Cực nhọc nghề dọn vệ sinh tại bệnh viện

|

Dù phải gánh vác những công việc nặng nhọc, kèm không ít hiểm nguy nhưng không phải ai cũng ghi nhận hay đánh giá đúng công sức của những công nhân dọn vệ sinh trong các bệnh viện.

Cường độ cao, nguy cơ lây nhiễm lớn

Một ngày làm việc của chị Lữ Thị Hà (53 tuổi), công nhân dọn vệ sinh thuộc Công ty ICJ được Bệnh viện Nhi Trung ương thuê thường bắt đầu từ 5 giờ sáng. Tới điểm danh, rồi thay trang phục, chuẩn bị dụng cụ lau dọn, hóa chất, tầm 6 giờ bắt đầu dọn vệ sinh.

Dưới ánh đèn chị Hà bắt đầu công việc quét dọn, lau chùi từng phòng bệnh, từng góc sân rồi tới khu vệ sinh trong bệnh viện. Cường độ làm việc tấp nập, hối hả, nhanh tay, nhanh chân và mọi việc phải kết thúc trước giờ bác sĩ đi khám cho bệnh nhân đang nằm điều trị. “Thường giờ mọi người nghỉ ngơi là giờ chúng tôi bắt đầu làm việc. Có khi chúng tôi phải làm việc tối muộn, cũng có khi từ sáng sớm, hoặc giữa trưa. Các ca dọn vệ sinh phải được bố trí hợp lý tránh giờ cao điểm khám, chữa bệnh”, chị Hà nói.

Cũng theo chị Hà, thường theo quy định thì giờ làm việc chính thức của công nhân là tám tiếng, nhưng do tính chất công việc nhiều nên công ty phải bố trí tăng ca. Vì vậy, nhiều công nhân đăng ký làm hai ca liên tục tới 15 tiếng đồng hồ. Mặc dù vậy nhưng thu nhập của họ chỉ tầm 5-7 triệu đồng. “Lương trung bình của một công nhân dọn vệ sinh tầm 3,5 triệu đồng. Nếu tăng ca có thể được hưởng mức lương cao gấp đôi, nhưng công việc vất vả, áp lực nhiều nên không phải chị em nào cũng bám trụ được”, chị Hà tâm sự.

Chị Lữ Thị Trang, công nhân dọn vệ sinh cùng tổ với chị Hà cho biết, áp lực lớn nhất không phải là công việc chuyên môn, lau dọn mà lại chính từ môi trường làm việc. “Làm việc trong bệnh viện khác xa với môi trường như ở gia đình hay nơi khác. Đông đúc, ngột ngạt, người ốm đau, mệt mỏi nên rất dễ nảy sinh tâm lý cáu bẳn, nếu mình không có kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân thì rất dễ nổi cáu”, chị Trang chia sẻ thêm.

Chị Trang nhớ lại, có những lần, quét dọn phòng bệnh, do vô tình lỡ tay đụng chổi nhẹ qua người nhà bệnh nhân, thậm chí có khi nếu quét phòng lỡ để phát ra một tiếng động mạnh làm bệnh nhân tỉnh giấc là họ chửi ầm lên. Cũng có lần đang quét dọn tại nhà vệ sinh, có bệnh nhân không nhìn thấy đã đổ nước thải phải người mình, vừa hôi vừa bẩn nhưng cũng chấp nhận mà đành nín nhịn thôi. Nhiều chị em có khi tủi thân chỉ biết khóc hoặc tâm sự với đồng nghiệp khác.

Một nữ lao công ở Bệnh viện E Hà Nội chia sẻ, công việc vất vả nên bất kể mùa đông hay mùa hè, mỗi lần cầm chổi lau dọn là người đổ mồ hôi như tắm. Với các công nhân, nhọc nhất là lau chùi, dọp dẹp vệ sinh trong bồn cầu. Ai ý thức được còn đỡ, ai thiếu ý thức thì cái gì cũng vứt vào bên trong, có khi bồn cầu tắc nghẹt, bốc mùi xú uế”.

Vất vả nữa là dọn dẹp những phòng bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, hay cấp cứu do tai nạn, máu me vương khắp khoa... thường với những trường hợp này, lau chùi xong là công nhân bị ám ảnh cả tuần. Khổ nhất là nhiều bệnh nhân mê man tiểu ngay trên giường, vương ra khắp phòng. Có khi cùng một lúc phải chạy “sô” dọn dẹp ba, bốn phòng. Nỗi lo canh cánh ám ảnh những người lao công tại các bệnh viện vẫn là những căn bệnh truyền nhiễm có thể bị lây khi dọn dẹp.

Thậm chí, hầu như chẳng có người nào không từng bị kim chích vào tay vài lần chảy máu. Mặc dù đã được trang bị các dụng cụ bảo hộ, tuy nhiên do thường xuyên phải tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm bệnh như HIV, viêm gan B… nên nhiều lao công trong bệnh viện thường xuyên lo lắng. Nhiều người đã có thời kỳ còn mắc “bệnh nghề nghiệp”, khi đi ngủ cũng vẫn đeo khẩu trang.

Chút an ủi cho nghề vất vả

12 giờ 30 phút giờ trưa, khi các ca kíp, khám chữa bệnh đã tạm dừng công việc, các nữ lao công lại ngồi bên nhau chia từng suất cơm, quả chuối, củ khoai để chuẩn bị làm việc cho ca chiều. Chị Lữ Thị Hà tâm sự, cũng như những người phụ nữ khác, cực chẳng đã chị mới gắn bó và làm nghề dọn vệ sinh trong bệnh viện.

Cách đây khoảng 20 năm, chị từng là công chức ở một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, nhưng do hoàn cảnh cá nhân nên chị xa quê, về sống và lấy chồng tại Hà Nội. “Lúc ấy cũng chẳng biết làm nghề gì, rồi được bạn giới thiệu vào làm cho công ty dọn vệ sinh. Cũng may được nhận, kể từ lúc đó tới giờ tôi làm công nhân dọn vệ sinh trong các bệnh viện luôn”, chị Hà nhớ lại.

Nhắc đến chuyện gia đình, chị Hà rơm rớm nước mắt. Gương mặt chẳng mấy hài hòa, bị che phủ bởi nhiều lớp tàn nhan. Làn da trắng cũng chẳng thể xua đi sự khắc khổ và nỗi buồn trên gương mặt chị khi nhắc đến quá khứ. Chị Hà kể: “Lấy chồng, đẻ con được mấy tháng thì chồng tôi mất. Được vài năm sau mẹ chồng cũng mất. Tôi một mình vừa phải nuôi con vừa phải gánh vác công việc của nhà chồng. Nhiều lúc nghĩ cũng đuối lắm nhưng được cái công ty, đồng nghiệp thấu hiểu tạo điều kiện để làm việc nuôi con”. Giờ đây, con trai chị đã học lớp 9, cháu tự lo được cho bản thân. Còn chị, dù công việc vất vả, lương thấp, nhưng như vậy cũng đủ cho mẹ con chị sống cuộc sống bình thường.

Hầu hết chị em, những công nhân lao động làm công việc dọn vệ sinh đều có những hoàn cảnh khá đặc biệt. Anh Nguyễn Văn Sơn (Bệnh viện Nhi Trung ương) hơn hai năm gắn bó với công việc xử lý rác thải, trải lòng: “Khi mới vào nghề nhiều lúc chán nản, ai cũng hỏi con trai sao lại làm công việc ấy làm gì, lương cũng chẳng đáng là bao, mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng nhưng làm lâu thành ra quen, giờ cũng chẳng biết phải làm công việc gì khác”.

“Nghề lao công bệnh viện cũng vậy, muốn làm tốt công việc thì phải xem bệnh nhân như người thân của mình. Mấy năm gắn bó với nghề lao công, mình hạnh phúc nhất khi được nhiều bệnh nhân quý mến, trân trọng, khi được họ xem như người thân của họ, nhiều người dù đã xuất viện nhưng vẫn giữ liên lạc, gọi điện hỏi thăm mình thường xuyên”, anh Sơn tâm sự.

Có thể, do có chung hoàn cảnh vất vả, nghèo khó nên những người lao công, công nhân dọn vệ sinh luôn thương yêu đùm bọc và coi nhau như chị em một nhà. Có chuyện gì cùng hỗ trợ, giúp đỡ cả trong công việc và cuộc sống. “Bọn tôi vẫn động viên nhau làm tốt công việc. Chẳng có nghề gì là xấu, là mặc cảm cả. Quan trọng là mình có tận tụy, làm tốt công việc hay không”, anh Sơn bộc bạch, cũng là suy nghĩ chung của những người lao động cùng hoàn cảnh khác. Mặc dù công việc khá vất vả, đôi khi còn đối diện với nguy hiểm đến từ khả năng lây nhiễm dịch bệnh... nhưng những người lao công như chị Hà, chị Trang hay anh Sơn vẫn gắn bó với nghề dù không ít người đã cập kề tuổi nghỉ hưu. Đơn giản với họ, đây là một nghề để mưu sinh, nghề nào cống hiến sức lao động tạo ra của cải thì nghề đó vẫn là nghề chân chính, đáng tự hào.

Gắn bó với công việc gần 20 năm nay, cô Lê Thị Tâm (Bệnh viện Bạch Mai) cảm thấy cách suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều. Vượt qua những nỗi sợ ban đầu, tiếp xúc với các ca bệnh nặng, những trường hợp tử vong, cô nhận ra sinh tử đường đời cũng chỉ mong manh trong nháy mắt. “Dù công việc có vất vả nhưng lao động của chúng tôi đem đến sự sạch sẽ, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân cũng như đội ngũ y, bác sĩ, vậy là mừng lắm rồi! Ám ảnh nhất mỗi khi bệnh nhân nhập viện, người thì băng kín từ trên xuống đầu, người thì kêu rên thảm thiết vì cơn đau hành hạ, nhưng cũng có người nằm bất tỉnh. Mỗi khi chứng kiến sự tuyệt vọng của người nhà bệnh nhân khi bác sĩ nói không còn hy vọng gì nữa thì thương họ nao lòng”, cô Tâm chia sẻ.