Nhà mặt phố mất dần vị thế thương mại

|

Những tuyến phố vốn từng sầm uất, nay thưa thớt cửa hàng nhưng dày đặc biển “cho thuê nhà” suốt nhiều tháng. Tình trạng đó phản ánh những xu hướng mới trong tiêu dùng cũng như sự thay đổi về lựa chọn loại hình bất động sản cho thuê.

Xu hướng mua sắm mới

Từng là một trong những tuyến phố sầm uất nhất ở Hà Nội với nhiều thương hiệu thời trang và cà-phê nổi tiếng, phố Kim Mã nay trở nên đìu hiu khi nhiều cửa hàng liên tục trả mặt bằng cho thuê.

Một thương hiệu thời trang cho biết, sau hơn 2 tháng thuê với giá hơn 70 triệu đồng/tháng cho mặt bằng 60 m2, doanh nghiệp đang phải tìm đối tác để cho thuê lại nhằm tránh mất cọc. Lượng khách đến cửa hàng mua sắm quá ít không đủ để doanh nghiệp trang trải chi phí đắt đỏ.

“Trước đây khu phố này thu hút lượng khách văn phòng rất đông. Vì thế cũng khá khó tìm mặt bằng ở đây vì số lượng có hạn mà giá cho thuê rất đắt. Bây giờ giá giảm hơn rất nhiều nhưng đúng là không có người mua nên rất khó để duy trì cửa hàng”, đại diện thương hiệu cho biết.

Không chỉ Kim Mã, nhiều tuyến phố khác như phố Huế, Cầu Giấy… cũng khá thưa thớt người mua sắm… Những biển hiệu cho thuê mới xuất hiện ngày càng nhiều trong khi những mặt bằng trống vẫn chưa được lấp đầy.

Chị V.A, chủ một cửa hàng cho thuê trên phố Huế cho biết, nhà chị có mặt bằng 55 m2 với mặt tiền khá rộng khoảng 8 m trước đây cho thuê bán

cà-phê kèm đồ ăn vặt. Khoảng 2 năm trở lại đây, kinh doanh khó khăn nên bên thuê đã xin chấm dứt hợp đồng mặc dù chị đã giảm giá cho thuê khoảng 10%.

Đánh giá về các giao dịch thuê nhà mặt phố tại Thủ đô, anh Đăng Thuấn, một môi giới bất động sản chuyên nghiệp cho biết, nhiều cửa hàng đã rao nhiều tháng nhưng chưa tìm được người thuê. Giao dịch ở phân khúc này khá trầm lắng.

Trong khi đó, giá thuê cửa hàng ở nhiều tuyến phố vẫn cao ngất ngưởng. Theo dữ liệu của trang batdongsan.com.vn, giá thuê nhà mặt phố tại các quận như Cầu Giấy tăng tới 31,6%, Hai Bà Trưng 29,4%, Đống Đa 8%, Thanh Xuân 21,9%... chỉ rất ít khu vực giảm giá mạnh tới 33,3% như Kim Mã.

Theo anh Đăng Thuấn, nhiều chủ cho thuê đã quen với việc cho thuê giá cao suốt một thời gian dài nên rất khó để giảm giá sâu khiến lượng giao dịch không nhiều. Trong khi đó, tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt mua sắm nên việc kinh doanh khu vực mặt phố rất khó phục hồi.

Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về tiêu dùng cho rằng, cửa hàng mặt phố đóng cửa, cùng với sự ảm đạm tại nhiều trung tâm thương mại, nếu nhìn ở phần nổi thì khá tiêu cực bởi đó là dấu hiệu cho thấy cầu tiêu dùng giảm, doanh nghiệp gặp khó. Nhưng nó cũng phản ánh một xu hướng khác là sự lên ngôi của các kênh mua sắm mới.

“Trước đây, người dân thường mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng thuận tiện về giao thông. Mặt bằng tại các phố trung tâm lên ngôi với giá đắt đỏ. Cùng với đó, giá các mặt hàng bán ra cũng khá cao do giá thuê nhà thường được tính vào chi phí bán hàng. Nhưng bây giờ, ngồi nhà người ta có thể chọn mua hàng trực tuyến dễ dàng với giá cả và chất lượng cạnh tranh hơn rất nhiều”, ông Phú đánh giá.

Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của NielsenIQ Việt Nam đã củng cố thêm nhận định này với ghi nhận tần suất mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cao gấp đôi so với năm ngoái. Cụ thể, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt/tháng và dành ra hơn 8 giờ/tuần để mua sắm trực tuyến. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hằng tháng của người Việt.

Shophouse lên ngôi

Sau thời gian dài vắng khách thuê, tình trạng mặt bằng trống vẫn tồn tại trên nhiều tuyến phố trung tâm. Ở chiều ngược lại, dự án căn hộ đã hoàn thiện ở khu vực cận trung tâm với mật độ dân cư đông, trong đó shophouse, khai thác cho thuê, kinh doanh ngay đang có lợi thế rõ nét ở giai đoạn này. Theo đánh giá, hiện tỷ lệ lấp đầy chiếm đến 80-90% tại các dự án cận trung tâm. Các mặt bằng shophouse đang hoạt động rất sôi nổi, từ nhà hàng, quán cà-phê, spa làm đẹp.

Theo chuyên gia bất động sản, hiện tượng dịch chuyển từ mặt bằng nhà phố trung tâm đắt đỏ sang loại hình shophouse phần lớn là do giá thuê "hấp dẫn", vừa sức với khách thuê trong bối cảnh chung. Bên cạnh đó, quá trình mở rộng đô thị đang thúc đẩy các tập đoàn và thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước tìm đến các khu dân cư, khu căn hộ lân cận để mở rộng kinh doanh.

Theo bà Võ Thị Phương Mai, chuyên gia bất động sản của CBRE Việt Nam, đây không hẳn chỉ là một xu hướng mà là yêu cầu tất yếu, bởi nó là dịch vụ nhằm cung cấp cho cư dân, cũng là một bước dịch chuyển về mặt bằng thương mại khi mà mặt bằng ở trung tâm không còn đủ sức hút.

Mặt khác, sự dịch chuyển của nhiều nhóm ngành kinh doanh nhỏ lẻ đã dẫn đến sự thay đổi về nhu cầu thuê, mua bất động sản. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu "nhòm ngó" các sản phẩm shophouse tại các dự án chung cư vì mật độ cư dân tại đây đã được lấp đầy, vị trí giao thương thuận lợi hơn so với các khu vực khác, kèm theo các chương trình ưu đãi, hỗ trợ thanh toán hấp dẫn.

Cũng theo bà Mai, trong các khu đô thị, khi dân cư về ở đông thì lưu lượng người đi bộ, đi ngang shophouse sử dụng dịch vụ ở shophouse lớn hơn nhiều so với lượng người sử dụng dịch vụ ở nhà phố. Ngoài ra, không chỉ cư dân sống trong các khu đô thị sử dụng dịch vụ đó mà có cả lượng khách ở bên ngoài tới vui chơi, tham quan.

Bên cạnh shophouse, các chủ kinh doanh cũng lựa chọn nhiều loại hình nhà cho thuê khác để phục vụ hoạt động kinh doanh trực tuyến như nhà chung cư, nhà trong ngõ, thậm chí nhà ở ngoại ô…với mục đích chủ yếu là vừa kinh doanh vừa làm kho chứa hàng. Kinh doanh như vậy tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Xu hướng đó cũng là nguyên nhân khiến mặt bằng tại các phố trung tâm khó lấp đầy trong thời gian tới.