Cuộc chiến không khói súng
Hiện nay, khoa học-công nghệ thế giới phát triển như vũ bão, nhiều nước áp dụng vào phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật để xây dựng quân đội và chiến đấu. Các cuộc chiến tranh, xung đột xảy ra trên thế giới gần đây như ở I-rắc, Li-bi, Xy-ri... cho thấy, các bên tham chiến đều sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC), có điều khiển từ xa để triệt hạ đối phương. Trong đó, tác chiến điện tử (TCĐT) là lực lượng nòng cốt, được coi như “át chủ bài” để áp chế, làm tê liệt hệ thống chỉ huy điều khiển điện tử, gây nhiễu, làm “mù” hệ thống ra-đa của đối phương.
Thiếu tướng Phạm Huy Dũng, Cục trưởng TCĐT (Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng), cho biết: TCĐT là sử dụng các phương tiện kỹ thuật thực hành tác chiến trên phổ điện từ (trên vô tuyến điện, siêu cao tần, la-de, hồng ngoại...) ở cả trên không, trên biển và trên bộ; sử dụng các phương tiện kỹ thuật phát sóng điện từ bức xạ trong không gian để tác động vào hệ thống chỉ huy, điều khiển vũ khí của đối phương, làm cho các phương tiện chỉ huy, vũ khí có điều khiển điện tử của đối phương bị tê liệt, mất hiệu quả.
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, các trận đánh diễn ra trên đất liền thường là đối đầu trực tiếp giữa ta và địch, nên việc lợi dụng địa hình, địa vật là yếu tố rất quan trọng, bởi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, đế quốc Mỹ đưa “thần sấm”, “con ma”, cả siêu pháo đài bay B.52 ồ ạt ra đánh phá miền bắc, chúng thả những lá kim loại mỏng dày đặc trên bầu trời nhằm gây nhiễu, làm “mù” hệ thống ra-đa của Bộ đội tên lửa, phòng không, không quân ta. Thế nhưng, với sự mưu trí, sáng tạo, chúng ta đã nhanh chóng làm chủ phương tiện, khí tài, tìm ra cách đánh phù hợp “vạch nhiễu tìm thù”, từng bước đánh bại cuộc chiến tranh điện tử hiện đại nhất của địch lúc đó.
Ngày nay chiến tranh hiện đại là cuộc chiến không trực tiếp tiếp xúc. Vì khi chiến tranh xảy ra, không gian chiến trường rộng lớn, diễn ra mau lẹ, ác liệt. Đối phương tuy ở cách xa, nhưng thông qua vệ tinh GPS có thể quan sát, phát hiện và sử dụng VKCNC như: máy bay tàng hình, tên lửa hành trình, bom, đạn tinh khôn…, có điều khiển từ xa, cùng lúc tiến công đồng loạt vào nhiều mục tiêu, với độ chính xác cao, sức hủy diệt lớn. Chiến trường chiến tranh công nghệ cao là chiến trường “trong suốt”, ngày cũng như đêm; hoạt động TCĐT là cuộc chiến không khói súng, nhưng là cuộc đối đầu quyết liệt, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành bại trên chiến trường.
Coi trọng xây dựng lực lượng tác chiến vô hình
Nhiều năm gắn bó, chỉ đạo huấn luyện bộ đội tác chiến trên mặt trận vô hình, Đại tá Nguyễn Long Biên, Phó Cục trưởng TCĐT, chia sẻ: Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay yêu cầu đòi hỏi cao, trong đó TCĐT được xác định là lực lượng tác chiến mới của Quân đội ta và là một trong những quân, binh chủng quan trọng được tập trung đầu tư xây dựng tiến thẳng lên chính quy, hiện đại. Cái khó của đơn vị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) là: lực lượng đóng quân phân tán, hoạt động trong các môi trường cả ở trên không, đất liền và trên biển. Trong khi đó, các thế lực thù địch sử dụng hệ thống điện tử, in-tơ-net để tuyên truyền kích động, tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Trước thực tế nêu trên, Cục TCĐT đã tham mưu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng TCĐT cơ động của Bộ và TCĐT toàn quân. Quán triệt, thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ; khắc phục khó khăn, tổ chức huấn luyện theo đúng phương châm: cơ bản, thiết thực, vững chắc. Nhất là, các trang thiết bị kỹ thuật, khí tài mới hiện đại đưa vào huấn luyện đòi hỏi người học phải có trình độ, vốn ngoại ngữ. Để “đi tắt, đón đầu” xây dựng lực lượng TCĐT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Cục TCĐT đã chủ động hợp tác với các chuyên gia nước ngoài bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, kỹ sư, trắc thủ. Thành lập các tổ chuyên sâu nghiên cứu, khai thác trang bị, khí tài mới, soạn giáo trình huấn luyện sát đối tượng và yêu cầu nhiệm vụ, với phương châm “tự huấn luyện là chính”.
Đã lên xe là vào nhiệm vụ chiến đấu
Đến Trung tâm Trinh sát TCĐT 95 những ngày cuối năm, dù trời mưa phùn nặng hạt, thời tiết buốt giá, nhưng trên bãi tập, các trạm đài, kíp trực SSCĐ, bộ đội vẫn chạy đua cùng thời gian, thi đua “vượt nắng, thắng mưa” huấn luyện giỏi, SSCĐ cao. Trung tá Tạ Xuân Trường, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Trung tâm, cho biết: Trong huấn luyện, SSCĐ đơn vị gặp không ít khó khăn, vì các tổ, trạm đài đóng quân phân tán ở khắp ba miền: bắc, trung, nam; khí tài mới được trang bị yêu cầu đòi hỏi cao. Đơn vị vừa tổ chức huấn luyện, duy trì trực SSCĐ, vừa sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ; trong khi đó hoàn cảnh gia đình một số cán bộ, nhân viên còn khó khăn.
Để huấn luyện sát thực tế chiến đấu, đơn vị xây dựng bài giảng mẫu có ghi âm, ghi hình rồi làm đĩa gửi đến các tổ, trạm lẻ; tổ chức học ngoại ngữ cho bộ đội. Phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho bộ đội những nội dung mới và khó. Hằng năm, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp, trắc thủ; cử cán bộ trực tiếp đến các tổ, trạm đài lẻ bồi dưỡng, huấn luyện bộ đội, đi đôi làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo đời sống bộ đội... Do vậy đến nay, bộ đội sử dụng thuần thục các phương tiện kỹ thuật mới và phương án chiến đấu cả ban ngày lẫn ban đêm, với tinh thần “đã lên xe là vào nhiệm vụ chiến đấu”. Thượng úy Trần Văn Tý, phụ trách Trạm Trinh sát định vị sóng ngắn số 2, quê ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), có bố tuổi cao sức yếu, mẹ đã mất. Vợ anh Tý là giáo viên trường THCS, hai con còn nhỏ dại, vì điều kiện công tác, vợ chồng anh đã gửi hai cháu về quê để ông nội chăm sóc. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng anh Tý vẫn làm đơn tình nguyện lên công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhưng anh đã cùng đồng đội khắc phục mọi khó khăn, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tôi cũng như anh em trong đơn vị thu xếp công việc gia đình ổn thỏa để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tôi rất vui và tự hào được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” - Thượng úy Trần Văn Tý, thổ lộ.
Tại Lữ đoàn TCĐT 84, đúng lúc bộ đội đang luyện tập thực hành khai thác khí tài mới, theo sát động viên bộ đội học tập, Thượng tá Đỗ Khắc Chiến, Chính ủy Lữ đoàn, tâm sự: Trong huấn luyện, đơn vị gặp không ít khó khăn, nhất là, huấn luyện bộ đội sử dụng khí tài mới khi quan sát dải sóng phải biết cách tính toán, xử lý, phân loại, đánh giá thông tin. Do tổ chức huấn luyện chặt chẽ, coi trọng huấn luyện trình độ kỹ, chiến thuật TCĐT cho các kíp chiến đấu, cho nên hằng năm, 100% các kíp đài huấn luyện đều đạt yêu cầu, trong đó, có 75% khá, giỏi trở lên.
Thiếu tá Đào Văn Quân, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, là người đã từng cùng tổ TCĐT của Lữ đoàn 84 phối hợp cùng tàu của Vùng 3 Hải quân làm nhiệm vụ dài ngày tại vùng biển chia sẻ: Lên tàu cùng Bộ đội Hải quân đi biển làm nhiệm vụ, sóng to, gió lớn, anh em trong tổ phải làm việc độc lập; hoạt động trong môi trường nước biển mặn, máy móc, khí tài thường xuyên phải bảo quản, gia cố chắc chắn để không bị hư hỏng, hoặc rơi xuống biển. Anh em tổ TCĐT đã khắc phục mọi khó khăn, nắm chắc chủ trương, đối sách, duy trì chế độ canh trực 24/24 giờ trong ngày; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xuân đang về! Bên bồn hoa, chậu cảnh trước hiên nhà, nụ hoa xuân đua nhau khoe sắc. Những cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Cục TCĐT vẫn đang cùng người lính trên mặt trận vô hình toàn quân miệt mài làm việc. Tôi nhớ lời tâm sự mộc mạc, chân tình của Trung úy chuyên nghiệp Bùi Văn Nho, Đài trưởng (Lữ đoàn TCĐT 84): “Công việc độc lập, lặng thầm nhưng không kém phần căng thẳng, khó khăn. Song tôi cũng như anh em trong đơn vị sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi luôn tự hào được là người lính gác không gian bầu trời Tổ quốc, để đất nước bốn mùa mãi bình yên”.
Những người lính trên mặt trận vô hình
|