Quỹ BHYT đủ khả năng cân đối

|

Bộ Y tế vừa phê duyệt giá khám, chữa bệnh (KCB) theo mức lương cơ sở cho 5 bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, 10 BV hạng I và yêu cầu từ nay đến ngày 31/12, các cơ sở KCB phải triển khai phê duyệt giá KCB theo đúng thẩm quyền quy định.

Giữ nguyên cơ cấu giá

Bộ Y tế cho biết, căn cứ Nghị định 73/2024/NĐ-CP, Thông tư 21/2024/TT-BYT về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành xây dựng Hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí: Giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng sang mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.

Các hướng dẫn về việc phê duyệt giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu (hiện đang quy định tại Thông tư 13/2023/TT-BYT) được tiếp tục quy định và hướng dẫn tại Thông tư 21 như: Quy định một số nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia KCB yêu cầu tối đa 30%, đồng thời hướng dẫn về cách ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp với thực tế của đơn vị.

Trong số 15 bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt giá có 5 bệnh viện hạng đặc biệt và khoảng 10 bệnh viện hạng I.

Các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện phê duyệt giá KCB theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở y tế trên địa bàn không cao hơn mức giá cao nhất của dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định. Cấp có thẩm quyền phê duyệt giá ngày nào thì đơn vị được thực hiện thu theo mức giá mới từ ngày đó.

Trước đó, giá dịch vụ khám bệnh BHYT bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I hiện là 42.100 đồng, bệnh viện hạng II là 37.500 đồng, bệnh viện hạng III là 33.200 đồng, bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã là 30.100 đồng.

Giá khám, chữa bệnh BHYT của một số bệnh viện cũng đã được công bố, đơn cử như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, Bệnh viện Da liễu T.Ư điều chỉnh giá khám từ 42.100 đồng lên 50.600 đồng/lượt.

Chi phí hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở KCB) vẫn giữ nguyên 200.000 đồng/ lượt. Giường bệnh hồi sức cấp cứu tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 509.400 đồng lên 599.400 đồng/giường/ngày; giường loại 1 từ 273.100 đồng lên 327.100 đồng/lượt/ngày. Giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng, ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng đặc biệt trước kia là 867.500 đồng thì sau điều chỉnh sẽ là 1.017.300 đồng.

Theo Bộ Y tế, với việc điều chỉnh giá lần này, quỹ BHYT đủ khả năng cân đối. Điều này là do chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (lũy kế kết dư năm 2023), đồng thời số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Việc điều chỉnh giá viện phí không ảnh hưởng đến người nghèo. Ảnh: AN NHƯ

Người bệnh lo lắng

Trước việc giá viện phí được điều chỉnh tăng theo giá lương cơ sở, không ít người dân bày tỏ sự lo lắng bởi gánh nặng chi phí KCB lúc đau ốm sẽ nặng thêm. Hơn nữa, không chỉ những người chưa có thẻ BHYT bị ảnh hưởng mà ngay cả người có BHYT khi phải đồng chi trả cũng chịu tác động không nhỏ.

Hiện tại, Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) có địa chỉ tại tầng 2; 3; 4 khu nhà B với cơ sở vật chất ổn định, khang trang, phòng lọc máu sạch đẹp; hoạt động 3 ca/ngày với khoảng 200 lượt chạy/ngày, điều trị cho khoảng 400 người bệnh lọc máu chu kỳ, kèm theo đó là điều trị bệnh nhân cấp cứu của khoa phòng khác khi phải can thiệp... Những người bệnh đến đây chủ yếu là bệnh nhân nghèo, có thu nhập thấp hoặc không ổn định.

Bà Trần Thị H. (47 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng từ khi nghe tin tăng viện phí vì con gái bà bị suy thận mạn tính và nằm ở Bệnh viện Thanh Nhàn suốt ba năm qua. Dù con thuộc diện được hưởng bảo hiểm xã hội nhưng chi phí chữa bệnh kéo dài nhiều năm khiến cả gia đình lao đao: “Nghe tăng viện phí mà chúng tôi thấy mệt mỏi hơn. Những người lao động tự do như chúng tôi thu nhập không ổn định nên chi phí y tế dù chỉ tăng một đồng cũng thấy khổ rồi”. Bà H. cho biết, bà về chế độ sớm, chồng đã mất nên thu nhập hằng ngày của gia đình chỉ trông chờ vào quán nước nhỏ gần nhà.

Ông Nguyễn Văn M. (67 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lương cơ sở tăng kéo theo nhiều dịch vụ khác trong đời sống cũng tăng giá. Cùng với đó, mức đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng theo nên việc tăng viện phí theo lương cơ sở sẽ ảnh hưởng đời sống người dân, đòi hỏi cần có cơ chế chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp, nhất là người không có BHYT.

Còn bà Vũ Thị N. (59 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) cho rằng, việc điều chỉnh giá KCB ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh. Có thể các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ít ảnh hưởng vì phần lớn bệnh nhân đều có BHYT. Nhưng nhiều bệnh nhân phải đến khám ở tuyến T.Ư nên chi phí rất cao, nếu dùng BHYT trái tuyến sẽ được giảm một phần, nhưng có khi khám 2 ngày mới xong lại mất thêm chi phí ăn ở…

Không ảnh hưởng đến đối tượng chính sách, người nghèo

Theo Bộ Y tế, về tác động với người dân, đối tượng tham gia BHYT là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng. Các đối tượng phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5% thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của họ cũng tăng theo mức lương cơ sở. Với đối tượng chưa có thẻ BHYT (khoảng 8% dân số ), việc điều chỉnh này chỉ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ KCB.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT hằng tháng được tính dựa trên mức lương cơ sở và các yếu tố kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh mức giá BHYT không phải là tăng chi phí riêng lẻ mà phụ thuộc vào sự điều chỉnh mức lương cơ sở, nhằm bảo đảm tương ứng với sự phát triển kinh tế và nhu cầu cải thiện quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân. Hiện nay, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% nên dẫn đến mức đóng BHYT của hầu hết các nhóm đối tượng tăng theo. Đây cũng là cơ sở để Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở KCB thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành xây dựng hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí: Giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng sang mức 2,34 triệu đồng. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện phê duyệt giá theo mức lương 2,34 triệu đồng cho cơ sở KCB trên địa bàn không cao hơn mức giá cao nhất của dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định. Cấp có thẩm quyền phê duyệt giá ngày nào thì đơn vị được thực hiện thu theo mức giá mới từ ngày đó.