Nhà thơ Hữu Việt tuyển chọn và giới thiệu
Đường chân trời
Đường chân trời là nơi ta nhìn thấy chỗ tận cùng của bầu trời và mặt đất, hay là nơi trái đất bay lên chạm tới bầu trời.
Quê ta ở tận cùng trái đất, nơi bốn mùa chua chát sim mua; ngõ hẹp, đường lầy, cây lúa mọc oằn mình trong bão.
Tuổi thơ cha như một cánh diều, mà dây diều là chiếc thừng trâu - cái chạc mũi hai hào không dễ gì thay mới - cứ đứt rồi lại nối, cha và trâu co kéo cuộc đời mình.
Nắng trên đầu, bùn cứ suốt dưới chân; cuốn sách học như món hàng xa xỉ.
Nhưng tuổi thơ cha còn có miền cổ tích. Cổ tích nào cũng có Bụt và Tiên. Khát vọng cháy cuối chân trời xa tắp...
Cha mừng con giờ đã đủ đầy, nhưng vô hạn thương con những chân trời khuất lấp. Mây mùa hạ, trăng mùa thu, cả mùa đông gió bắc, chim thiên di ào ạt vỗ từng đàn...
Cha mẹ đã cho con máu thịt, hình hài, cho tất cả tinh anh nhưng thiếu ráng hoàng hôn đồng nội, thiếu cánh cò chấp chới những triền sông, hoa khế tím dâng hương đầy đất, cỏ mật treo sương, sương treo ánh cầu vồng lấp lánh...
Chân trời của cha xưa không quá một tầm làng. Nhưng cha đã đi, đã đi mải miết. Sau chân trời, chân trời khác mở ra. Có cả những chân trời huyễn hoặc, khi nhận ra đã muộn một phần đời... Nhưng con ạ, chớ bằng lòng hữu hạn, khung nhà cao chớ để khép vầng trăng...
Đôi mắt con, đôi vì sao sáng, phía chân trời, những bài hát chờ con!
Nông dân
Có người nói nông dân không tư tưởng
Nông dân làm cản trở bánh xe lăn
Tôi đã thấy nông dân suốt một đời làm lụng
Nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn
Tôi đã thấy trên chiến trường ngã xuống
Những nông dân áo lính, máu tươi ròng
Chết tưới đất, sống ngày cày xới đất
Không bổng lộc nào theo đến lũy tre xanh!
Tôi đã thấy những xích xiềng phong kiến
Cái trói tay của công hữu màu mè
Mấy chục năm kéo người xa ruộng đất
Mấy chục năm ròng, cái đói vẫn ghê ghê...
Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ
Bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè
Sáu mươi tuổi mẹ lội bùn cấy hái
Ông trạng áo dài, ông trạng sống ly quê!
Dẫu năm khó không quên ngày giỗ chạp
Nhớ người xưa con cháu quây quần
Vâng, có thể nông dân nhiều hủ tục
Không yêu nổi họ hàng, yêu chi nổi nhân dân!
Tôi đã thấy Thằng Bờm và Mẹ Đốp
Còn sống chung với Bá Kiến, Chí Phèo
Con gà mất, chửi ba ngày quyết liệt
Con gái gả chồng, cả xóm có trầu vui.
Tôi đã thấy đổ mồ hôi, sôi nước mắt
Từ hạt lúa gieo mầm đến cấy hái, phơi phong
Dăm bảy tạ, vài trăm nghìn một vụ
Bữa tiệc xoàng của mấy “sếp” là xong!
Có miếng ngon nông dân dành đãi khách
Thờ Phật, thờ Tiên, thờ cả rắn, cả rồng
Cả tin quá, tin cả dì ghẻ ác
Sống chết mấy lần, nợ quyết trả bằng xong.
Nông dân sống lặng thầm như đất
Có thể hoang vu, có thể mùa màng
Xin chớ mất, chớ niềm tin sai lạc
Chín phần mười đất nước - nông dân!
Tổ quốc
Cho Hoàng và Nhật
... Tổ quốc là khi mẹ sinh con
Có cái mũi dọc dừa, màu da vàng như nắng
Đêm trở dạ có bà con chòm xóm
Bếp lửa hồng ấm suốt cả đời ta
Con lớn như măng trong sự tích đằng ngà
Hồn trẻ Việt tự mang hồn Thánh Gióng
Nết phúc hậu dịu dàng cô Tấm
Nghĩa đồng bào ôm trọn biển và non
Là ngọt ngào tiếng Việt môi son
Ôi tiếng Việt bao thăng trầm xa xót
Cánh cò bay lả vào câu hát
Chạm trang Kiều, tiếng Việt hóa lung linh
Là mùa xuân lắc thắc mưa phùn
Chân bấm ngõ làng đi hội tết
Hội vui mở suốt giang sơn trời đất
Giêng hai nao thương nhớ cũng la ngà...
Là mùa hè sen ngát những ao quê
Sông Ngân chảy mơ huyền đêm cổ tích
Mùa thu gió thổi đằm hương mật
Hơi thở con căng ngực đất lành
Tổ quốc là biên trấn áo mong manh
Tây rồi bắc đổi mùa ràn rạt gió
Bao thế kỷ những đợi chờ hóa đá
Đất nước vĩnh hằng cánh võng trước thềm khơi
Là dòng máu cha ông tha thiết chảy muôn đời
Thấm vào đất, vào con, vào sắc cờ cháy rực
Là tất cả những gì yêu dấu nhất
Không gọi được thành lời, thì gọi Tổ quốc ơi!
Minh họa trang thơ: ĐẶNG TIẾN