỉm cười bâng quơ

Như sương như khói xa mờ

Bông hoa dốc núi không chờ đợi ai

Rượu còn sóng sánh trong chai

Ngày xuân đã trượt ra ngoài tuổi xuân

Tôi nay đăng đối lục tuần

Com-lê, cà-vạt thắt dần vào thơ

Em từ thơ ấu về mơ

Tặng tôi một chiếc bâng quơ mỉm cười…