Nỗi lo lạm quyền
Trước đề xuất bỏ biên chế trong ngành giáo dục, điều mà nhiều giáo viên băn khoăn là cùng với việc tăng tính tự chủ cho các trường, liệu có xảy ra sự lộng quyền của hiệu trưởng.
Cô giáo Nguyễn Thanh Nga, công tác tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi lo ngại xảy ra việc tuyển và cắt hợp đồng giáo viên tùy tiện. Khi đó, để vào được trường hay muốn ở lại người ta chỉ cần “lo lót” một khoản tiền cho hiệu trưởng... Vì vậy, nếu giao quyền cho hiệu trưởng thì cần có cơ chế giám sát chặt chẽ của Sở, của Bộ...”.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường dân lập Ðinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng: “Chuyển sang hợp đồng lao động thì sợ hiệu trưởng lạm quyền nhận người hoặc đuổi người. Do đó, cần thực hiện việc tuyển chọn và hợp đồng có chất lượng với hiệu trưởng. Khi có hiệu trưởng đủ chuẩn mạnh rồi mới làm chất lượng giáo viên. Hiệu trưởng phải là người đủ phẩm chất năng lực mới tuyển dụng được giáo viên. Nếu bước này tùy tiện sẽ theo lối mòn cũ: hiệu trưởng sẽ tuyển người thân quen, đem lại lợi ích cho mình thì không nhà trường nào chất lượng được. Do đó, những lo lắng của giáo viên nếu thay đổi đội ngũ mà không thay đổi biên chế hiệu trưởng thì không làm được là có cơ sở”.
Về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT lại cho rằng: “Khi trường còn nhận ngân sách thì cấp trên quyết về nhân sự, còn khi tự chủ hoàn toàn thì theo Nghị định 16/2015/NÐ-CP trường sẽ có Hội đồng quản lý đứng trên hiệu trưởng để quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình hoạt động của trường (Ðiều 8). Và nói chung khi đã là hợp đồng không xác định thời hạn thì ngay pháp luật lao động cũng xây dựng theo hướng bảo vệ người lao động, không phải thích đuổi là đuổi được. Không có lý do chính đáng, cho nghỉ việc không đúng quy trình thì hiệu trưởng dễ bị kiện ra tòa và nếu sai phạm phải bồi thường...”.
Sẽ xây dựng đề án thí điểm
Mới đây, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Trong lộ trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó có đổi mới công tác thi cử, đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Ðể thực hiện hiệu quả chương trình mới, cần phải đổi mới đồng bộ các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong đó có đội ngũ giáo viên.
Khẳng định chất lượng đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Trên thực tế, bên cạnh nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề thì cũng còn một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay có tư tưởng dựa vào “biên chế” để yên tâm ổn định lâu dài, thiếu động lực phấn đấu dạy tốt. Có tình trạng giáo viên dù dạy không tốt nhưng vì có “thâm niên” nên lương vẫn cao, trong khi đó những người mới ra trường dù dạy tốt lương vẫn thấp. Những bất cập này cần sớm được khắc phục”.
Theo Bộ trưởng, việc chuyển dần viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy, cô giáo. Bộ GD&ÐT ý thức rõ việc này, do vậy sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai.
Trước mắt, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện; chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa bảo đảm các điều kiện thí điểm triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.