Nhiều du khách không biết làm gì sau tám giờ tối
Có một thực trạng hiện nay là nhiều du khách không biết làm gì sau tám giờ tối ngoài đi spa, massage. Điều đó làm cho khách cảm thấy buồn tẻ và ngành du lịch cũng không thu được gì thêm. Vậy muốn thay đổi thực trạng này để phát triển kinh tế đêm, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
Đề cập tới kinh tế đêm thì phải nhìn thấy đây là sự vận động phát triển của cả một giai đoạn, một thời kỳ phát triển chứ không phải ngẫu nhiên mà có. Nó là tổng hòa các mặt của đời sống xã hội. Ngành du lịch phục vụ du khách từ nơi khác đến nhưng cho đến nay các dịch vụ chỉ tập trung nhiều vào hoạt động tham quan, trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng phần lớn diễn ra vào ban ngày. Chỉ có một số hoạt động giải trí về khuya như đi chợ đêm, hát karaoke (phần lớn là khách nội địa) hay sinh hoạt ẩm thực gắn với nghệ thuật truyền thống.
Khách du lịch là người từ nơi khác đến, có nhu cầu rất lớn tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt cũng như thu lượm những gì tinh túy nhất của những vùng đất mà họ đến trong thời gian rất ngắn nên luôn phải tranh thủ. Ngoài thời gian du lịch vào ban ngày thì cần tận dụng cả ban đêm. Khách càng có nhiều trải nghiệm, nhiều hoạt động thì giá tour ấy càng rẻ. Xuất phát từ nhu cầu đó thì điểm đến cần có nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch, càng nhiều càng tốt cho cả ngày lẫn đêm. Du khách bao giờ cũng sẵn sàng hy sinh thời gian ngủ nghỉ để giải trí, trải nghiệm, chính vì vậy khả năng cung cấp dịch vụ về khuya cho khách du lịch bao giờ cũng cao hơn các đối tượng khách khác.
Cần tính đến yếu tố đặc thù, chỉ một số hoạt động có thể phát triển và thăng hoa khi diễn ra về đêm cần thúc đẩy, khuyến khích. Mặt khác, các nhu cầu về nghỉ ngơi, giải trí trong một ngày sẽ diễn ra về đêm, đây là mảnh đất màu mỡ để các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cày xới. Một số địa phương đã đề xuất dịch chuyển giờ làm việc, bắt đầu buổi sáng muộn hơn và kết thúc ngày làm muộn hơn. Đó là “điểm rơi” mà khách du lịch cần, cũng là yếu tố kích thích các dịch vụ liên quan đến kinh tế đêm phát triển.
Bên cạnh đó, những dịch vụ phục vụ khách du lịch mang tính chất xuyên văn hóa, điểm đến là văn hóa bản địa, còn khách du lịch mang văn hóa ở nơi khác đến. Cho nên, cần xây dựng các cụm điểm, những nơi tập trung quy tụ văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền. Điều đó sẽ vô cùng hấp dẫn khách du lịch, khi khách và chủ (người dân bản địa), khách với khách được giao lưu, tương tác. Một số thành phố lớn trên thế giới đã xây dựng được trung tâm như thế này, ban đêm khách du lịch tới nườm nượp và xem đó là ngôi nhà chung của mình.
Một điều quan trọng nữa là cần phát triển các dịch vụ khác biệt, phi truyền thống mà ở nơi khác không có, điều đó sẽ làm du khách rất hứng thú. Phải có những doanh nghiệp đầu tư vào những loại hình dịch vụ kinh tế đêm mới mẻ. Nên tạo điều kiện cho sự sáng tạo trong dịch vụ, nếu chỉ bó hẹp trong khuôn khổ nào đó thì sẽ không có cái mới. Tôi cho rằng muốn làm kinh tế đêm, cần chính sách mở để phát huy sức sáng tạo của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng tất nhiên phải phù hợp với khuôn khổ pháp luật. Chúng ta phải luôn nghĩ rằng khách du lịch có thời gian rất hữu hạn ở điểm đến cho nên cần cung cấp dịch vụ phong phú cho thời gian lưu trú. Muốn họ ở lại lâu hơn thì phải có nhiều hoạt động, nhiều dịch vụ hấp dẫn để trải nghiệm.
Có vẻ như chúng ta cần một số thay đổi về khuôn khổ pháp lý cụ thể, thưa ông?
Đương nhiên khuôn khổ pháp lý luôn phải có những đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển, nhưng có một số cái không thể thay đổi một cách tùy tiện được. Với bất kỳ ngành kinh tế nào cũng vậy, trong quá trình phát triển sẽ đối mặt với những vướng mắc, khó khăn. Thực tế một số địa phương quản lý rất chặt các quy định về an ninh trật tự nơi công cộng, làm hạn chế kinh tế đêm, cần tính toán nên thay đổi sao cho phù hợp. Thay vì “tắt đèn” lúc 22 giờ tối, các dịch vụ kinh tế đêm có thể diễn ra khuya hơn. Như thế du khách sẽ có những tour du lịch không những rẻ hơn mà còn hữu ích hơn, giá trị hơn, nguồn thu từ kinh tế đêm nhiều hơn và điểm đến thu hút hơn. Có những câu hỏi đặt ra cho kinh tế đêm như: mô hình quản lý như thế nào, quy hoạch dịch vụ cho kinh tế đêm ra sao? Ở nước ta, nhiều khu dịch vụ của kinh tế đêm ở lẫn với khu dân cư, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Thí dụ như dịch vụ karaoke ồn ào về đêm mà liền kề với nhà dân thì sẽ xung đột. Nếu cứ chuẩn chỉ khu dân cư không được làm kinh doanh dịch vụ kinh tế đêm, khu dịch vụ kinh tế đêm không được có dân cư cũng rất khó. Rồi nhiều dịch vụ mới chưa có trong quy định của pháp luật thì cấm hay cho thí điểm?
Cần tư duy cởi mở hơn
Chúng ta vẫn có thói quen tư duy “không quản được thì cấm”. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế đêm?
Quan điểm nói trên cần xem lại, cần có nghiên cứu, đánh giá thấu đáo, để “mở” thế nào cho phù hợp. Có những dịch vụ mới phát sinh chưa có trong quy định thì cần chính sách thế nào để có thể phôi thai, hình thành.
Nhìn nhận về kinh tế đêm là một quá trình nhận thức, được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Chúng ta không nên e ngại mà cần có những giải pháp để thích ứng kịp thời, với sự vào cuộc của cả Nhà nước, các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải dịch vụ nào cũng có thể phát triển kinh tế đêm. Nằm trong khuôn khổ pháp luật, mang lại lợi ích và phát huy được bản sắc văn hóa Việt Nam, gia tăng giá trị cho du khách thì đáng khuyến khích. Còn với những dịch vụ mang lại những tác động xấu về mặt xã hội, tăng thêm chi phí quản lý thì không nên làm. Bởi thu được một đồng mà phải mất hai đồng chi phí quản lý quả là lợi bất cập hại. Những cái được của mình về kinh tế chỉ là bề nổi, nhưng những tác động tiêu cực về văn hóa thì chưa tính đếm được. Cái này phụ thuộc vào tính toán của chính quyền địa phương đối với từng dịch vụ cụ thể.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đã xây dựng chính sách phát triển kinh tế đêm và tham mưu cho Chính phủ cũng như các địa phương về phát triển loại hình này ra sao, thưa ông?
Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nghiên cứu về kinh tế đêm. Cho đến nay, các đề xuất của ngành du lịch tập trung nhiều vào vấn đề phát huy những giá trị văn hóa bản địa để tạo ra những môi trường và cơ hội giao lưu giữa du khách và người dân bản địa. Những dịch vụ về đêm mới chỉ dừng lại ở những khuyến nghị mang tính chất giải pháp, định hướng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư tham gia phát triển các loại hình dịch vụ đó.
Có thể nói, cho đến nay kinh tế đêm vẫn chủ yếu mang tính tự phát. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của kinh tế đêm ở Việt Nam?
Khái niệm kinh tế đêm gần đây mới được nhắc đến nên chưa thể có đánh giá toàn diện. Từ trước đến nay, kinh tế đêm hay ngày đều gộp làm một, là những hoạt động kinh tế bình thường. Theo kinh nghiệm của các nước thì kinh tế đêm không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giá trị về mặt văn hóa, truyền bá văn hóa thông qua du lịch. Người Việt Nam có khát vọng phát triển, rất sáng tạo nên tôi nghĩ rằng kinh tế đêm có nhiều tiềm năng phát triển. Với văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng, có nhiều thứ để phát triển thành dịch vụ du lịch văn hóa. Như phố cổ Hà Nội là một mỏ vàng để khai thác các dịch kinh tế đêm không bao giờ hết. Để phát triển hiệu quả cần sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà kinh tế và nhà văn hóa.
Nhưng ông có nghĩ rằng, cũng cần lắng nghe những luồng ý kiến nhiều chiều để tìm được tiếng nói chung nhằm phát triển kinh tế đêm?
Tôi nghĩ không nóng vội được. Truyền thông đang nói nhiều về kinh tế đêm, nó sẽ có tác động dần dần. Có cầu sẽ có cung. Có khách du lịch sẽ có dịch vụ, đó là sự phát triển theo quy luật kinh tế thị trường... Sự phát triển của kinh tế đêm cũng là sự dịch chuyển từ lối sống nông nghiệp sang lối sống công nghiệp. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng tổng quát. Phải làm sáng tỏ từng hạng mục kinh tế đêm chứ nói về kinh tế đêm thì rất rộng.
Tin tưởng rằng với vai trò của truyền thông, nâng cao nhận thức từ định hướng chính sách đến ứng xử của nhà đầu tư, kinh tế đêm sẽ chuyển biến theo hướng tích cực.