Bản lĩnh và niềm tin

|

Xuân Bính Thân đã về. Xuân Đại hội XII của Đảng. Lại một mùa xuân đất nước ta tiếp tục con đường đổi mới toàn diện và đồng bộ. Sau 30 năm đổi mới, Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng một lần nữa khẳng định, phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Và mọi chủ trương, đường lối, chính sách đều phải trên cơ sở dân là gốc. Đánh giá đúng thành tựu, những mặt còn hạn chế, khuyết điểm là để chúng ta tiếp tục mở rộng tầm nhìn, làm giàu nội lực, bước vào hành trình mới trên con đường dựng xây đất nước.



Cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm và yếu kém, trong đó có những khuyết điểm kéo dài, như đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, bốn nguy cơ được nêu lên từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Khóa VII (năm 1994) vẫn còn đó. Đáng chú ý là, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ có mặt bị giảm sút. Nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm, đề ra giải pháp khắc phục, sửa chữa và công khai trước nhân dân, đó là thái độ dũng cảm. Đó là thể hiện bản lĩnh chính trị của một Đảng cầm quyền. Dân tin yêu Đảng phải bắt đầu từ tầm nhìn của Đảng, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng.

86 năm ra đời, xây dựng và phát triển, điều gì tạo nên bản lĩnh của Đảng ta? Vấn đề đầu tiên và cốt lõi nhất là ở chỗ bản chất của Đảng, một Đảng mà lợi ích luôn thống nhất với lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Khi Đảng ta mới ra đời, nước nhà còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ. 15 năm trước khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ và thành công, bao nhiêu máu xương đã đổ. Từ những đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ… đến hàng trăm cán bộ cốt cán của Đảng đã anh dũng hy sinh. Dù bị địch tra tấn dã man, dù phải chịu mọi cực hình, họ vẫn tin vào ngày mai của cách mạng, biến nhà tù thành trường học, thành nơi xuất bản báo, truyền ngọn lửa cho phong trào, cho mai sau bằng tinh thần “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Bản lĩnh của người cộng sản lúc bấy giờ là bản lĩnh chiến đấu, hy sinh. Bởi vì chỉ cần nửa lời khai báo, chỉ cần tuyên bố, tôi sẽ ly khai với tổ chức của mình là anh đã thoát khỏi án tử, có khi còn được hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng không. Đảng trên hết! Tổ quốc trên hết! Bản lĩnh của người cộng sản là tôi hy sinh nhưng Đảng còn, các đồng chí sẽ thay tôi làm nốt phần việc mang lại độc lập, tự do cho đồng bào tôi. Bản lĩnh của một Đảng cộng sản là, “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, như lời Bác Hồ đã nói trong những ngày tháng cam go nơi chiến khu Việt Bắc.

Dưới Ngọn Cờ Tháng Tám, toàn dân đứng dậy chói lòa. Và rồi sau đó, kháng chiến chín năm. Chúng ta nhớ hình ảnh những đoàn xe đạp nối dài thồ gạo lên Điện Biên. Những nghìn đêm khoét núi ngủ hầm. Tiếng nổ của khối bộc phá nghìn cân vỡ đêm chiến dịch. Những người lính xông lên cao điểm. Cả dân tộc đi đến trận đánh cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Thực dân cũ đã quy hàng, thực dân mới lại hiện hình trên một nửa đất nước thân yêu. Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, sứ mệnh lịch sử lại đặt lên vai dân tộc chúng ta nhiệm vụ đánh đuổi kẻ thù, thống nhất đất nước. Hơn mười năm sau chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, cả dân tộc bước vào thời kỳ Đổi mới. Đổi Mới-một danh từ viết hoa. Chưa có tiền lệ trên một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, những cơn sốt rét còn nhâm nhi trong da thịt người lính. Mặt đất chưa liền sẹo. Ô nhiễm những khu vực dày đạn bom chưa nổ. Nhức nhối những thân phận con người mang trong mình chất độc da cam/đi-ô-xin di truyền từ đời ông, đời cha, sang đời cháu. Đổi mới bắt đầu từ đâu? Có giống như cải tổ, cải cách ở nơi này, nơi kia? Câu trả lời đặt lên bàn nghị sự Đại hội VI của Đảng. Bản lĩnh chính trị lúc này là gì? Là dũng cảm từ bỏ những nếp nghĩ cũ, giáo điều, bảo thủ. Xóa bỏ quan liêu, bao cấp, đúng rồi, nhưng điều quan trọng là xóa bỏ ngay sự bao cấp về tư tưởng. Mỗi người hãy động não. Hãy làm cho hạt lúa, mẩu sắt, cân than tự định giá trị của mình, trả về đúng giá trị của mình trong một nền kinh tế thị trường mới manh nha.

30 năm đổi mới là bao nhiêu thời cơ, bao nhiêu thách thức. Cách mạng tiến lên và con thuyền cách mạng bao phen đương đầu sóng to gió cả. Hội nhập sâu rộng đòi hỏi khả năng thích ứng và bứt phá về kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong bước đi lên ấy, lại chất chồng những khó khăn mới. Và từ trong khó khăn ta lại nhận ra và kiên định con đường mới, con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng phải luôn đi đôi với bảo vệ. Biển Đông dậy sóng. Phải giữ vững từng tấc đất, từng sải biển thiêng liêng. Trong những ngày giáp Tết Bính Thân, tôi nhận được ba tập trường ca của các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Trần Anh Thái đều viết về biển và những điều liên quan đến “long mạch”, chủ quyền đất nước. Đủ thấy lòng dân ta với đất nước, với chủ quyền lãnh thổ, thiết tha và mạnh mẽ vô cùng. Xin trích đôi câu trong trường ca Biển mặn của Nguyễn Trọng Tạo, mang âm hưởng ấy: “Đàn chim đi sau bão đã bay về/Đảo vẫn đứng hiên ngang như đứng vậy từ xưa/Dáng người lính sáng lên cùng đá đảo/Những người lính đầu trần không áo/Lại đắp dầy công sự của mình lên”…

Bản lĩnh bao giờ cũng đi liền với trí tuệ, với lương tâm. Đất nước mạnh giàu, kinh tế giàu, văn hóa giàu, con người nhân ái, thủy chung, nối vòng tay bè bạn khắp năm châu, là niềm khao khát muôn đời. Niềm khao khát ấy cũng chính là niềm tin của nhân dân, của dân tộc chúng ta. Niềm tin mạnh hơn tất cả. Đương nhiên, đó là niềm tin vào chân lý. Niềm tin có cơ sở khoa học, khách quan, niềm tin được kiểm chứng qua thực tiễn. Đảng gắn bó máu thịt với dân, dân tin Đảng thì không khó khăn, thách thức nào có thể cản lối, ngăn đường. Dân mong muốn ở Đảng nhiều điều, nhưng gần gũi nhất là sự nêu gương. Một việc làm tốt có ý nghĩa hơn nhiều lời nói suông. Trong sự nêu gương của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên, nói như một đảng viên lão thành ở quận Ba Đình, Hà Nội: Hãy nêu gương về việc làm, những việc làm tốt gọi được tên, nhìn tận mắt. Không thể thuyết phục mọi người bằng những lời nói chung chung, thậm chí là vô cảm về thái độ, vô can về trách nhiệm.

Trước lúc về cõi trường sinh, Bác Hồ dặn chúng ta “Trước hết nói về Đảng”. Những điều Bác dặn là cho hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Ngày mai, những ngày mai là những ngày Xuân đẹp. Mùa Xuân luôn tự làm mới mình, không phải chỉ ở chỗ cây thay mầu lá, mà chính là sức xuân, hồn xuân. Vẻ đẹp bên trong mới là trường tồn.