Hậu cần nghề cá Trường Sa: Điểm tựa của ngư dân bám biển

|

NDO - NDĐT – Ra khơi đánh bắt dài ngày trên vùng biển Trường Sa, mỗi khi hết gạo, thiếu dầu hay máy móc tàu thuyền gặp sự cố, ốm đau bệnh tật, chúng tôi có điểm tựa là các điểm dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó có Đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại Âu tàu đảo Song Tử Tây hay Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây. Đó là những địa chỉ tin cậy và quen thuộc, là hậu phương vững chắc đối với người ngư dân đánh bắt khai thác hải sản xa bờ…

Khi cần Đá Tây có

Những lời gan ruột này được ông Đoàn Ngọc Mai (ngư dân Quảng Ngãi) tàu QNg 90368 - TS giãi bày trong bức thư gửi tới Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây.

Mới đây, con trai ông là Đoàn Ngọc Lang, bị ngã từ trên giàn phơi mực xuống tàu. Anh Lang đã được Trạm xá Trường Sa lớn xử lý khâu 12 mũi, sau đó chuyển tới Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây để chờ tàu của Công ty Biển Đông chuyển về đất liền. Vết thương của anh Lang khá nặng, ảnh hưởng đến thần kinh và vỏ não, phải thường xuyên uống thuốc kháng viêm và giảm đau.

Trong 10 ngày lưu lại Trung tâm chờ tàu, toàn bộ sinh hoạt ăn uống bố con ông được Trung tâm đài thọ hoàn toàn. Không những thế, hàng ngày các cán bộ trung tâm đưa đón bố con ông sang Trạm Quân y của bộ đội Hải quân đảo Đá Tây A để thăm khám và uống thuốc.

Anh Chu Minh Sơn – Trưởng ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết, anh em cán bộ nhân viên trung tâm sẵn sàng sắp xếp nơi ăn ở khi ngư dân đau ốm bệnh tật, tạo mọi điều kiện giúp đỡ về vật chất, tinh thần khi ngư dân vào đảo yêu cầu.

Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây thuộc Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Trung tâm có nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ cho tàu thuyền của bà con ngư dân như lương thực thực phẩm, nhiên liệu xăng dầu bằng giá bán tại đất liền.

Trung tâm cũng sửa chữa các tàu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ cứu nạn trên biển khi nhận được tín hiệu yêu cầu, miễn phí tiền công. Vào Trung tâm, bà con ngư dân được tiếp nhận và sắp xếp nơi ăn nghỉ khi đau ốm bệnh tật, được sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền vào trong lòng hồ đảo Đá Tây tránh trú bão bảo đảm an toàn…

Với những nhiệm vụ đó, hiện nay Trung tâm được xây dựng trên diện tích 3.000m2 gồm các khối nhà văn phòng, hội trường, trung tâm điều khiển…, có xưởng cơ khí được trang bị máy hàn, tiện, khoan, phai bào để làm công tác sửa chữa. Trung tâm cũng được trang bị các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thiết bị lặn, thông tin liên lạc, bồn chứa nước ngọt…

Thành lập từ tháng 5-2005, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã trở thành người đồng hành thân thuộc của bà con ngư dân. Không chỉ cứu chữa tàu thuyền, Trung tâm còn được gọi bằng cái tên khác là “siêu thị” giữa đại dương. Những mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, nước ngọt, dầu ăn… được bán cho ngư dân đều bằng giá với ở đất liền.

Những tháng đầu năm này chưa phải vụ mùa đánh bắt ở khu vực Trường Sa, từ tháng năm trở đi đây mới là ngư trường chính của ngư dân. Vì vậy, từ đầu năm đến hết tháng tư, Trung tâm mới chỉ đón 72 lượt tàu vào đảo, cung cấp trên 6.000 lít dầu, 75m3 nước ngọt, hai tấn lương thực, thực phẩm các loại, cứu hộ năm tàu thành công.

Nhưng nhìn những con số dưới đây mới thấy được hiệu quả mà Trung tâm mang lại: năm 2012, gần 1.500 lượt tàu vào đảo làm dịch vụ hậu cần, cấp miễn phí 1.150m3 nước ngọt, cung ứng hơn 300.000 lít dầu DO, hơn 20 tấn thực phẩm các loại, sửa chữa thành công 18 máy tàu và cứu hộ hàng hải ba tàu bị hỏng máy trôi dạt trên biển.

Anh Chu Minh Sơn cho biết, ngoài đóng đô ở “thủ phủ của đảo chìm” Đá Tây, hiện nay Trung tâm còn có một số điểm như ở đảo Tốc Tan, Sinh Tồn, Đá Lớn làm dịch vụ cung ứng hàng cho bà con. Đội tàu này gồm chín con tàu vừa cung ứng hàng hoá vừa thu mua hải sản ngư dân đánh bắt được chuyển về đất liền, bảo vệ ngư dân ở trên biển tránh bị tàu nước ngoài xua đuổi.

Giá dịch vụ như ở đất liền

Cũng như Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, Đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại Âu tàu đảo Song Tử Tây thực hiện dịch vụ cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm; dịch vụ y tế, khai thác hải sản và cứu hộ, cứu nạn; dịch vụ sửa chữa tàu thuyền; dịch vụ thu mua và sơ chế hải sản, cung cấp vật tư nghề cá; dịch vụ khai thác âu tàu và nuôi trường hải sản. Đến đây, tàu thuyền sẽ được cung ứng nhiên liệu theo giá quy định của Nhà nước trong đất liền, được chăm sóc y tế, cung cấp nước ngọt miễn phí, được hưởng các hoat động văn hoá tinh thần khi đơn vị tổ chức.

Tàu thuyền được sửa chữa miễn phí tiền công, được cung ứng lương thực, thực phẩm, bán sản phẩm và dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào đất liền tiêu thụ theo giá thỏa thuận. Tàu thuyền cũng được hướng dẫn vào âu neo đậu tránh gió, tránh bão miễn phí và cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Anh Nguyễn Đăng Định – Đội trưởng Đội dịch vụ hậu cần nghề cá cho biết: “Ngư dân sẽ không phải đem tiền theo tàu, mà khi cần mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm ngư dân ghé vào đây. Người nhà của ngư dân chuyển tiền vào tài khoản công ty trong đất liền, ngay lập tức ở ngoài này Đội chuyển nhiên liệu cho tàu. Các tàu cũng có thể vào đây bán sản phẩm cho công ty, mua nhiên liệu, tiếp tục đánh bắt, không còn phải chạy vào đất liền bán hàng, cũng không phải đối mặt với cảnh bị thương lái ép giá khi cao điểm hàng về cảng”.

Anh Định còn cho hay, Đội dịch vụ hậu cần nghề cá hỗ trợ ngư dân khi thiếu nhiên liệu, lương thực, thực phẩm. Nhưng thực tế bây giờ ngư dân không thích mua trong bờ mà mua đủ dùng rồi ra đây mua tiếp khi cần vì giá cả bảo đảm, nên nhiều khi đội dịch vụ còn không đủ cung cấp nhiên liệu cho ngư dân.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn Trường Sa 146, với 20 năm trong ngành hải quân, sáu năm gắn với Trường Sa cho biết, hoạt động của những trạm dịch vụ nghề cá có ý nghĩa quan trọng trong việc đồng hành cùng ngư dân bám biển.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Thịnh kể rằng, cách đây sáu đến bảy năm, khi anh mới đến Trường Sa, dù thời điểm đó được tạo nhiều điều kiện nhưng ngư dân đánh bắt ở vùng biển gặp nhiều khó khăn. Nước ngọt phụ thuộc vào nước mưa, lương thực có định mức hạn chế. Khi đó mỗi ngư thuyền trước khi ra khơi cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ, công phu cho những chuyến bám biển dài ngày. Có những ngư dân chưa gặp luồng cá đã hết nguyên liệu, nước ngọt, lương thực đành phải quay về. Do đó, hiệu quả đánh bắt rất thấp.

Những trung tâm dịch vụ nghề cá ra đời đã tạo cho bà con sự hỗ trợ về nhiều mặt. Khi bà con ra đánh bắt, có thể bán hải sản đánh bắt được để mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm với giá cả như trong đất liền, được cung cấp nước ngọt miễn phí, sửa chữa tàu miễn phí, thay thế linh phụ kiện như trong đất liền.

Trước đây, bà con sau khi đánh bắt mang hàng về đất liền bán, di chuyển chặng đường dài, tốn kém nhiên liệu, sản phẩm không như ban đầu, bị tư thương ép giá, nên rất thụ động. Vì vậy, khi bán cho doanh nghiêp tại đây, bà con có giá ổn định, chặng đường đi lại ít đi, hiệu quả đánh bắt cao hơn.

Quan trọng hơn, để bảo đảm an toàn, ngư dân không phải mang theo lượng tiền mặt lớn trong người, mỗi khi cần mua sắm nhiên liệu, lương thực thực phẩm, ngư dân chỉ cần báo cho người nhà trong đất liền chuyển khoản cho công ty, ngay lập tức ngư dân sẽ nhận được dịch vụ đó.

Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây và Đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại Âu tàu đảo Song Tử Tây đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con ngư dân, giảm chi phí nhiên liệu đi về, đồng thời kéo dài được thời gian chuyển biển, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, tăng thêm thu nhập cho từng ngư dân đi biển. Nhờ những “hậu phương” vững chắc đó, tàu thuyền của ngư dân yên tâm kiên trì bám biển, góp phần khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây.

Trưởng ban quản lý Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây giới thiệu hệ thống máy móc sửa chữa tàu thuyền cho khách đến thăm.