Kỳ 2: Phát triển gắn với tái cơ cấu nông nghiệp
Khơi nguồn từ thủy lợi
Theo đánh giá của Chính phủ, ĐBSCL là vùng đất có rất nhiều tiềm năng phát triển mang tầm chiến lược cả về kinh tế - xã hội. Chỉ với diện tích chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển NN, công nghệ thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất NN lớn nhất của Việt Nam nhưng vùng ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; vị trí thuận tiện giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong.
Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt rất nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi tự nhiên. Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Vậy làm thế nào để NN tại ĐBSCL phát triển ổn định, đẩy mạnh TCC gắn liền với ứng phó BĐKH?
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, cho rằng: “Điều đầu tiên, cần phải khởi nguồn từ hệ thống công trình thủy lợi (CTTL), làm NN mà không gắn với thủy lợi thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được. Khi có được những hệ thống thủy lợi (HTTL) khép kín thì điều tiết nước phục vụ cho TCC cây trồng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.
Với quan điểm phát triển NN gắn với HTTL nên ngay từ năm 2003, 2004 tỉnh Hậu Giang đã khởi nguồn đề ra những chiến dịch thủy lợi mùa khô. Tổng nguồn vốn cho chiến dịch khoảng 4.000 tỷ đồng, được huy động người dân đóng góp khoảng 40%, còn lại từ nguồn vốn ngân sách T.Ư, địa phương và nguồn lực xã hội khác. Nhờ đó, trước khi chiến dịch diễn ra thì diện tích ngọt hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chỉ dưới 10.000 ha nhưng giờ đây đã có được hơn 40.000 ha, diện tích cây đặc sản chiếm khoảng 15.000ha, tạo nguồn được hơn 681 km kênh nội đồng và CTTL được khép kín bảo đảm khoảng 70% diện tích đất NN trên toàn tỉnh.
Theo ông Đồng, nhờ có việc đầu tư khép kín các CTTL đã giúp cho Hậu Giang vượt qua được những ảnh hưởng lớn trong vụ hạn, mặn vừa qua.
Với việc thực hiện từng bước đầu tư cơ bản đã giúp cho ngành NN tỉnh Hậu Giang đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ và bền vững. Chỉ tính riêng diện tích trước đây có khoảng 80.000 ha lúa chỉ một vụ, hiện nay đã tăng lên hai hoặc ba vụ, với năng suất lúa đạt khoảng bảy tấn/ha vào vụ đông xuân (trước đây chỉ khoảng 5,5 đến sáu tấn/ha); phát triển được trên 4.000 ha nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, tại Hậu Giang áp dụng cơ giới hóa vào NN gắn liền chương trình “ba giảm, ba tăng” và HTTL tốt đã giảm cho nguồn chi phí đầu vào của các sản phẩm từ NN từ 25 đến 30%.
Trên thực tế, nhiều địa phương tại vùng ĐBSCL đã có nhiều bước tiến rất lớn từ những mô hình chuyển đổi cơ cấu NN gắn liền HTTL và ứng phó BĐKH. Trong đó, với nhiều mô hình kinh tế như tôm lúa, chuyên canh cây khóm, cây đặc sản… tại các tỉnh như Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre… cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, ngay tại Cà Mau ở khu vực huyện Thới Bình, Trần Thời nhờ có được HTTL khép kín tỉnh đã đẩy mạnh phát triển mô hình tôm - lúa cao sản (lúa sạch) đưa lại hiệu quả kinh tế từ 70 đến 80 triệu đồng/ha/năm.
Theo giải thích của ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cây lúa và con tôm có những tương trợ với nhau rất tốt khi gốc lúa sau khi thu hoạch đã trở thành những điểm để các loại côn trùng bám vào đó và gốc rễ lúa khi mục ra tạo thành những phụ phẩm làm nguồn thức ăn cho tôm. Điều quan trong nhất, từ giá trị thu lại từ tôm luôn đạt từ 70 đến 80 triệu đồng/ha nên người dân giờ đây cũng coi tôm là nguồn thu nhập chính bên cạnh việc trồng lúa. Điều này cũng giúp người dân tự tạo ý thức muốn tôm không bị ảnh hưởng, sản lượng thấp hoặc bị bệnh chết thì việc trồng lúa không được phun thuốc, bón nhiều phân hóa học… Đây chính là nguyên nhân quan trọng để tỉnh Cà Mau đẩy mạnh mô hình một vụ tôm gắn với phát triển vùng lúa cao sản.
Tăng giá trị lợi nhuận từ HTTL
Với các mô hình phát triển kinh tế của mình, tại Bến Tre người dân đang được hưởng lợi rất lớn từ các HTTL. Gần 40 năm sản xuất lúa, chưa bao giờ ông Hồ Văn Cương (ngụ xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) hài lòng như lúc này vì đời sống kinh tế ổn định, hiệu quả từ mô hình lúa - tôm mang lại gấp nhiều lần so trước đây.
Trước đây, gia đình ông Cương canh tác 2,5 ha đất nhưng chỉ sản xuất được một ha lúa mùa với năng suất khoảng hai tấn/ha/năm. Diện tích còn lại là mương, nhưng không làm gì được vì mùa nước thì ngập trắng đồng, mùa khô lại rút cạn. Gia đình ông phải đi xứ khác làm thuê để kiếm sống sau mỗi mùa vụ vì sản lượng lúa chỉ đủ ăn. Tất cả đã thay đổi khoảng chục năm trở lại đây khi người dân làm đê bao cục bộ, Nhà nước nạo vét hệ thống kênh, mương để sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm.
Ông Cương tâm sự: “Dân chúng tôi không bao giờ nghĩ một ngày nào đó ở vùng đất ngập mặn này lại có thể sống tốt bằng sản xuất NN. Khi HTTL hoàn chỉnh gia đình tôi vẫn sản xuất khoảng một ha lúa, diện tích mương chung quanh được bao lại để nuôi thủy sản nên hiệu quả tăng hơn 10 lần so trước đây. Chỉ từ lúa và tôm cộng lại đã có thể thu lại lợi nhuận trên 120 triệu đồng/ha, trong khi trước đây chỉ làm lúa mùa mong đủ ăn cho cả nhà với giá trị chưa tới 10 triệu đồng”.
Hiện tại, ông Cương cùng các xã viên trong hợp tác xã trồng lúa không đủ bán vì liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu giá 7.600 đồng/kg. Trừ chi phí nông dân lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch, nông dân tiếp tục thả tôm càng xanh, tôm sú, cua ngay ruộng lúa mang lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ ha nữa nên cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Điều đáng nói, nhờ HTTL khép kín nên nông dân có thể điều tiết nước mặn hợp lý để nuôi tôm mang lại hiệu quả cao. Trong đó, mô hình lúa - tôm sẽ bổ trợ cho nhau khi cây lúa nhờ phân từ tôm, cua và ngược lại đến vụ tôm nhờ gốc tạo ra sinh vật, phù du nên nông dân nuôi tôm lại ít tốn thức ăn mà vẫn phát triển tốt. Vì vậy, nông dân thu hoạch cả lúa, tôm với năng suất cao, sản phẩm sạch nên bán được giá hơn trước đây. Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú trên diện tích 6.500 ha tại vùng lúa - tôm huyện Thạnh Phú. Từ đó, mô hình này ngày càng được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Vùng đất phát triển cây dừa tại huyện Thạnh Phú ở các xã Tân Phong, Hòa Lợi, Phú Khánh... cũng nhờ có HTTL nên nông dân đều tăng thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất. Nông dân Lê Văn Việt, ngụ xã Hòa lợi (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) canh tác 1,5 ha đất chuyển từ trồng lúa sang trồng dừa mang lại hiệu quả cao hơn từ năm đến bảy lần so trước đây. Lúc chưa có HTTL, toàn diện tích đất trong khu vực đều được nông dân trồng một vụ lúa mùa. Đến vụ thu hoạch đều phải “chạy” nước vì nếu không gặt nhanh nước sẽ ngập tới bông lúa. Năng suất bình quân cũng chỉ đạt từ hai đến ba tấn/ha nên hầu hết người dân phải kiếm nghề khác làm, hay tha phương cầu thực trong những tháng xâm nhập mặn, không thể sản xuất được. Khi HTTL dọc kênh Cổ Chiên hoàn thành, người dân chủ động được nguồn nước nên làm hai vụ rồi ba vụ lúa. Khoảng năm năm nay, đất được cải tạo, nước ngọt quanh năm nên nông dân chuyển qua trồng dừa, trồng cỏ xen tronng vườn dừa để nuôi bò, dê mang lại hiệu quả cao.
Ông Việt, so sánh: “Trước đây nông dân thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ha từ trồng một vụ lúa mùa thì nay có thể tăng lên 70 triệu đồng từ mô hình trồng dừa kết hợp nuôi bò, cá biệt có hộ dân thu nhập trên 100 triệu đồng/ ha. Bây giờ nhờ có HTTL với cống ngăn mặn nên hầu hết nông dân đã chuyển đổi vì hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”.
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương thông tin, hiện tại trên địa bàn huyện có 33 km đê bao dọc sông Cổ Chiên và Hàm Luông với 10 cống lớn, nhỏ phục vụ trữ ngọt, ngăn mặn cho chín xã của tiểu vùng một để trồng dừa và sản xuất lúa. Trong đó hơn 6.000 ha dừa và khoảng 1.000 ha lúa. Gần đây diện tích lúa đang giảm dần để chuyển đổi sang trồng dừa, hoa màu nhờ HTTL đã khép kín. Ngoài ra, các xã thuộc tiểu vùng hai có sáu tháng nước mặn được nông dân làm đê bao cục bộ, nhà nước nạo vét hệ thống kênh để sản xuất mô hình lúa - tôm với khoảng 6.500 ha mang lại hiệu quả khá cao so trước đây. Trong thời gian tới, địa phương sẽ đầu tư hoàn chỉnh HTTL để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
(Còn nữa)