Người thầy của những chiến mã
Những ngày cuối năm, men theo con đường uốn lượn trong những vườn hoa trái xanh tốt, chúng tôi tìm về Ðức Hòa trong tiếng nhạc ngựa còn sót lại của một thời chưa xa. Với người dân ở các xã như Hòa Khánh Ðông, Mỹ Hạnh Nam, Ðức Hòa Thượng, Hòa Khánh Bắc… thì tiếng ngựa hí vang, bước chân ngựa nhịp nhàng trên đường quê đã trở thành thân thuộc bởi nghề nuôi ngựa đua ở đây có từ rất lâu đời. Năm 1936, trường đua ngựa Phú Thọ (quận 11, TP Hồ Chí Minh), một trong những trường đua hiện đại nhất Ðông - Nam Á bấy giờ ra đời trong niềm vui của hàng nghìn người. Từ đó, nghề nuôi ngựa đua ven TP Hồ Chí Minh nhằm phục vụ thú chơi độc đáo này phát triển theo. Trải qua thời gian, người ta nhận ra điểm chung là ngựa đua nuôi ở vùng Ðức Hòa dường như mạnh mẽ, dẻo dai và bền bỉ hơn, giành nhiều chiến thắng hơn các chú ngựa nơi khác. Vì thế, thương hiệu ngựa đua Ðức Hòa đã để lại ấn tượng với bất cứ ai yêu thích loài vật bốn chân vô cùng mạnh mẽ và trung thành này.
Ông Nguyễn Khánh Lâm, 72 tuổi, ở ấp Bình Thủy (Hòa Khánh Ðông, Ðức Hòa), người gần như suốt đời gắn bó với ngựa cho rằng, hầu hết người dân ở Ðức Hòa đều nuôi ngựa, nhiều thì vài chục con, ít cũng một vài con để rong ruổi với bạn bè. Lúc còn là một cậu bé mười mấy tuổi, ông đã theo cha và ông nội đi cắt cỏ cho ngựa ăn. Năm 32 tuổi, ông mới chính thức sở hữu con ngựa đầu tiên khi bỏ ra sáu chỉ vàng để có được một con ngựa đua mới hơn một tuổi, giống ngựa lai của Tây Ban Nha, ông đặt tên là Xích Vệ. Chỉ sau hơn một năm chăm sóc đặc biệt, ông Lâm mau chóng biến Xích Vệ thành con ngựa vô địch ở những cuộc đua mà nó tham gia, được nhiều người yêu quý. Sau này, sau khi thắng liên tiếp, Xích Vệ được một thương gia trả giá tới 50 lượng vàng nhưng ông Lâm nhất quyết không bán.
Hỏi bí quyết làm sao có thể biến một con ngựa trở thành một chiến mã bất khả chiến bại, ông Lâm dõi nhìn ra ngoài sân, nơi có mấy cội mai già đang chuẩn bị đơm bông trong ánh nắng mùa xuân ấm áp, khẽ mỉm cười. Thật sự, nuôi ngựa đua cũng là cái duyên, cái số. Có thể cũng là con ngựa ấy, nếu rơi vào tay người khác, chưa chắc đã thành ngựa giỏi. Người và ngựa phải có mối giao hòa, phải hiểu được nhau thì ngựa mới giỏi được. Ông lão đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nói về ngựa mà mắt vẫn ánh lên sự tinh anh lạ lùng. Ngoài con Xích Vệ, ông Lâm còn chăm nhiều con ngựa quý như Hồng Anh, Mã Thành, Thoại Lang…, những con từng nhiều lần giành chiến thắng ở các cuộc đua. Với ông, những chiếc cúp, huy chương mà những chú ngựa do ông nuôi giành được như kỷ niệm đẹp đẽ và oai hùng về một thời quá khứ.
Niềm vui bên vó ngựa đua
Không chỉ người già, những người cả đời gắn bó với ngựa, mới nuôi ngựa cho thỏa nỗi nhớ nhung. Rất nhiều người trẻ ở Ðức Hòa cũng đam mê ngựa. Anh Trần Văn Hiệu, 34 tuổi, ở Mỹ Hạnh Nam làm nghề sửa xe máy nhưng có niềm đam mê đặc biệt với ngựa đua từ gần chục năm nay. Trước đây, cha anh Hiệu cũng là chủ ngựa nổi tiếng ở vùng này.
Dắt chúng tôi ra thăm chuồng ngựa nơi có con Mã Phi Long, một chú ngựa đua quý hiếm thuộc giống ngựa Hoàng gia Anh, anh Hiệu kể: “Tôi mua con ngựa này được bốn năm rồi. Lúc mua có giá 55 triệu đồng nhưng chỉ đua được có hơn chục trận là phải dừng vì trường đua đóng cửa. Hiện nay, giá của nó còn chừng sáu, bảy triệu đồng thôi. Tuy nhiên, đó không phải điều mà anh Hiệu bận tâm bởi với người nuôi ngựa, niềm hạnh phúc nhất là được chứng kiến những chú ngựa của mình tung vó trên đường đua. Suốt ba năm qua, con Mã Phi Long chỉ quanh quẩn ở chuồng ngựa rồi đi quần một chút khiến uy phong cũng giảm sút nhiều. Anh bảo ngựa đua mà cứ buộc trong vườn thì chúng buồn lắm. Nhiều lúc nghe ngựa hí, nhìn chân ngựa dựng lên mà trào nước mắt. Ngựa giỏi cũng như tướng tài vậy, không ra trận thì đâu còn là ngựa?
Anh Hiệu và một số chủ ngựa khác hy vọng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ này, một sân quần ngựa có thể được đưa vào sử dụng ở vùng thị trấn Ðức Hòa do một số chủ ngựa tự đứng ra thuê đất, xây dựng. Ðây chưa phải là trường đua ngựa đúng nghĩa nhưng nó cũng là nơi để những người yêu ngựa tập trung, gặp gỡ và trao đổi về chuyện đời, chuyện ngựa.