Thấp thỏm sống ở vùng khoáng sản

|

Người dân thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), nơi có mỏ khai thác quặng sắt dưới tầng sâu, đang phải sống những ngày vất vả và lo âu trước tình trạng nứt nhà, mất nước sinh hoạt. Đặc biệt là sụt lún có thể xảy ra sập nhà bất cứ lúc nào đe dọa tính mạng và tài sản.

Nhà nứt, lún, mất nước

Dọc quốc lộ 17 qua tổ 14, thị trấn Trại Cau có nhiều ngôi nhà xây kiên cố, trong đó có những ngôi nhà hai tầng vốn khang trang nhưng bỏ hoang. Nguyên nhân là do tình trạng sụt lún, nứt toác khiến gia chủ buộc phải bỏ để chuyển đến nơi ở mới. Những gia đình đã được hỗ trợ, nay đã yên tâm sinh sống tại nơi ở mới. Nhưng những nhà chưa được hỗ trợ di chuyển, hằng ngày đang đối mặt với nhiều khó khăn do mất nước sinh hoạt, nhà nứt có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

Gia đình ông Trần Văn Tỵ ở tổ 14, thị trấn Trại Cau có sáu khẩu, trong đó có hai vợ chồng người con trai tên là Trần Văn Hợi và hai người cháu cư trú yên ấm trong ngôi nhà kiên cố từ nhiều năm trước. Nhưng thời gian qua cuộc sống gia đình ông Tỵ bị đảo lộn, kinh tế khó khăn, nguyên nhân bắt đầu từ việc tường nhà bị nứt, nền chuồng lợn, vườn tược bị lún, mất nước. Trước đây, hai vợ chồng anh con trai Trần Văn Hợi ở nhà làm vườn, trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, thường xuyên trong chuồng nuôi 50- 60 con lợn thịt nên cuộc sống khá ổn định. Đến năm 2014 thì giếng nước bỗng dưng cạn trơ đáy, sau đó buộc phải thuê khoan giếng đến bốn vị trí, chỗ nào cũng sâu đến 35 - 40 m thì mới có một vị trí “tìm” được nước. Tuy nhiên, lượng nước rất ít, anh Hợi bảo, mỗi lần bơm vài phút là hết nước, có téc đựng 1,2 khối nước mà phải bơm bốn lần mới đầy, nhiều hôm nước bơm lên vàng khè, không dùng được. Nước giếng khoan bơm lên chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Không có đủ để phục vụ chăn nuôi nhiều lợn, nay chỉ nuôi hai con lợn cái, dãy chuồng bỏ trống. Không có nước tưới, vườn tược chung quanh nhà bỏ hoang, cây cỏ dại mọc um tùm. Không chăn nuôi, không làm vườn được, thời gian qua hai vợ chồng anh Hợi phải đi làm thuê, nhưng công việc rất ít, chủ yếu quanh quẩn trong nhà. Cả nhà sáu khẩu, trong đó con lớn anh Hợi đang học Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, cháu nhỏ đang học lớp 9, trông chờ vào sáu triệu lương hưu của hai vợ chồng ông Tỵ nên đời sống khó khăn. Ông Tỵ tâm sự: “Lo nhất là những vết nứt ngang, dọc trên tường nhà, móng nhà ngày càng nhiều và to ra, mùa mưa này không biết ngôi nhà đang ở có trụ vững”.

Hàng xóm nhà ông Tỵ là gia đình bà Vũ Thị Cúc cũng trong cảnh tương tự, tường, nền nhà bị nứt, mất nước sinh hoạt. Gia đình bà Cúc được hỗ trợ hơn 230 triệu đồng để sửa nhà, nhưng bà Cúc chia sẻ: “Kết cấu nhà bây giờ đã bị phá vỡ vì nứt, không còn liên kết với nhau nữa nên không biết sửa chữa như thế nào, tôi mong muốn được hỗ trợ toàn bộ tài sản trên đất để chuyển đến nơi ở mới cho yên tâm”.

Ngôi nhà của Bí thư Chi bộ tổ 14 Đào Quốc Tuấn đang ở, được xây dựng khá cầu kỳ, trần nhà ốp gỗ, nhiều phòng khép kín, đến nay đã bị nứt, lún nghiêng về phía sau. Đường bê-tông từ cổng vào sân bị lún, nứt toác. Trước sân nhà có hai hòn non bộ được lắp đặt tạo thế khá đẹp, nhiều cây cảnh, nhưng đến nay hoang tàn, rêu mốc, cỏ dại mọc um tùm do không được chủ nhân chăm sóc. Anh Tuấn tỏ ra chán nản: “Hằng ngày sống trong ngôi nhà bị nứt, lún, nghiêng không yên tâm thì còn tâm chí đâu mà chăm sóc hòn non bộ với cả cây cảnh. Dự định cuối năm nay phải bỏ cơ ngơi này để chuyển đi nơi khác. Tổ 14 có 20 hộ bị nứt tường nhà, lún, trong đó có sáu hộ thuộc diện nguy hiểm, cần sơ tán, nhưng đến nay chưa biết chuyển đi đâu”.

Hiện nay, thị trấn Trại Cau có tổng số 71 hộ gia đình có nhà bị nứt, lún, ảnh hưởng nghi do khai thác khoáng sản gây ra.

Đường vào gia đình anh Đào Quốc Toàn bị lún, nứt toác.

Ai chịu trách nhiệm?

Trước đây, cuộc sống của người dân thị trấn Trại Cau tương đối ổn định, chỉ đến khi một số mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn đi vào hoạt động thì đời sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau Vũ Đăng Khoa cho biết: “Trước năm 2000, Mỏ sắt Trại Cau khai thác quặng sắt lộ thiên, khai thác trên các khu đồi chỉ gây bụi và tiếng ồn. Nhưng từ năm 2003 Mỏ bắt đầu khai thác mỏ sắt Thác Lạc 3 dưới tầng sâu khoảng 70 m so mặt bằng hiện hữu, đồng thời tiến hành hút nước tháo khô moong khai thác thì từ năm 2004 đến 2006 xảy ra hiện tượng mất nước sinh hoạt và sụt lún ở các tổ 1, 2, 3 và 5 thuộc thị trấn Trại Cau. Đặc biệt, đến năm 2010 xảy ra sự cố sụt lún trên diện rộng, ảnh hưởng đến 124 hộ trên địa bàn. Đáng ngại là xuất hiện nhiều hố sụt lún, có những hố sâu 6 m, đường kính rộng hơn 10 m, có thể “nuốt” ngôi nhà hai tầng, làm nhân dân địa phương hoang mang, cuộc sống nhiều gia đình bị đảo lộn, vô cùng khó khăn”.

Trước tình hình đó, cấp ủy và chính quyền địa phương yêu cầu Mỏ sắt Trại Cau ngừng khai thác mỏ Thác Lạc 3. Chính quyền yêu cầu đánh giá tình hình, điều tra nguyên nhân gây ra sụt lún để có cơ sở quy trách nhiệm thì Mỏ sắt Trại Cau nhận trách nhiệm, đồng thời hỗ trợ nhân dân hơn 12 tỷ đồng để di chuyển đến nơi ở mới, tu sửa nhà cửa, khắc phục hậu quả sụt lún. Đáng chú ý, trong thời gian ngừng khai thác mỏ Thác Lạc 3, nước dưới moong dâng lên, trên địa bàn không xảy ra sụt, lún.

Năm 2012, Mỏ sắt Trại Cau cùng với chính quyền địa phương tiến hành di chuyển 120 hộ dân ở tổ 15 về khu tái định cư ở tổ 9, thị trấn Trại Cau để lấy mặt bằng khai thác mỏ Núi Quặng. Việc bơm hút nước tháo khô moong, khai thác dưới tầng sâu mỏ Núi Quặng được tiến hành từ năm 2014 thì từ giữa năm 2015 đến nay lại xảy ra tình trạng lún đất. Gần 80 hộ dân ở các tổ 12, 14 và 16 thuộc thị trấn Trại Cau bị nứt nhà, mất nước sinh hoạt, trước nguy cơ nhà bị sập, địa phương đã di dời khẩn cấp gần 10 hộ. Ruộng cấy lúa của một số hộ dân ở các xóm Hoà Bình, Kim Cương và Trại Cau thuộc xã Cây Thị cũng bị sụt lún, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề sụt lún và ổn định đời sống nhân dân ở thị trấn Trại Cau, thời gian vừa qua tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ và thị trấn Trại Cau đã tổ chức nhiều cuộc họp, quy trách nhiệm. Tuy nhiên, không chỉ riêng Mỏ sắt Trại Cau có hoạt động khoáng sản mà có một số đơn vị khác cũng đang khai thác khoáng sản trên địa bàn nên không ai chịu trách nhiệm do mình gây ra. Tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo huyện Đồng Hỷ ký hợp đồng với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện Dự án Nghiên cứu, điều tra, đánh giá xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục hiện tượng sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ”, kinh phí thực hiện dự án này là bốn tỷ đồng, thời gian thực hiện đến hết tháng 6- 2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng được công bố.

Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ Phạm Văn Sỹ cho biết: “Chúng tôi rất lo hiện tượng sụt lún, nứt nhà ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân nên thời gian qua quyết liệt chỉ đạo thực hiện dự án. Yêu cầu mà chúng tôi đưa ra khi thực hiện dự án nêu trên là phải khẩn trương xác định rõ nguyên nhân một cách khách quan, chính xác, thuyết phục. Qua đó, gắn trách nhiệm cho các đơn vị gây ra nhằm giải quyết dứt điểm hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân”. Trong thời gian chưa xác định được nguyên nhân, UBND huyện Đồng Hỷ yêu cầu chính quyền thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị tiếp tục thường xuyên theo dõi các biến động và sự phát triển của các hiện tượng lún, rạn nứt các công trình xây dựng, nhà ở để có phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hộ dân.

Mặc dù thời gian thực hiện dự án đã hết, nhưng đến nay Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chưa đưa ra được nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm của bên liên quan gây ra sụt lún, mất nước. Trong khi đó, nhân dân địa phương đang hằng ngày chờ đợi công bố kết quả thực hiện dự án nêu trên để có giải pháp ổn định cuộc sống lâu dài.