Kỳ 1: Bí ẩn hàng trăm ngôi mộ giả
Ở các xã bản Díu, bản Pắng, bản Máy…, thậm chí sang cả đất Trung Quốc, cứ nơi nào có người La Chí sinh sống thì đều có những ngôi mộ đất to lớn, được gọi là mộ vua. Ngôi mộ vua lớn nhất, linh thiêng nhất của người La Chí nằm ở bản Lùng Cẩu (xã Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang).
Vén bức màn huyền thoại
Ông Hoàng Ngọc Lâm năm nay ngoài 90 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, người già uy tín ở tỉnh Hà Giang, sinh ra và gắn bó trọn đời trên mảnh đất Tây Côn Lĩnh. Quãng thời gian làm cán bộ huyện, ông Hoàng Ngọc Lâm có điều kiện đi khắp các thôn, bản, tiếp xúc với đông đảo người dân, nên nắm khá rõ về đời sống văn hóa xã hội của địa phương.
Vuốt nhẹ chòm râu dài trắng như cước, ông Hoàng Ngọc Lâm cho biết: “Những tài liệu mà tôi được tiếp cận chỉ là các câu chuyện truyền miệng, lời văn trong các nghi lễ thờ cúng dân gian, chưa được tiếp cận các văn bản chính thống ghi chép cụ thể về vua Hoàng Vần Thùng. Nhưng có một thực tế rằng, Hoàng Vần Thùng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên vùng đất và đời sống văn hóa tinh thần của con người nơi đây. Đến nay, vùng Đông Bắc này vẫn còn rất nhiều huyền thoại, sự tích, phong tục, tín ngưỡng, tên đất tên làng… còn gắn bó mật thiết với Hoàng Vần Thùng”.
Dấu ấn của Hoàng Vần Thùng, theo ông Hoàng Ngọc Lâm, còn lưu giữ đậm nét trên ba ngọn núi nổi danh của Hoàng Su Phì, được coi là hóa thân của ngài sau khi mất: núi Khau Phia (Sừng đá) ở xã Tuyên Nguyên, núi Khau Cùn (Sừng dại dột) ở xã Xuân Minh và núi Khau Chang (Sừng giữa) ở Cổng trời Nậm Ty. Người Tày càng đặc biệt tôn kính, coi cả ba đều là những thần núi bảo hộ cho cộng đồng.
Ông Trần Chí Nhân, Phó phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì cũng có nhiều năm tìm hiểu về nhân vật nổi tiếng và bí ẩn này. Phạm vi nghiên cứu của ông rộng hơn, vượt sang các huyện và tỉnh khác, trên cả những tư liệu cũ của người Việt, người Trung. “Theo tiếng địa phương, tên gọi Hoàng Vần Thùng có nghĩa là Hoàng Văn Đồng (có sách chép là Hoàng Văn Thông). Từ những manh mối và mảnh ghép nhỏ lẻ, tôi xác định được ông Hoàng Văn Đồng là một thổ tù sống trên đất Hoàng Su Phì này vào thời Hậu Lê. Còn thì Lê Trung Hưng hoặc Lê Mạt vẫn chưa rõ, do có những nguồn tư liệu còn mâu thuẫn với nhau”.
Từng nhiều lần trao đổi với ông Trần Chí Nhân, chúng tôi vẫn chưa thật sự đồng thuận với nhau về tiểu sử của Hoàng Vần Thùng. Theo ông Trần Chí Nhân, Hoàng Vần Thùng là Phó tướng của Chúa Bầu Vũ Văn Mật, tức là ông sống vào thế kỷ XV, đầu thời Lê Trung Hưng. Ông tham gia công cuộc trung hưng nhà Lê, khi mất được hợp táng cùng vợ tại nơi này. Đặc điểm quan trọng là ngôi mộ được cho là của Hoàng Vần Thùng hiện đang nằm trong khuôn viên đền thờ Chúa Bầu (huyện Bắc Hà, Lào Cai).
Cùng đó, nguồn tư liệu ít ỏi từ Hà Giang lại cho rằng, trong số hàng trăm ngôi mộ giả của ông, có thể mộ thật nằm trên núi Gia Long (Bản Phùng) hoặc bên huyện Túng Sán (Hoàng Su Phì). Các sử sách nhà Lê, nhà Nguyễn lại ghi chép rằng, Hoàng Văn Đồng sống vào thế kỷ XVIII thời Lê Mạt, có liên quan tới các vua Lê Chiêu Thống và Quang Trung. Bài viết sẽ đề cập đến chuyện này ở phần sau.
Ngôi đền thiêng cùng hàng trăm ngôi mộ
Chúng tôi đến bản Lùng Cẩu (xã Bản Phùng) của người La Chí để tìm hiểu về những ngôi mộ và sự kiện Hoàng Vần Thùng từng làm vua. Rất nhiều bản làng dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh đều thờ Hoàng Vần Thùng, nhưng nơi đây hiện vẫn còn ngôi đền thờ được coi là linh thiêng và quan trọng nhất của cộng đồng.
Lùng Cẩu theo tiếng địa phương có nghĩa là “làng cổ”, “bản cũ”…, chứng tỏ từ rất xa xưa nơi đây từng có người sinh sống. Từ thị trấn Vinh Quang đến Lùng Cẩu khoảng 25 km, đường sá quanh co uốn lượn theo dòng sông Chảy, rồi vượt lên một dãy đồi núi cheo leo với những dốc cao và khúc cua liên tiếp. Bản nghèo, chỉ có khoảng hơn 300 người dân, tất cả đều là người La Chí.
Ở đây, người La Chí đặc biệt tôn kính Hoàng Vần Thùng, coi ông là vua của mình với nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Mộ của ông là cả một quả núi đất rất lớn nằm phía trên bản Lùng Cẩu, được gọi là núi Gia Long. Núi Gia Long không quá cao, hình tròn như chiếc bát úp, cây cối rậm rạp, hoang vu vắng lạnh. Trên bãi đất rộng phẳng ở lưng chừng núi có một ngôi đền thờ rộng một gian nhà, tranh tre nứa lá, cửa kín then cài. Đó là ngôi đền cổ thờ vua Gia Long.
Khi thấy chúng tôi tiếp cận ngôi đền cổ, rất nhiều cái đầu thò ra khỏi cửa nhà, có người còn chạy đến gào lên: “Không được mở cửa!”. Chỉ đến khi người cán bộ văn hóa xã Bản Phùng khẳng định rằng, chúng tôi đã hiểu rõ những cấm kỵ chung quanh ngôi đền thờ và chỉ đứng ngoài tham quan, người dân mới tạm yên tâm. Nhưng một số người già vẫn lặng lẽ đứng từ xa giám sát động tĩnh của chúng tôi.
Ông Vương Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phùng vui vẻ rót nước mời khách, rồi bảo: “Đây là ngôi đền thiêng của người dân trong vùng, hàng trăm năm nay không ai dám xâm phạm đâu. Bản thân tôi làm công tác chính quyền, rất được bà con châm chước, nhưng đến nay cũng chỉ được vào đền có hai lần. Bên trong đền sơ sài thôi, treo rất nhiều sừng và đầu trâu theo quan niệm về sự giàu có của người La Chí. Đền chỉ có ba ban thờ. Ban chính giữa thờ vua Hoàng Vần Thùng, bên cạnh là ban thờ bà vợ và người thư ký của ngài. Mỗi năm, chúng tôi chỉ mở cửa đền duy nhất một lần vào ngày mồng 2 Tết âm lịch, xong thì lại đóng cửa quanh năm”.
Theo ông Vương Văn Sinh, sở dĩ ngôi đền được cả bốn dòng họ là Long (Lùng), Vương (Vàng), Ly (Lý), Tận, của người La Chí coi trọng, vì người dân quan niệm, đây là ngôi mộ chính thức của vua Hoàng Vần Thùng là người từ xa xưa có công dựng bản, bảo vệ người dân. Nhưng tại sao lại gọi là vua Gia Long và bên trong lòng quả núi đất ấy có gì thì ông Vương Văn Sinh chỉ lắc đầu không biết.
Ông Vương Văn Sinh được những người già kể rằng, khi vua Gia Long mất, chỉ một đêm bỗng khắp vùng mọc lên hàng trăm ngôi mộ đất. Khắp khu vực người La Chí sinh sống, có rất nhiều những gò đống nhấp nhô mọc lên. Chúng đều có hình tròn, cao tầm hơn 1,5 m và rộng như một gian nhà, nằm cách nhau vài mươi bước chân một cách đều đặn. Cá biệt có những ngôi mộ chu vi hơn 70 m, cao hơn 6 m. Có những ngôi mộ vẫn tròn to nguyên vẹn, nhưng cũng có những ngôi đã bị sạt, lở ra từng mảng đất trắng trụi cỏ. Xem nếp đất từ những ngôi mộ vỡ, có ngôi liền thổ, nhưng cũng có ngôi đất đắp xen dấu xỉ than như được cố tình đắp giả.
Không chỉ ở Lùng Cẩu mà ở cả các xã bản Díu, bản Pắng, bản Máy…, thậm chí sang cả đất Trung Quốc, cứ nơi nào có người La Chí sinh sống thì đều có những ngôi mộ đất tương tự. Không rõ có chính xác bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu người đã tham gia đắp mộ, trong cùng một thời gian hay cả một quãng thời gian lâu dài…? Nhưng người dân La Chí tin rằng, tất cả các mô đất tròn ấy đều là mộ của nhà vua, không ai dám phạm đến, kể cả mộ nằm giữa vườn, giữa ruộng cũng không dám đụng một nhát cuốc nào vào. Và họ ngầm thừa nhận rằng, ngôi mộ khổng lồ trong bản Lùng Cẩu là ngôi mộ thật của vua Hoàng Vần Thùng, còn gọi là vua Gia Long.
(Còn nữa)
Hoàng Vần Thùng có nhiều tên khác như vua Gia Long, vua Hoàng Dìn Thùng... Người Tày, Nùng, La Chí, Clao ở vùng Tây Côn Lĩnh này đều tự nhận mình là con cháu của vị vua đó. Mỗi câu chuyện của từng dân tộc có khác nhau, nhưng đều có một điểm chung, Hoàng Vần Thùng là một vị vua và là người giàu có bậc nhất của thiên hạ. Nhưng rất ít ghi chép rõ ràng về thân thế sự nghiệp của con người này.