Điện Biên đạt nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo

|

Với 7/10 huyện, thị xã, thành phố nằm trong danh sách nhóm các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đây là một trong những “áp lực” không nhỏ trên hành trình phát triển với tỉnh Điện Biên. Song, bằng nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp địa bàn, đến nay, Điện Biên đạt nhiều kết quả giảm nghèo tích cực. Đặc biệt, các huyện nghèo của Điện Biên đều giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo/năm…

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Điện Biên, cho biết, tỉnh có 7 huyện thuộc nhóm huyện nghèo được Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt tại Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022. Đó là: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ.

Đây đều là các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hạ tầng giao thông bị chia cắt, kém phát triển; đời sống nhân dân còn khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục; tội phạm ma túy…

Nhận thức được khó khăn nội tại, hoàn cảnh khách quan tác động công tác giảm nghèo, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các huyện nghèo đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững; lựa chọn nội dung thông tin, tuyên truyền phù hợp nhận thức, tập quán của bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp bà con nâng cao ý thức, nhận thức và khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các huyện tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn của Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Là một trong 7 huyện nghèo theo Quyết định 353 của Thủ tướng Chính phủ, song với Tủa Chùa, công tác giảm nghèo có nhiều khó khăn đặc thù: Địa bàn rộng, dân cư rải rác, còn một bộ phận người dân nặng tâm lý trông chờ sự hỗ trợ; đời sống nhân dân phụ thuộc chính là sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng năng suất, giá trị sản xuất rất thấp... Do vậy, khi triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa đã yêu cầu các xã chủ động rà soát nguyên nhân nghèo tại từng địa bàn, để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp từng địa bàn, tránh tình trạng chung giải pháp, chung chính sách nhưng không phát huy hiệu quả.

Căn cứ kết quả rà soát, nhận diện nguyên nhân nghèo của từng xã, huyện Tủa Chùa đã thống nhất ưu tiên nguồn lực thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp để tận dụng tối đa lợi thế đất, đất rừng và nguồn lao động tại địa phương.

Ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa, cho biết: Sau hơn hai năm triển khai, Tủa Chùa đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

Cụ thể như: mô hình khoai sọ tại xã Trung Thu; mô hình liên kết phát triển chè tại Sính Phình, Tả Phình, Sín Chải; mô hình nuôi vịt bầu tại xã Mường Đun; ngô ở Tủa Thàng.

Với nguồn thu trung bình 50 triệu đồng/mô hình/ha, đến nay các mô hình đều được nhân rộng hiệu quả. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã: Trung Thu, Tả Phình, Sín Chải, Tủa Thàng nói riêng và toàn huyện Tủa Chùa nói chung. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Tủa Chùa đã giảm rất nhiều, hiện chỉ còn 40,72%.

Cũng là huyện nằm trong nhóm các huyện nghèo với nhiều khó khăn, Mường Ảng đã chọn giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bằng việc ưu tiên nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư.

Ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng, cho biết: Từ năm 2022 đến nay, Mường Ảng đã huy động hơn 178 tỷ đồng triển khai 35 mô hình hỗ trợ sản xuất cộng đồng về trồng trọt, chăn nuôi gắn với quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với từng địa bàn, với gần 1.000 người tham gia.

Cùng với đó, Mường Ảng còn triển khai thực hiện gần 20 công trình, dự án dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Các vấn đề y tế, giáo dục, lao động, việc làm... được quan tâm thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo của Mường Ảng giảm còn 38,06%.

Cao-su, một trong những loại cây công nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho hàng nghìn gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên.

Đánh giá cao cách làm chủ động, sáng tạo của từng huyện nghèo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, cho biết thêm: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đến nay 100% huyện nghèo đều được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh. Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn chương trình Điện Biên đã phân bổ thực hiện 119 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông. Riêng thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, từ năm 2022 đến nay các huyện nghèo được phân bổ hơn 119 tỷ đồng để thực hiện; hơn 47 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất… Trong công tác hỗ trợ lao động, có khoảng 13,8% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất; đào tạo việc làm cho hơn 9.000 lao động và giải quyết việc làm cho gần 11 nghìn lao động.

Nhờ hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù đã tạo động lực cần thiết để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Công tác giảm nghèo được triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác đã mang lại hiệu quả.

Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Điện Biên đã giảm 8,33% so với năm 2021 (giảm từ 30,35% xuống còn 26,57%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm hơn 5,5%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 5%.

100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.