“Rốn lũ” rũ bùn vươn dậy

|

Ngược Ngàn Sâu khi đã qua mùa lũ dữ, dòng sông lại yên bình, thơ mộng. Trên bãi bờ, mầu xanh đang trở lại trên những vườn bưởi, nương ngô... Thấp thoáng bên sườn đồi, khói lam chiều tỏa khắp trên những ngôi nhà mái đỏ. Người dân vùng “rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) đang rạng rỡ đón xuân sang.

1. Bãi bồi Cây Dẻ ở thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch là điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong hành trình trở lại miền đất lũ Hương Khê. Mới hơn một tháng trước, hàng trăm ha bưởi ngót chục năm tuổi lúc lỉu quả đang độ thu hoạch, lái buôn vào tranh mua tại vườn với giá 50-60 nghìn đồng/quả bỗng chốc trở thành những đống củi vô tri trước sự tàn phá của dòng nước bạc. Lũ lụt đã tàn phá và làm hư hại các vườn cây ăn quả của người dân Hương Khê, nhất là bưởi đặc sản quốc gia mang thương hiệu Phúc Trạch.

Sau lũ, vượt lên mất mát, bà con làng bưởi đang nỗ lực dồn sức khôi phục lại các vườn cây. Khung cảnh vườn bưởi Cây Dẻ trước mắt chúng tôi giống như một công trường đang vào giờ cao điểm. Nếu ở phía thượng nguồn, gia đình ông Nguyễn Sỹ Hoàn cùng các hộ dân khác đang dùng máy kéo dựng lại những gốc bưởi chục năm tuổi bị lũ cuốn nghiêng thì phía xa bờ sông Ngàn Sâu, gia đình ông Nguyễn Văn Mai cùng người dân thôn Phú Lễ lại đang đào hố để trồng cây bưởi mới. Hễ nơi nào có gốc cây cũ bị chặt bỏ sẽ có ngay một cây bưởi ghép. Sức sống của bưởi Phúc Trạch được nảy mầm, bén rễ ngay trên dấu vết xác xơ còn in hằn mầu nước lũ. Khoảng giữa các gốc bưởi mới trồng, người dân còn tận dụng để xen trồng cây màu ngô, lạc như một biện pháp giải quyết khó khăn trước mắt.

Trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Cao Viết Hòa, chúng tôi được biết, chính quyền địa phương đã hỗ trợ toàn bộ cây giống bưởi Phúc Trạch để bà con trồng lại diện tích bị thiệt hại sau lũ. Thời gian tới, địa phương sẽ quy hoạch dịch chuyển dần vườn bưởi ra xa bờ sông Ngàn Sâu. Hy vọng dăm ba năm nữa những vườn bưởi ở đây lại sum sê hoa trái.

2. Theo Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn, lũ chồng lũ đã tàn phá cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cuốn đi tài sản của người dân bao đời chắt bóp, gây dựng để lại sự xác xơ tiêu điều. Đây là mất mát không nhỏ cho huyện miền núi đầy gian khó này. Thế nhưng, cũng từ nơi đã từng là rốn lũ, ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn, gây dựng lại cuộc sống của người dân nơi đây chưa bao giờ trỗi dậy mạnh mẽ như lúc này.

Trở lại các địa phương Hà Linh, Phương Điền, Hương Thủy, Hòa Hải… từng bị ngập lụt sâu nhất trong những đợt mưa lũ vừa qua, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí rộn ràng, háo hức, khẩn trương làm việc, chăm lo lao động sản xuất. Niềm vui, niềm phấn khởi ngời lên trong ánh mắt những nông dân chân lấm tay bùn... Trên cánh đồng Lãi Mèo xóm 1, xã Hương Xuân nằm cạnh bờ sông Tiêm, hàng chục ha ngô, rau cải đã xanh bời bời. Vợ chồng anh Lê Hữu Cường cùng hàng chục người dân đang lom khom bỏ phân, vun gốc cho cây. Anh Cường dừng tay: “Nhà báo biết không, ngô tốt ri là nhờ sức người cả đó! Lũ quét từ đầu nguồn kéo về đây cơ man cây cối, đá cuội, cát... Sau lũ, chúng tôi phải tốn thêm bao công sức hỗ trợ nhau để xử lý nhiều ngày trời mới cày cấy, gieo hạt được trên đất này. Vậy mà cứ cày trỉa xong lũ lại băng về, lại phải làm lại đôi, ba lần. Cũng may được Nhà nước hỗ trợ giống nên bà con cũng đỡ!”. Vợ anh Cường chỉ đống to đá cuội và cát chất ở góc ruộng nói như khoe: “Nhờ lũ mà bà con được mớ vật liệu làm đường bê-tông nội đồng không mất tiền mua”. Đến đây, tôi chợt nhớ lại trận lũ quét lịch sử xảy ra năm 2002 ở xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn). Lũ không chỉ cuốn trôi người, nhà cửa và tài sản mà còn kéo cát, đá, cây lớn, cây bé lấp đầy hàng chục ha bờ xôi, ruộng mật nơi đây. Chứng kiến cảnh chiều 30 Tết năm đó mà cay xè mắt. Khắp nơi mọi người đang lo sắm Tết, du xuân thì người dân nơi đây vẫn đổ ra đầy đồng, cật lực đào cây, nhặt đá, chở cát đi đổ để “đòi” lại những ruộng lúa, nương ngô.

3. Rời Hương Xuân về “rốn lũ” Phương Mỹ, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Ngọc Quân dẫn chúng tôi đi thăm đồng. Ông Quân khái quát tình hình địa phương: Do biến đổi khí hậu, trong vòng chục năm lại nay, hầu như năm nào chúng tôi cũng phải hứng chịu dăm ba trận lũ, lụt. Riêng năm ni có đến sáu trận lũ kéo dài hơn một tháng trời gây thiệt hại cho địa phương hơn 7,2 tỷ đồng, chủ yếu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Theo lý giải của ông Quân: Sở dĩ Phương Mỹ thiệt hại ít như vậy là do bao đời nay người dân tự tin sống chung với lũ. Nhà nào cũng có sẵn thuyền, bè phi rộng 15-20 m2 (làm bằng khung sắt, kết với chục cái phi nhựa để sử dụng được nhiều năm). Đến mùa lũ, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn 50 kg gạo, thực phẩm khô (lạc, vừng), nước đóng can… Các tài sản quý được đưa lên bè cất giữ. Riêng đàn gia súc được sơ tán lên vùng cao. Người dân ở vùng thường xuyên ngập sâu được sự hỗ trợ của Chính phủ đã làm được hơn 80 nhà tránh lũ (chiếm khoảng một phần ba nhu cầu nhà tránh lũ). Do sống quen với lũ nên đã nhiều năm lại nay, Phương Mỹ chưa xảy ra trường hợp người bị đuối nước trong lũ.

Mỗi lần lũ qua đi, ngoài công tác vệ sinh nhà cửa, môi trường, phòng trừ dịch bệnh, thì việc sản xuất để cứu đói cho người và đàn gia súc được người dân và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm với quan điểm, đất ráo đến đâu, tổ chức làm đất trồng rau màu ngay đến đấy; trên cơ sở làm cuốn chiếu, những mảnh ruộng cao ráo nước làm trước.

Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xóm Ấp Tiến: Đất sau lụt chưa được khô ráo rất khó cày nhưng vẫn phải động viên chồng đưa máy ra làm. Bù lại, cây lại mau lên, phát triển nhanh. Chính vì thế những xứ đồng Bộng Cháy, Cồn Nát, Đậu Loọc… chỉ sau một thời gian đã xanh tốt ngô khoai. Phù sa quyện với mồ hôi công sức của người dân vùng lũ vẫn hẹn những ngày mùa bội thu. Là vùng rốn lũ, nước rút chậm so nơi khác, tổ chức sản xuất không thể theo kịp mùa vụ và cũng phải kỳ công làm đất, gieo trỉa đến hai, ba lần song hầu như 100% diện tích đất ở đây đã được phủ kín mầu xanh của rau màu.

Chia tay chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ mong muốn các nhà hảo tâm đầu tư cho mỗi xã vùng rốn lũ một bể bơi để huấn luyện người dân, dạy trẻ em bơi lội. Về lâu dài, mong Nhà nước sớm đầu tư cầu Chợ Hôm và khu dân cư tránh lũ để người dân sớm ổn định cuộc sống…

Rời Hương Khê xuôi về với phố phường, để lại sau lưng mầu xanh bời bời của ngô, rau trải dài vùng rốn lũ, chúng tôi lạc quan vào sức sống của một vùng đất khó. Nơi ấy, người dân vẫn kiên cường “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, giành giật lại những mùa xuân ấm no, hạnh phúc sau mỗi mùa lũ dữ.

Người dân Hương Khê khôi phục vườn bưởi sau lũ. Nguồn: Báo Hà Tĩnh