Đây là một phần của cánh đồng chạy dài trong một thung lũng tít tắp. Tôi dừng lại để ngắm hàng xoan đang sẫm dần trong lúc bóng tối tràn xuống. Bầu trời muộn còn một chút ánh hồng pha với mầu lam - chính xác cái mầu mà người ta gọi là lam chiều. Tiếng người lớn gọi trẻ con về nhà tắm rửa, ăn cơm tối; Tiếng đàn gia súc gia cầm gào réo đòi ăn; Tiếng lóc cóc mõ trâu của một vài con nào đấy mải ăn mải chơi về muộn; Mùi của cơm vừa chín tới, quện với mùi măng rừng thơm thơm... Cả ngôi làng dường như đang cố kết thúc mọi việc trong ngày. Những cánh cổng cọt kẹt đóng lại sau lưng tôi. Tôi bị hàng xoan với những cành lá gầy guộc in trên nền trời tuyệt đẹp cuốn hút như một thứ nam châm. Tôi giơ máy ảnh lên. Ơn giời! Chiếc máy ảnh ghi lại giúp tôi đúng cái hình ảnh ấy, cái mầu trời ấy, cái khoảng tối thẫm bên dưới rặng xoan, nơi những thửa ruộng lúa non vừa bén rễ...
Ở đây người ta trồng rất nhiều xoan. Xoan là thứ cây để lấy gỗ. Dăm bảy năm, mười, mười lăm năm thì có những hàng xoan mảnh mai, vừa quấn quýt bầy đàn vừa cô đơn lẻ loi như thế này. Khi một đứa con trai lấy vợ, ra ở riêng, vì tiền bạc đã dồn cả vào việc cưới hỏi nên chỉ có thể làm những ngôi nhà nhỏ, vừa đủ cho một vợ một chồng, bếp, ngủ, nơi nuôi nhốt dăm con gà vịt, buộc một con trâu bố mẹ tách đàn cho mang theo. Cái nhà be bé ấy sẽ tồn tại có thể ngang bằng một vườn xoan từ khi trồng xuống đến khi chặt xuống lấy gỗ được. Một đứa trẻ, hai đứa trẻ ra đời, tập đi, leo lên leo xuống mấy bậc cầu thang, ngã dăm ba bận. Có khi đến tận lúc chúng đi học tiểu học, cấp hai thì bố mẹ mới có đủ tiền, đủ gỗ để làm một cái nhà mới to hơn, bằng gỗ xoan.
Ngôi nhà cũ thường được giữ lại. Đó là một thứ kỷ niệm quan trọng trong cuộc đời. Nó đã chứng kiến những tháng năm hạnh phúc nhất, tươi vui nhất, và chứa đầy trong nó những ước mơ xanh biếc của cặp vợ chồng còn trẻ măng, má còn căng hồng, tóc còn biếc xanh và những đứa trẻ oe oe khóc để lớn. Vì thế mà gia chủ giữ lại để làm bếp đun, làm kho chứa khô lúa, làm nơi cất đồ đạc. Nó vẫn tỏa ra hơi ấm quen thuộc mỗi ngày.
Tôi rất thích những ngôi nhà be bé được giữ lại ấy. Nó đựng trong đấy bao nhiêu kỷ niệm và là nơi sinh ra bao nhiêu ước mơ hy vọng. Nó cho thấy những người đã từng đi ngủ và thức dậy trong đó luôn cực kỳ trân trọng sự sống, trân trọng quá khứ và hiện tại.
Người ta bắc mấy tấm ván để nối hai ngôi nhà với nhau. Khách đến được mời lên nhà to bằng cửa chính, ngồi giữa nhà uống mấy chén rượu. Trong khi đó, bên ngôi nhà bé, người phụ nữ vừa đun sôi một ấm nước, xách lên nhà cho chồng pha trà. Nước sôi, tỏa ra mùi thơm rất khó tả. Nước có mùi thơm đấy, tin được không. Nó được dẫn về từ trong chân núi, trong những đoạn ống vầu nối nhau dài hàng km. Nó có mùi của lõi những cây vầu.
Ngôi nhà bé có một ô cửa sổ nhỏ. Nó nhỏ tới mức chỉ vừa đủ cho một người lách ra ngoài hiên. Cái hiên cũng nhỏ nốt. Ngoài hiên để vài chiếc xoỏng cũ, ít ngô mới hái về, vài thứ quần áo vừa giặt phơi trên cái sào bắc cao gần mái nhà còn đang thong thả nhỏ nước xuống.
Người ta có thể đi rất xa để thực hiện những kế hoạch to lớn trong cuộc đời mình, nhưng rốt cuộc, và cuối cùng, ai ai cũng muốn trở về một nơi gọi là nhà. Nhà là nơi để trở về. Nhà cũng là nơi trú ngụ không phải chỉ của thân thể, mà hơn thế, là của mọi trái tim và linh hồn. Hàng triệu bước chân người đã khiến cho mặt sàn bằng bương già nhẵn bóng lên. Nhẵn tới mức cảm thấy có thể in cả bóng người lên đấy.
Chị chủ nhà bắc nồi kho cá. Cá bống anh chồng mới đánh được từ sáng sớm. Đã bắt đầu vào mùa mưa. Nước sông dâng lên, đục, và thấm đẫm phù sa. Cá tôm nhiều. Cặp má của người phụ nữ trung niên hồng rực lên vì ngồi gần bếp lửa. Đó đã từng là một cô gái rất trẻ, có khi chỉ mười bảy mười tám, gương mặt còn như một bông hoa đào vừa nở, khi lần đầu tiên nấu một nồi cơm trên chính cái bếp này. Cái kiềng có lẽ là một món quà cưới ai đó tặng, và nó cứ đứng yên ở đấy suốt bao nhiêu năm qua. Nó đứng yên và cắm chân vào lớp tro bếp ngày nào cũng ấm áp, reo vui, cho dù ngôi nhà mới đã mọc lên.
Tôi thích cái cảm giác này. Mọi thứ đứng yên cho dù cuộc đời có dịch chuyển, xoay vần đến đâu. Ngôi nhà đã già đi, cùn mòn xiêu vẹo yếu ớt đi, nhưng vẫn ở yên chỗ cũ. Con người đủ yêu thương để giữ lại. Giữ lại không phải vì nhà mới không đủ to rộng, mà đơn giản là vì người ta quyến luyến nó. Nó cũng đủ hạnh phúc vì được yêu thương mà đứng vững, dù cũng mỏi mệt lắm rồi. Nó, ngôi nhà bé xíu ấy, sẽ hạnh phúc cho đến tận ngày đổ gục.
Đã qua mùa hoa xoan. Những bông xoan bời bời trong mưa bụi hôm nào đó giờ đã tan vào đất. Trên cành còn lại những chùm trĩu trịt quả. Quả xoan chẳng ăn được, mà nó sẽ tự rơi xuống khi chín quá, rồi mọc ra cây mới.
Nhìn hàng xoan còn non tơ, những cây gầy và cành gầy, tự nhiên cảm thấy chúng đang mang trong mình một trọng trách lớn lao - đó là tương lai của những gia đình nhỏ, mà có khi lúc này những ông bố bà mẹ tương lai còn đang đi thả trâu với nhau.
Đêm rơi xuống rất nhanh, chẳng mấy chốc con đường mòn đi xuyên qua ngôi làng chỉ còn là một dải mờ mờ trăng trắng. Tiếng bát đũa đã khua lanh canh.
Chợt nhớ người chủ nhà mà bọn tôi vừa ngồi ban trưa. Khi tôi ngỏ ý muốn nghe một câu dân ca Mường, anh chồng lúc ấy đã uống vài chén ngà ngà, hích khẽ vợ một cái. Chị vợ ngồi thẳng lưng, cất một câu: Eng về hỏi mẹ, hỏi cha/ Có cho lấy vợ nơi xa, ún chờ. Hát xong, liếc mắt nhìn chồng. Anh chồng vẫn cười, vừa cười vừa hát: Gia đình đồng ý ún ơi/ Để ta xây dựng sánh đôi vợ chồng... Bọn tôi vỗ tay rào rào. Chị vợ mặt đỏ dừ lúng búng: Lâu quá không hát, sắp quên hết rồi. Giọng hát của họ đã có dấu ấn của tháng năm lam lũ rồi, và đồng thời cũng có thanh âm của hạnh phúc chín muồi.
Tôi đứng sững bên bờ ruộng, nhìn những cây xoan dần dần biến mất trong bóng tối bao phủ bốn bề. Từ đây về thành phố xa lắm. Ở nơi ấy, tôi không thể nhìn thấy dù chỉ là một bông hoa xoan, chứ đừng nói là cả một hàng cây dài thế kia...
Và tôi ước gì mình có thể đứng ở đây thật lâu, nhìn xoan ra hoa, rụng hoa, đậu quả, lớn lên, xẻ gỗ, và ngắm những ngôi nhà mới.
Hạnh phúc có lẽ là thứ sẽ tự đến, chỉ cần người ta biết sống một cách hài hòa, biết trao tặng và đón nhận nó.