Cái tình bạn nghề hạ bạc
Khi những dòng nước đỏ mang theo phù sa, tôm cá từ thượng nguồn sông mẹ Mê Kông cuồn cuộn để về các con sông rạch, tràn ngập những cánh đồng biên giới Tây Nam, cũng là lúc người dân vùng sông nước bắt đầu một mùa mưu sinh mới.
Cánh đồng biên giới Phú Hội, huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang thời điểm này mênh mông nước nổi. Đây cũng là một trong những điểm đến mưu sinh của người dân nghèo sống nghề hạ bạc. Theo những ngư dân chuyên sống bằng nghề khai thác, đánh bắt cá trong mùa nước nổi, do tiếp giáp với cánh đồng nước bạn Campuchia nên Phú Hội được xem là một trong những “ngư trường” tự nhiên có rất nhiều tôm cá. Bởi thế, ngay trên cánh đồng này đã hình thành một “chợ nổi” chuyên thu mua cá đồng của ngư dân với hàng chục chiếc ghe xuồng tập trung bên dòng kênh Ruột.
Do các ngư dân đặt dớn, lú trong tận đồng sâu, không đủ thời gian di chuyển về đến các chợ trong buổi sáng. Vì thế, các bạn hàng đã chạy hẳn những chiếc ghe đụt vào tận đồng, chờ khi người dân thu hoạch xong có thể cân bán ngay. Từ tám giờ sáng mỗi ngày là chợ cá giữa đồng nước nổi mênh mông này bắt đầu nhóm họp đến tận trưa. Ghe xuồng của ngư dân từ khắp nơi trên đồng cũng tấp nập đổ về đây với đủ loại cá đồng tươi ngon.
Từ phía xa xa, một chiếc vỏ lãi chẻ nước lao về phía ngã bênh kênh Ruột. Cánh bạn hàng bắt đầu í ới vẫy gọi, ra hiệu cho biết chỗ ghe xuồng neo đậu. Ngư dân Lê Văn Phước cười tươi như xoá mờ đi những nếp nhăn và dấu vết thời gian sạm đen trên gương mặt. Với những người làm nghề hạ bạc như ông, thì mùa lũ hằng năm về đồng bằng châu thổ Cửu Long đã trở nên thân thiết, nhớ mong. Nước về mang theo phù sa, tôm cá, giúp người dân nghèo có thêm kế sinh nhai, để bữa cơm nghèo bớt phần đạm bạc. Năm nay ông Phước đầu tư 120 triệu đồng để mua sắm cây, lưới làm đường dớn trên đồng. “Hồi mấy năm nước lũ trước, tui đặt một đường dớn lưới dài này là sống khỏe qua mùa nước nổi, đổ một miệng dớn nửa ghe cá linh, có hôm phải rạch bụng lưới cho cá thoát ra bớt mới có thể chở về nhà. Những năm gần đây, lượng cá linh, cá đồng đổ về đồng bằng theo con nước ít hơn. Nhưng may là giá cả cũng cao và ổn định nên ngư dân nghèo vẫn sống được với nghề”, ông Phước chia sẻ. Còn ông Nguyễn Văn Doi vừa đổ túi cá “xà bần” ra chiếc thau to tướng để cánh bạn hàng phân loại, vừa kể chuyện làm nghề: “Lúc mới chớm lên, cá chạy trúng thấy mắc ham. Chỉ mấy bữa đầu mùa thôi mà ngư dân đều gỡ vốn. Dàn lú hay còn gọi là mười hai cửa ngục (vì có 12 miệng cho cá vào ngư cụ) tổng cộng hơn 100 cái mà mỗi ngày thu được sáu, bảy chục ký cá đồng, kiếm độ hai, ba triệu đồng chứ hổng ít”.
Xuồng ghe tấp nập đến rồi đi như con thoi giữa bốn bề nước nổi. Tiếng cười nói của những ngư dân trúng luồng cá lớn, tiếng í ới của cánh bạn hàng làm cho cánh đồng nước nổi càng thêm chộn rộn. Họ bảo, cái chợ cá nổi giữa bốn bề đồng nước này chính là “điểm hẹn” mưu sinh trong mùa nước nổi của các ngư dân và cánh bạn hàng. Bởi không phải tự dưng mà người dân đem cá tới chợ bán, mà giữa họ có một sợi dây ràng buộc.
Đầu mùa nước lên, mỗi bạn hàng phải tìm ngư dân đặt mối thu mua, rồi còn phải cho họ mượn tiền làm vốn. Mỗi người mượn ít cũng 10 triệu đồng, nhiều thì hai ba chục. Số tiền này sẽ được trừ vào tiền bán cá hằng ngày hoặc hẹn đến cuối mùa thì trả lại, tùy theo thỏa thuận. Mối quan hệ cộng sinh gắn bó này, giúp cho ngư dân dễ bán được hàng, không sợ ế vì đã có mối lái chờ sẵn, còn bạn hàng cũng được lợi khi thu mua cá xong bán lại cho thương lái để kiếm lời. Theo một quy định bất thành văn ở cái chợ cá đồng đặc biệt này, tuy thương lái đưa ghe lớn vào tận đồng sâu, nhưng họ không trực tiếp thu mua cá mà phải qua trung gian là các bạn hàng tại địa phương. “Nhờ vậy, ai cũng có việc làm, có thu nhập ổn định, sống khỏe qua mùa nước nổi”, bà Trần Thị Ngói, một bạn hàng chuyên thu mua cá đồng tại “chợ nổi” này nói vậy.
Súng ma và lươn đồng: Cứu cánh của dân nghèo
Khi màn đêm còn bao trùm cả cánh đồng biên giới xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thì những cư dân địa phương đã bắt đầu cuộc mưu sinh sớm. Hàng chục ghe, xuồng từ khắp nơi dọc vùng biên giới Tây Nam đổ về cánh đồng bông súng ma của xã Bình Thạnh, nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Mỗi người bơi xuồng, đầu mang một chiếc đèn pin chọc thẳng vào màn đêm để tìm những cọng bông súng đang cố trồi lên khỏi mặt nước. Công việc này tuy vất vả vì phải dậy từ khi gà chưa gáy sáng, nhưng là mơ ước của người dân nghèo nơi biên giới. Bởi họ không cần phải tốn kém tiền bạc đầu tư mua sắm dụng cụ, chỉ cần có chiếc xuồng ba lá nhỏ là có thể hành nghề.
Mỗi năm cứ tới mùa nước nổi là vợ chồng ông Cao Văn Hồng ở xã Tân Hội, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại đùm túm theo quần áo, gạo muối, cà ràng xuống hai chiếc xuồng cui nhỏ rồi vượt mấy khúc sông dài để tới cánh đồng bông súng ma nơi biên giới. Tới nơi khi trời còn tối mịt, ông Hồng tìm chỗ cột dây neo đậu lại cho vợ ngả lưng, ngủ thêm chốc lát để có sức bắt đầu cuộc mưu sinh. Còn ông thì thoăn thoắt tay chống sào, tay chộp trên mặt nước rút những cọng bông súng ma dài gần ba thước. Ông bảo, phải tranh thủ đi “săn” cả ban đêm thì mới hái được nhiều, chứ khi trời sáng thì có đến hàng trăm xuồng tới hái, không được bao nhiêu. Dẫu phải thức đêm, thức hôm lao động cực khổ nhưng mỗi ngày hai vợ chồng chỉ kiếm được độ trăm mấy, hai trăm nghìn đồng mỗi người là cao nhất. “Mình nghèo khổ không có ruộng đất thì phải chịu cực khổ lao động vất vả để kiếm sống chứ làm sao. May mà còn có những cánh đồng bông súng ma này những bà con nghèo còn có kế sinh nhai, sống tạm qua mùa nước nổi”, ông Hồng thủ thỉ.
Khi mặt trời bắt đầu thức dậy, cánh đồng bông súng ma càng trở nên rộng lớn, bao la với ghe xuồng ngược xuôi tấp nập. Là loại rau nước đặc sản chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi, bông súng ma có sức sống vô cùng mãnh liệt. Chúng “ẩn dật” trên các cánh đồng ruộng lúa ròng rã mấy tháng mùa khô. Tới khi các cánh đồng ngập nước là súng ma bắt đầu sinh sôi nảy nở. Nước ngập tới đâu, cọng bông súng dài theo tới đó, vượt lên khỏi mặt nước để nở hoa, trắng một góc trời. Mỗi năm tới mùa nước nổi, nơi đây lại trở thành cứu cánh, luôn dang rộng vòng tay chào đón những cuộc mưu sinh thâu đêm suốt sáng của cư dân nghèo vùng biên giới.
Đến khi nhìn rõ mặt người thì cánh đồng bông súng ma bắt đầu chào đón những cuộc mưu sinh khác của những người làm nghề xúc ụ lươn đồng. Bởi khi ánh nắng lên gay gắt là bông súng ma cũng bắt đầu lẩn khuất xuống những tán lá xanh, trốn nóng. Biết rõ tập tính sinh sống của lươn đồng là thích những cánh đồng ngập nước có nhiều cỏ để kiếm ăn nên cư dân vùng sông nước đã tận dụng những giề cỏ trôi dạt khắp nơi, gom chúng lại thành từng ụ lớn. Trong mỗi ụ, người ta bỏ thêm mấy con ốc, con cua vừa bắt được, đập vỡ ra để làm mồi nhử. Thế rồi, chỉ cần dùng một chiếc vợt lưới to là có thể đứng ngay trên xuồng để xúc cả ụ cỏ vào. Sau khi giở hết cỏ ra ngoài, tất cả những thứ còn lại trong vợt có khi không chỉ là lươn, mà còn có cả chuột, ếch, cá, tôm nữa.
Anh Nguyễn Phi Hùng, hơn bốn năm làm nghề xúc ụ lươn trong mùa nước nổi cho rằng, đây là cái nghề phù hợp với người nghèo vì không tốn kém quá nhiều tiền để đầu tư dụng cụ đánh bắt. “Đồ nghề quan trọng nhất là một chiếc vợt lưới với gọng bằng tre uốn thành vòng cung, với chiếc cán dài. Tre nhà đốn được, rồi mua thêm vài ba thước lưới với chiếc xuồng, ghe nhỏ nữa là có thể đi xúc ụ lươn rồi”, anh Hùng nói. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, chúng tôi bắt chuyện với anh Lê Văn Sul chuyên sống bằng nghề xúc ụ lươn ở cánh đồng biên giới này. Anh kể, trúng nhất là khi nước mới chụp đồng, lươn theo con nước tìm tới các bãi cỏ, bờ đất để kiếm ăn. “Mấy bữa đầu trúng có hôm mười mấy ký lươn to, bán năm bảy triệu, trúng lớn thì cả chục triệu đồng”, anh Sul nói đoạn rồi tiếp tục dong xuồng hướng về những vạt cỏ to tướng ở phía xa xa đường biên giới…
Hoàng hôn rải những tia nắng cuối cùng trên cánh đồng biên giới mênh mông nước nổi. Dẫu cuộc sống còn lắm nhọc nhằn, nhưng những cư dân nghèo vẫn luôn biết ơn sông mẹ Mê Kông và hạnh phúc đón nhận những món quà của thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho cư dân miền châu thổ.