49 năm xe đá đậu
Năm 1965 gia đình ông Ngô Thu rời Năm Căn về Cà Mau bán bánh kẹp, bánh bò xốp, bắp luộc ở góc chợ Vưu Văn Tỷ (phường 2 ngày nay) nuôi năm người con học ở Trường Tư thục Dục Tài (nay là Trường tiểu học Nguyễn Tạo). Gia đình ông xin ở đậu một gian nhà của người bà con họ xa. Siêng năng buôn bán dành được món tiền đủ mua một ngôi nhà lá nhỏ ở ven sông. Nhà lụp xụp, ẩm thấp, đường thấp, đọng nước lầy lội. Ông bà mua cây lá về dựng lại nhà. Nhà chưa dựng xong thì ông Ngô Thu trúng nước mất trong khi ngôi nhà mái đang lợp dở dang. Lo tang cho chồng xong, bà Láng vực mình đứng dậy, tiếp tục sửa nhà đón các con về ở. Một mình nuôi năm con, gánh nặng oằn vai. Năm 1970 bà mở xe đá đậu trước cửa nhà bán cho khách đi đò qua sông. Cuộc sống cực nhọc, năm con của bà lần lượt nghỉ học, cả nhà phải sống nhờ vào xe đá đậu.
Tuy là nơi sầm uất nhất Cà Mau nhưng phố phường của “trung tâm tỉnh lỵ” những năm 70 còn đơn sơ lắm: chợ thì đã có từ lâu với một vài tiệm sắt mới mở, nhà còn thưa thớt và lau sậy mọc chen vào những đám đất trống. Phố không có nhiều hàng quán, điểm qua chỉ vài món ăn vặt. Nhà bà Láng nằm gần chùa Bà, nơi con hẻm có ba hộ dân dẫn đến bến đò đi qua kênh Rạch Rập.
Ai “khai sinh” ra món đá đậu thì bà Láng không rõ. Chỉ nhớ bà đã ăn ở đâu đó từ lâu, nhớ vị mà làm. Đá đậu được làm bằng… đậu và đá. Đậu đỏ ngâm 6 tiếng hầm cho mềm, đậu xanh không cần ngâm mà hầm ngay, bột khoai, bột báng cũng ngâm 30 phút rồi luộc mềm, thêm chuối khô, khóm ngào, bo bo, sapoche, nước cốt dừa, đường cát và đá bào. Trong tất cả các thức ấy, vị ngon nhớ mãi và bí quyết nhà nghề nằm ở nước cốt dừa. Sánh, mịn, béo, bùi, mặn ngọt vừa đủ, thơm… thôi chưa đủ. Quan trọng là nước cốt dừa quyện đều tất cả các thức ấy hợp nhau đến mức nếu thiếu nước cốt dừa của bà Lánh thì ly đá đậu không còn “hồn đá đậu” nữa, nó nhạt nhẽo, dở dang, rời rạc thế nào. Nếu thực khách nào muốn thêm vị siro thì thêm, không thì các thức trên đã đủ. Siro là thức làm cho ly đá đậu đẹp hơn và lạ vị. Điều cuối cùng là các thức phải được nấu trong ngày, không nấu để sẵn dễ ôi, chua.
Bà Láng nay đã gần 90 tuổi, sau những lần đau ốm phải nhờ xe lăn hỗ trợ. Bà hay lăn xe ra phía trước nhà, nhìn thực khách của mình, rồi nhìn ra bến sông xa. Trong tiềm thức của bà, không còn nhiều điều đọng lại nhưng cái xe đá đậu mãi mãi là ký ức, là hiện thực đời bà: “Tôi lúc đó chừng hơn ba mươi tuổi, nhà mới chưa dựng xong, chưa kịp ở thì ổng chết. Ổng chết vì trúng nước do lặn lội hôm sớm dựng cái nhà này cho mẹ con tôi ở. Đời tôi cực khổ biết bao nhiêu mà nói. Tưởng chết đi rồi… Xe đá đậu, tôi mang ơn nó, như chồng tôi về độ cho mẹ con tôi, để làm bạn với tôi, nuôi sống tôi và các con. Thời may, khoảng năm 80, hàng xóm tôi bán nhà định cư ở nước ngoài tôi mua lại được nên cái nhà nó rộng hơn. Cũng nhờ nó cả. Giờ gần đất xa trời, hằng ngày ngồi đây ngắm người mới, người cũ, người ở xa, người ở gần… tới nhà mình ăn đá đậu làm vui chờ ngày về đoàn tụ với chồng”, Bà Láng cười thiệt hiền tâm sự.
Người đi xa về tìm hồn của phố
Anh bạn của tôi cam đoan rằng thức ăn cũng có tâm hồn. Anh theo gia đình sang Mỹ, ăn trăm món ngon vật lạ khắp thế gian nhưng lòng vẫn nhớ về ly đá đậu ở hẻm sông nhỏ sang Rạch Rập. 30 năm trở lại là để tìm chút ký ức vướng lại nơi này. Anh về, Cà Mau tươi đẹp, to lớn, tấp nập hơn xưa. Anh nói cứ để anh tìm ra đường ra xe đá đậu, cũng lạc mấy con đường, rồi lần theo dấu chùa Bà mà tìm ra chốn cũ. Anh hơi run, ngồi trên chiếc ghế gỗ đã bóng nước thời gian, ánh lên màu gỗ già, đặt tay trên chiếc bàn gỗ thoảng có vết mối mọt nhưng vẫn còn chắc chắn, anh nhìn ra bến sông, rồi kín đáo nhìn từng khoảng chung quanh xe đá đậu. Con hẻm ngày ấy hãy còn rộng lắm không hẹp như bây giờ. Hơn 30 năm như bóng câu qua mành, cảnh còn vương vất nét cũ.
Bà Láng, nhiều người quên, thời của bà, người còn, người mất, thế hệ sau không còn nhớ nữa. Sau này người ta chỉ còn nhắc đến ông Ngô Chấn Như (con trai thứ hai của bà Láng) còn gọi là Hia Dú bán đá đậu riết thành tên gọi “Hia Dú Đá Đậu”, con trai đầu và con trai thứ ba không theo nghề của mẹ mà lập gia đình ở riêng. 49 năm, ngày nắng cũng như ngày mưa (trừ những ngày đám tiệc) ngày nào xe đá đậu của Hia Dú cũng mở bán từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì nghỉ. Bà Láng thì nghỉ hẳn, phụ bán có hai em gái là cô Nga, cô Yến. Thực khách quán ấy lạ lắm, có người chỉ ăn đá đậu Hia Dú đến 20 năm, có người từng ăn thì xa 10 năm, 20 năm, thậm chí như anh bạn vong niên của tôi là 30 năm cũng chỉ tìm về nơi ấy. Người sang trọng, người nghèo khó, viên chức nhà nước, tiểu thương buôn bán nhỏ, người lao động chân tay, người già, trẻ em… cùng ngồi xuống đó, ngon miệng dùng đá đậu, vui chuyện kể nhau nghe. Phường 2, không chỉ là những tiệm sắt làm nên hồn của phố, ly đá đậu nhỏ bé này cũng chan chứa hồn của phố đấy thôi. Nếu chỉ kể về phường 2 với sầm uất những chợ, những con đường buôn bán, nhà dây thép, chùa Bà… mà quên kể “quà của phố” là ly đá đậu Hia Dú thì đã thiếu đi hẳn “chất” của phường 2 này.
Mười nghìn đồng một ly đá đậu, đó là giá của 5 năm nay không đổi. Xe đá đậu của Hia Dú trở thành độc nhất vô nhị trong thành phố. Làm nên vị riêng biệt như bây giờ không phải là bà Láng mà là Hia Dú. Bí quyết nằm ở “nước cốt dừa” như đã nhắc ở trên. Nấu đi nấu lại vài chục lần, nêm đi nêm lại vài chục lần. Cuối cùng cũng có được công thức chỉ có đá đậu Hia Dú mới có thứ nước cốt dừa ngon đến “phát ghiền” như vậy. Các vị sau này Hia Dú bỏ bớt đi như bo bo và saboche để vị đậu không bị loãng.
Xe đá đậu là đời người, không chỉ là đời của một con người mà cả sáu người nhà ấy; là một quãng tươi xanh bình yên trong cuộc đời hàng trăm con người đã từng sống trong khu phố ấy mà đi xa đến đâu, đi lâu đến đâu cũng muốn tìm lại. “Ngoại trừ anh cả làm vuông, em thứ ba mở tiệm sắt riêng. Thì bốn người chúng tôi không đi đâu xa, suốt ngày quanh quẩn trong con hẻm này, cuộc đời gói gọn bên xe đá đậu. Thấy vậy đó nhưng cuộc đời phong phú lắm, bao nhiêu câu chuyện ở cái thế giới rộng lớn này người trong thiên hạ mang đến. Lâu lâu có người ở nước ngoài về, họ kể tuổi thơ của họ đã ở đây, thức gì cũng quên, chỉ còn nhớ ly đá đậu. Vậy là cuộc đời vui rồi, mong gì hơn. Thấy đơn sơ vậy, nhưng cả nguồn sống của đại gia đình ba thế hệ nhờ nó mà sống đầy đủ, thay cái nhà lụp xụp thành cái nhà lầu rộng rãi như giờ, bốn đứa con của tôi đều học cao hiểu rộng có nghề nghiệp ổn định. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh mà”, Hia Dú tâm sự.
Mấy năm trước vì tai biến và giãn tĩnh mạch chân khiến đôi chân Hia Dú yếu đi, đó cũng là hậu quả của 49 năm đứng bán, giống như mẹ ông. Có người khuyên cuộc sống gia đình giờ khấm khá rồi sao ông không nghỉ, ông cười hiền khô: “Giờ không còn là câu chuyện của kiếm sống nữa mà vì tôi không thể bỏ xe đá đậu. Nó như tâm hồn của cả nhà tôi. Bỏ nó rồi, nghỉ bán, sống khó chịu lắm, thấy nó thiếu. Bọn nhỏ không theo nghề, còn mấy người già, thì thôi, cứ để xe đá đậu nó “sống” đến lúc bọn tôi thác”.
Nhà ấy, có lẽ chẳng biết đâu, xe đá đậu đâu chỉ là riêng hồn của họ, 49 năm nơi ấy, và còn nhiều năm sau này nữa, người ta vẫn nhớ, ở cái hẻm bến đò đi Rạch Rập mà người ta quen miệng gọi là hẻm đá đậu có một xe đá đậu thành hồn của phố. Hẻm ngắn 10 m thôi nhưng ký ức thì kéo dài mãi…