Vì một thành phố học tập

|

Ngay sau khi gia nhập “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch trong giai đoạn 2024-2030 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập của người dân và thực hiện các giải pháp xây dựng thành phố học tập suốt đời.

Tăng cơ hội học tập trong cộng đồng

Để được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”, Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện tốt 3 nội dung, 12 tiêu chuẩn, 42 tiêu chí và 60 chỉ số do UNESCO quy định. Trong đó, ngành giáo dục cần bảo đảm 3 nội dung với 11 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí và 25 chỉ số. Đầu năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giai đoạn 2024-2030. Từng phần việc cụ thể đã được chỉ đạo xuống các sở, ban, ngành quận/huyện và TP Thủ Đức cũng như hệ thống cơ sở giáo dục theo nhiều hình thức khác nhau.

Kế hoạch thực hiện mô hình “Thành phố học tập toàn cầu” trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai từ tháng 3/2024, lồng ghép với bộ tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc”, tiêu chí đánh giá “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” và công tác khuyến học, khuyến tài… Tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức đều đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêu chí đánh giá và đang thực hiện báo cáo kết quả năm 2024 theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Quá trình triển khai bước đầu đã thu về kết quả khá khả quan trong công tác chuyển đổi số giáo dục và đẩy mạnh phong trào học tập trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các địa phương, cơ sở bám sát kế hoạch triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh còn tập trung xã hội hóa giáo dục nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người dân tham gia học tập.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 310 trung tâm học tập cộng đồng. Đây được coi là điều kiện thuận lợi để triển khai các đề án giáo dục thông minh, học tập suốt đời phục vụ cộng đồng. Thời gian qua, thành phố đã triển khai thí điểm nhiều dự án như: xây dựng thư viện điện tử tại trung tâm học tập cộng đồng, đưa nội dung khóa học trực tuyến, thư viện điện tử của trung tâm học tập cộng đồng vào cổng thông tin điện tử của UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và UBND phường, xã, thị trấn… Mới đây, ngành GD&ĐT đã đặt hàng gần 10 trường cao đẳng và trung cấp chuẩn bị danh sách các ngành nghề có thể đào tạo trực tuyến tại địa phương để sớm triển khai cho các trung tâm học tập cộng đồng. Các địa phương đang ghi nhận phản hồi từ người dân trong việc tiếp cận trung tâm học tập cộng đồng, đề xuất nhiều giải pháp giúp việc triển khai hoạt động này trở nên hiệu quả, thiết thực hơn.

Tiếp tục gỡ khó

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, bộ tiêu chí của UNESCO đòi hỏi thành phố phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào những chương trình mang tính đột phá, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng GD&ĐT. Với những thay đổi theo định hướng thành phố học tập toàn cầu, ngày càng nhiều người dân được tiếp cận giáo dục theo các hình thức thân thiện và đơn giản, tiện lợi hơn thông qua các trung tâm học tập cộng đồng. Chuyển đổi số trong giáo dục cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình học, kho tài nguyên chung, tài liệu học tập và có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại. Thành phố đang nỗ lực bảo đảm các tiêu chí từ UNESCO cùng với việc triển khai nhiều phong trào xây dựng xã hội học tập từ Trung ương, Bộ GD&ĐT. Thế nhưng, chính sự thiếu đồng bộ về mặt cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng, đội ngũ nhân lực đang đẩy không ít nơi vào thế khó. Tại quận Tân Phú, chính sự phát triển không đồng đều giữa các trung tâm học tập cộng đồng tại các phường đã dẫn đến thực trạng nơi làm tốt, chỗ chưa hiệu quả. Về nhân sự, tất cả các vị trí tại trung tâm học tập cộng đồng đều là kiêm nhiệm, chưa có chế độ riêng. Điều này cũng dẫn đến nhiều trở ngại trong việc thúc đẩy chất lượng học tập cộng đồng.

Trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh cũng cho rằng, cần có những tiêu chí phù hợp hơn cho việc vận hành các trung tâm học tập cộng đồng tại một đô thị lớn, đông đúc dân cư như Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, việc tận dụng tối đa thế mạnh của công nghệ là yếu tố đáng được quan tâm. Thay vì chờ đầu tư cơ sở vật chất để tập trung người dân lại, các trung tâm học tập cộng đồng nên đóng vai trò đầu mối triển khai các khóa học, lớp học trực tuyến theo nhu cầu thực tế. Như vậy người học sẽ chủ động hơn.

Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết, thời gian tới địa phương sẽ rà soát lại hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, vận động kinh phí hỗ trợ các nơi tháo gỡ khó khăn.