Lòng tôi vương chút mây sầu
Tìm em chẳng thấy em đâu
Xuân thắm, xuân tươi, xuân mơ ước
Mình tôi lạc lối giữa mùa xuân.
Sự đằm chín trong cảm xúc, độc đáo trong cách thể hiện đã tạo cho bài thơ một nét riêng thú vị. Đó cũng là cảm nhận khi đọc bài Mẹ. Hình ảnh Mẹ gắn với bốn mùa mang tính biểu tượng khá sâu sắc: Mẹ là mùa xuân nẩy lộc/ Mùa hè bóng mát cây xanh/ Chiều thu muôn vàn thương nhớ/ Mẹ là mùa đông ấp ủ.
Lạc lối giữa mùa xuân trĩu nặng những suy tư, chiêm nghiệm của một người từng trải qua những bước đi của thời gian, hiểu sâu sắc về lẽ đời, lẽ người. Hơn 40 bài trong tập thơ hầu hết đều mang một giọng điệu điềm đạm và trầm tĩnh. Sự trầm tĩnh được đánh đổi bằng những năm tháng của một đời người đã nhận ra được những quy luật khắc nghiệt của thời gian. Có thể gặp trong nhiều bài thơ những ý tưởng giữa quá khứ và hiện tại, giữa hôm nay và ngày mai: Đời người chỉ có một ngày mai/ Điều hôm nay có được/ Ngày qua đã cũ rồi./ Ngày mai chờ đợi/ Người thiếu nữ sẽ già trong mộng tưởng/ Danh vọng là vầng trăng treo/ Gà đầu thôn đã gáy/ Ngày mai sắp đến rồi.
Không tránh khỏi cảm giác xót xa, nuối tiếc những năm tháng đã qua đi, khi xế chiều nhìn lại cuộc đời mình: Trang sách nửa đời còn bỏ ngỏ/ Văn chương liệu có ích cho đời?/ Nghề thầy chèo chống qua năm tháng/ Cố giữ cho trọn đạo làm người/ Bây giờ còn lại những chiều đông/ Ký ức chắt chiu trong căn lều nhỏ/ Gió lạnh đổ về tạt bốn phía/ Một đời lãng quên cho đôi ngày tưởng nhớ. Dù buồn thương, cay đắng nhưng vẫn đầy nồng ấm, thiết tha, gắn bó với cuộc đời. Đó cũng chính là nét nổi bật trong thơ Hà Minh Đức: Một đời tin yêu gắn bó/ Niềm vui có lúc như con suối nhỏ/ Mà nỗi buồn là dòng nước sâu/ Tôi mang ơn cuộc đời cả nỗi buồn đau/ Để hiểu phận mình trong cuộc sống/ Dù ngày mai đi về đâu.
Cảm nhận rõ rệt nhất ở đây là hồn thơ ông luôn nghiêng về quá khứ với một nỗi nhớ không lúc nào nguôi yên: khi là nhớ về Kinh thành với Hoàng thành xưa/ Dập dìu xe ngựa/ Này đây cung vua phủ chúa/ Này đây phố phường kẻ chợ/ Nơi xa vang loa sĩ tử/ Chùa chiền nhịp đều gõ mõ tụng kinh/ Phường kẻ chợ, kẻ mua người bán/ Tiếng cười vang trong quán rượu say/ Những cô gái che nón quai thao/ Ngập ngừng qua lại/ Ba mươi sáu phố phường phát đạt/ Về kinh thành có tiếng vọng người xưa; khi hồi tưởng đến những tháng ngày đã qua với bao người thân thuộc đã Đi qua đời tôi sâu đậm nghĩa tình và hình ảnh người mẹ không phai mờ trong tâm trí: Thưa mẹ/ Mẹ đã sống một trăm năm tuổi/ Nuôi dạy con nên người/ Tuổi già con luôn nghĩ về mẹ/ Trong giấc mơ con đi tìm mẹ/ Trời cao xanh mẹ ở đám mây nào?; và có lúc là những hoài niệm êm đềm về một tình yêu mơ hồ , vừa thực, vừa ảo: Mùa thu về trải thảm lá vàng rơi/ Em đến trường trong tuổi yêu đương/ Cô học trò lơ đãng/ Để cho thầy đôi lúc nói vu vơ/ Từng ngày chờ đợi/ Đêm về tìm em trong giấc mơ/ Bây giờ em đang ở đâu/.../Có thể nào quên/ Tiếng chim hót khi trời vừa sáng.
Nhà văn nổi tiếng và những nhân vật văn học tiêu biểu đã đi vào thơ Hà Minh Đức một cách sinh động. Sự am tường và hiểu biết thấu đáo về họ đã giúp cho ông dựng được một số chân dung đầy ấn tượng. Đó là những: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân tóc đỏ, Nghị Hách, Chí Phèo... Thi sĩ Hoàng Cầm, một nhà thơ hiện đại cùng thời, Hà Minh Đức vốn thân quen, đã được khắc họa bao quát và chân xác: Người đã đi xa/ Lá Diêu Bông trở thành cổ tích/ Những trang thơ vẫn ấm tình người/ Trái tim buông lỡ nhịp từ thuở thiếu thời/ Càng đằm thắm tình đời khi cao tuổi/ Lộc trời cho sống để yêu đương/ Lửa tình nhem nhóm từ quê hương/ Vẫn cháy bỏng những chiều giá lạnh/ Hoàng Cầm thi sĩ của yêu thương/ Tình yêu với người là tôn giáo.
Vốn là một người đa cảm, luôn trân trọng và nặng lòng với những đất nước đã đi qua, nên thơ Hà Minh Đức đã ghi lại khá rõ nét cảnh sắc và con người của những nơi chốn ấy. Khi là những cảm xúc tràn đầy về Mùa thu Paris, khi là những suy tư sâu sắc về Người đàn bà ăn mày và con chó với sự tích chạm tay vào bức tượng đồng để nhận phước lộc; về Tượng chú bé “tè” bên đường ở Vương quốc Bỉ; về bức tường chia cắt hai miền Đông Tây của nước Đức, vượt lên những “dấu vết đau lòng” là Một nước Đức sinh sôi và hò hẹn/ Lịch sử luôn có những ngã ba đường. Ông cũng ghi lại những cảm xúc bất chợt trong một lần đến với Alaska mảnh đất vùng cực Bắc/ Quanh năm tuyết phủ; niềm vui sướng khi Một ngày trở thành hảo hán trên Vạn lý trường thành...
Nếu coi thơ là sự tỏ bày, bản chất của thơ là sự chia sẻ và đồng điệu thì thơ của Hà Minh Đức là như vậy. Nó là một phần đời sống của ông; từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ quá khứ đến hiện tại, từ chung đến riêng... Nhìn chung, thơ Hà Minh Đức nghiêng về truyền thống, ấm áp, chân tình. Ông trọng cảm xúc và ý tưởng hơn là kỹ thuật. Người làm thơ để ngòi bút đi theo cảm xúc, không gò mình vào một thể thơ nhất định nào. Thơ ông tự nhiên như chính cuộc sống đời thường. Từ cái tôi của mình để chiêm nghiệm việc đời và được giãi bày bằng chính những cảm xúc của mình, đó là những khoảnh khắc chân thực và tinh diệu nhất của một người cầm bút. Tôi đã đọc tập thơ với rất nhiều chia sẻ, nhưng chắc chắn là còn những tâm sự, gửi gắm mà tôi chưa thể cảm nhận hết. Người đọc thơ Hà Minh Đức sẽ tìm thấy ở đây một tiếng thơ hồn hậu, luôn mở lòng ra với cuộc đời.
Hà Nội, tháng 2-2017
(Đọc tập thơ Lạc lối giữa mùa xuân, NXB Văn học, 2016)
PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ
(Viện Văn học)