Tiền thuê trọ - một phần ba tiền lương
Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) vào chính hè, nắng vẫn như đổ lửa. Cái nắng, cái nóng thêm con gió tạt vào mặt người bỏng rát. Làm trong xưởng đã vất vả, thế nhưng, lúc về nhà trọ thì cũng ngột ngạt chẳng kém.
Chúng tôi nhờ người quen giới thiệu cho ở cùng phòng trọ của bốn bạn công nhân trẻ chưa lập gia đình. Căn phòng bé chưa đầy 10 m2, được lợp fibro xi-măng chỉ đủ kê một cái phản và một cái tủ giấy đựng quần áo. Bốn phía tường ẩm mốc, phòng vệ sinh cũ kỹ và cáu bẩn.
Nguyễn Thị Lan (25 tuổi, quê ở Thanh Hóa) từng học cao đẳng sư phạm nhưng không xin được việc đành đi làm công nhân để kiếm tiền trả nợ, lo cho cuộc sống. Lan tâm sự: “Mấy hôm nay nhiệt độ giảm còn có 32 độ C, phòng này đã mát lắm rồi! Những ngày Hà Nội cao điểm nắng nóng, nhiều đêm đi làm tăng ca về mà giường còn nóng như cái chảo, mệt muốn đặt lưng xuống mà không nằm được phải dậy mua đá đổ vào chậu quạt cho không khí bớt nóng, vậy mà vẫn không ngủ được”.
Lan cho biết, dù phòng bé, lại những bốn người ở chung, nhưng phải đến cả tháng nay cô cùng ba người bạn chung phòng gần như không lúc nào cùng có mặt đủ ở phòng, vì ai cũng tăng ca kíp, giờ giấc làm việc cũng rất thất thường. Kể cả có ở nhà cùng nhau thì các cô cũng nằm ngang, nằm dọc, co cụm hoặc chen chúc trên chiếc giường.
Cách đó không xa là phòng của gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (Hà Nam), làm công nhân vắt đế tại Công ty Giày Hàn Quốc. Chị Tâm cho biết anh và chị làm công nhân ở đây đã gần chục năm. Hai vợ chồng cưới nhau cách đây ba năm và đã có một cô con gái gần hai tuổi. Vì cuộc sống quá khó khăn nên lúc sinh xong, con được tám tháng, chị đành phải để con ở nhà nhờ ông bà trông rồi lại ra lại khu công nghiệp xin việc làm tiếp. “Lương tháng hai vợ chồng em chỉ được hơn chục triệu một chút. Em được 4,5 triệu chưa có tăng ca, còn công ty chồng tăng ca nhiều thì tháng được tầm hơn 6 triệu. Phải chắt bóp lắm mới đủ tiền sinh hoạt, gửi về nuôi con”, chị Tâm cho biết.
Trước đây, hai vợ chồng chỉ thuê một phòng trọ 8 m2, lợp fibro xi-măng giá 800.000 đồng/tháng. Thế nhưng, mấy tháng nay trời nóng, thêm vào đó thi thoảng hai bà cháu lại ra chơi nhưng không có nơi ngủ nên anh chị phải thuê phòng rộng và mát hơn một chút. Mặc dù phòng mới chỉ rộng hơn có 2 m2, nhưng giá tiền tăng gần gấp đôi.
Nhẩm tính với tôi, chị trầm giọng: “Tháng này phải trả tiền nhà mất 1,2 triệu đồng, thêm tiền điện, tiền nước mất 400.000 nữa là 1,6 triệu đồng/tháng. Tiền ăn của hai vợ chồng, cô con gái và bà ngoại ra trông nữa đã một tháng ba triệu đồng, tiền thăm hỏi, đám cưới, xăng xe, điện thoại, thuốc cho con… bốn triệu nữa, vậy là gần hết lương của hai vợ chồng”.
Nói về tương lai, anh Huy, chồng chị Tâm cho biết: “Cũng tính là đi làm tích cóp ít vốn sau này về quê làm ăn chứ ở đây sống cảnh thuê trọ mãi thế này chán lắm! Nhà cửa không đủ tiền mua, ở trọ chật chội có muốn cho con ra ngoài này cũng khó bởi chẳng biết gửi con ở đâu vì nhà trẻ không có, trường mầm non công lập thì không gửi được vì không có hộ khẩu”.
So nhiều khu công nghiệp khác thì nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp Nam Thăng Long, hoặc Bắc Thăng Long - Hà Nội có giá đắt nhất. Nếu tính trên thu nhập thì mỗi tháng, công nhân phải mất từ một phần ba cho tới hai phần ba thu nhập. Thu nhập thấp nên những người như Lan hay gia đình chị Tâm, anh Huy không bao giờ dám hy vọng sẽ mua chung cư chứ đừng nói đến mua nhà đất.
Ước mơ xa vời
Không phải chỉ ngoài bắc, nhiều vùng thuộc miền trung, miền nam, hàng trăm nghìn công nhân cũng đang phải đối mặt những khó khăn về nhà ở. Cuối năm 2016 trong một lần đi thực tế tại Khu công nghiệp Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai), chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của những người công nhân phải gắn hàng chục năm ở các phòng trọ chật chội.
Lao động ở trọ tại Khu công nghiệp Tam Phước (Đồng Nai).
Vợ chồng anh Sơn Mon và chị Nguyễn Thị Mơ (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) lên Đồng Nai làm công nhân đã được 12 năm. Hiện tại, cả nhà anh Mon đã lên đây lập nghiệp. Anh chị thuê ba phòng trọ cạnh Khu công nghiệp Tam Phước (TP Biên Hòa) cho vợ chồng, con cháu ở để đi làm. Các phòng cũ nát, tường ẩm mốc được dán giấy chằng chịt, rộng chưa đầy 10 m2, có gác xép khoảng 5 m2 là chỗ ở của vợ chồng anh, bao gồm cả chỗ ngủ, bếp, nhà vệ sinh. “Thu nhập của vợ chồng tui so ở quê thì cao lắm! Tháng nào tăng ca hai vợ chồng cũng được 15-16 triệu đồng. Mỗi tội đi làm vất vả, ngày làm 13-14 tiếng, về nhà lại chật chội, ăn uống, sinh hoạt kham khổ”, anh Sơn Mon nói.
Nỗi lo lớn nhất của anh Mon và chị Mơ chính là nhà ở. Con gái út (12 tuổi) của anh từ quê ra ở cùng anh chị thì nhà trọ càng chật chội hơn. “Xa con thì nhớ mà cho cháu ra đây học thì không biết có xin được không. Nhà không có, chỗ ở chật chội, không khí ẩm mốc thế này tôi lo cháu cũng phát ốm mất thôi”, chị Mơ lo lắng nói.
Tại nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng công nhân thiếu nhà ở, phải trọ trong những khu trọ chật hẹp, nóng bức cũng khá phổ biến. Chị Tạ Thị Thủy, công nhân Công ty Eins Vina, Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, cho biết, vợ chồng chị vào làm công nhân ở đây đã được 12 năm. Lương chồng chị hơn 7 triệu đồng/tháng, còn chị được 6 triệu đồng. Tháng nào chi tiêu tiết kiệm còn dư được chừng 3-4 triệu đồng, tháng nào khám, chữa bệnh nhiều thì… âm.
“Hai vợ chồng mình hiếm muộn, lấy nhau 5 năm rồi mà chưa có con. Giờ muốn đi chữa trị nhưng ngặt cái tiền không có đành chịu. Giờ còn phải tiền thuốc thang, nên chỉ thuê căn phòng trọ giá rẻ hơn 10 m2 (1,1 triệu đồng/tháng)”, chị Thủy tâm sự.
Theo tính toán của chị Thủy và những công nhân ở dãy trọ này thì vợ chồng nào tiết kiệm lắm tháng cũng chỉ dành được 3 - 4 triệu đồng. Tính ra một năm chưa đầy 50 triệu đồng. 10 năm cũng mới được 500 triệu đồng, đấy là chưa kể có ốm đau hoặc việc phát sinh phải chi tiêu. Trong khi đó, một căn nhà đất khoảng 30 m2 hoặc nhà chung cư từ 50 m2 trở lên ở khu này cũng có giá không dưới 1 tỷ đồng. Có khi làm cả đời chẳng thể mua nổi.
Nói về chuyện mua nhà, chị cười buồn: “Cũng mơ ước, nhưng xa lắm chẳng dám nghĩ tới”.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng thiết chế nhà ở của công đoàn ở các khu công nghiệp và đề án đã được Thủ tướng phê duyệt bằng Quyết định 655 ngày 12-5-2017 vừa qua. Dự kiến, việc xây dựng thiết chế nhà ở sẽ được làm điểm ở ba tỉnh là Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Những ngôi nhà chung cư này sẽ có diện tích từ 30 - 60 m ² với giá khoảng 100 đến 300 triệu đồng/căn.